Từ vụ án Mobifone-AVG, thấy gì về quyết tâm "diệt sâu tham nhũng"?

Thành An Thứ sáu, ngày 03/01/2020 11:58 AM (GMT+7)
Ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư nhìn nhận, những vụ đại án vừa qua đã cho thấy một thông điệp rất rõ ràng về tinh thần, chủ trương về quyết tâm “diệt tham nhũng” của T.Ư, “mình phải tiếp tục, cứ thế mà làm”.
Bình luận 0

Vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) vừa kết thúc xét xử, nhưng dư âm vẫn còn "nóng" từ "quán trà đá" vỉa hè cho đến nhiều diễn đàn mạng xã hội trên internet.

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.

Trước thềm năm mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh rằng: Đây là vụ án điển hình nói lên rất nhiều điều. Số lượng bị cáo nhiều, trong đó có cán bộ cao cấp, có hai ông từng là Uỷ viên Trung ương, Bộ trưởng, nhiều người có tiếng tăm, ra trước toà đều ăn năn hối lỗi, xin lỗi. 

"Trước đây chưa bao giờ xử được tội hối lộ, chưa bao giờ thu được tài sản lớn như vậy, một người nhận tới 3 triệu USD, viện kiểm sát đề nghị tử hình, sau đó nộp tiền rồi toà cho xuống chung thân. Vụ án có tác dụng răn đe cảnh tỉnh cảnh báo, có chiều rất sâu không thể nói ra hết được", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát đi một thông điệp rất mạnh mẽ và cứng rắn: “Vừa mới gần đây thôi, chúng ta xử mấy vụ rồi bổ sung thêm mấy vụ vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý. Tới đây còn tiếp tục xử lý, các đồng chí chờ xem”.

img

Vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) không phải là vụ án chống tham nhũng cuối cùng...

Ủy viên T.Ư Đảng, Thường trực ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng nói: Đã thấy rõ được "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất". Trước đây chúng ta đặt câu hỏi "một bộ phận không nhỏ" là ai, nhưng giờ đã xác định được hình hài của nó, từ cán bộ cấp thấp cho đến cấp cao, không phải hỏi việc này ở đâu để khởi tố".

Về vụ án trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư nói: “Đây là một điều rất đáng buồn nhưng phải làm. Đó là những người tham nhũng, ăn hối lộ, phải xử. Là một chính quyền nghiêm minh về mặt pháp luật, chúng ta phải thực hiện”.

Ông Lê Quang Thưởng cũng cho rằng, cơ quan công quyền của Đảng và Nhà nước "làm như thế là mạnh”. “Phát hiện ra chỗ nào tham nhũng, tiêu cực thì phải làm là đúng đắn. Chúng ta làm kiên quyết thì sẽ giảm được tình trạng tham nhũng, tiêu cực”.

Bên cạnh đó, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư cũng lưu ý: “Chúng ta nên nhớ do nền kinh tế thị trường có mặt tiêu cực và tích cực, chuyện cạnh tranh trong xã hội là tốt nhưng những gì tích cực thì mình phát huy còn những gì tiêu cực thì phải kiên quyết đấu tranh”.

img

Ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư.

Về lộ rõ hình hài "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất", ông Lê Quang Thưởng nhìn nhận, việc suy thoái của cán bộ, lãnh đạo, Đảng đã nói từ lâu, hàng chục năm nay đã nói. “Nhưng vì sao đảng viên suy thoái. Đó là, vì tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nếu không vững vàng về quan điểm lập trường thì rất dễ bị sa ngã, bị đồng tiền chi phối, cho nên người đảng viên, cán bộ phải sống lương thiện, phải vì nhân dân chứ không phải vì bản thân mình, người nào chỉ chăm chăm vì lợi ích bản thân thì chắc chắn sa ngã” – ông nói.

Kết lại, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư bày tỏ quan điểm, Đảng và Nhà nước vẫn phải tiếp tục tinh thần phòng, chống tham nhũng theo “thông điệp” của Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề ra. “Vừa rồi làm những vụ án đã bộc lộ ra một quyết tâm của T.Ư mình phải tiếp tục, cứ thế mà làm”.

Ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024) khẳng định: Chắn rằng vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG liên quan đến ông Nguyễn Bắc Son không phải là vụ án cuối cùng.

“Nếu Đảng cương quyết làm, làm kiên trì và quyết liệt thì tin rằng sẽ còn nhiều vụ nữa. Tôi cũng tin rằng phải tiếp tục làm đến nơi đến chốn để chúng ta ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tham ô” – ông nói.

Theo ông, để “diệt tham nhũng” phải cần có sự vào cuộc của toàn thể nhân dân, từ Đảng, Nhà nước đến các cấp chính quyền, đặc biệt cần phải huy động sức dân vào cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp này. “Phần lớn những hành vi tham nhũng được người dân phát hiện ra rồi cơ quan báo chí vào cuộc thì cơ quan nhà nước mới tham gia vào chứ không phải vì ngay từ lúc đầu cơ quan nhà nước đã phát hiện ra”.

ĐBQH: Cần có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ qua tiếp xúc cử tri, ghi nhận cử tri, nhân dân rất mừng vì sự quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là với những kết quả đạt được của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng T.Ư và Uỷ ban Kiểm tra T.Ư.

Theo ông, cử tri, nhân dân mong muốn phải kiên quyết, kiên định tiêu diệt tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng. “Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống”.

Vị đại biểu cũng góp ý, nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong phòng chống tham nhũng. “Trong chống Mỹ chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng” - ông Việt ví von.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem