Từ vụ bảo vệ móc nối với bác sĩ thu tiền tiêm vắc xin Covid-19, xử lý thế nào?

Quang Minh Thứ ba, ngày 07/09/2021 12:51 PM (GMT+7)
Theo luật sư, các vụ việc cán bộ "làm cò" thu tiền để tiêm vắc xin Covid-19 cần được xử lý nghiêm khắc. Người vi phạm có thể đối mặt với hình phạt tù.
Bình luận 0

Bảo vệ móc nối bác sĩ thu tiền tiêm vắc xin của người dân

Như Dân Việt đưa tin, ngày 6/9, Công an thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Hiệp (31 tuổi, bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên) và Lê Văn Thắng (24 tuổi, quê Đồng Tháp, tạm trú thị xã Tân Uyên) là nhân viên giữ xe tại Trung tâm Y tế tại thị xã Tân Uyên về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" và "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Theo điều tra, Thắng nhận lời đưa 17 người (chủ yếu là công nhân chưa được tiêm vắc xin hoặc không thuộc diện ưu tiên) vào Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên tiêm vắc xin với giá 600.000 đồng một người.

Thắng khai đã móc nối với bác sĩ Hiệp trước đó, nên tìm người dân bên ngoài có nhu cầu đưa vào tiêm để lấy tiền. Cả hai đã tiêm vắc xin trót lọt cho 42 người khác, thu 17,5 triệu đồng.

Ở TPHCM, Cơ quan Công an cũng bắt một cán bộ phường vì hành vi tương tự.

Từ vụ bảo vệ móc nối với bác sĩ thu tiền tiêm vắc xin, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Đối tượng Lê Văn Thắng (ảnh khoanh tròn) cấu kết đưa người vào tiêm vắc xin không đúng quy định. Ảnh Công an cung cấp.

Trước những vụ việc như vậy, anh Ma Văn Tùng (32 tuổi), ở quận Cầu Giấy, Hà Nội không đồng tình với hành vi móc nối thu tiền tiêm vắc xin của bảo vệ trung tâm y tế ở Bình Dương hay TPHCM. 

Anh Tùng cho rằng, số tiền vài trăm nghìn người dân bỏ ra tuy không phải là lớn đối với nhiều người, nhưng cũng không hề nhỏ đối với những gia đình đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong vụ việc trên, càng đáng trách hơn khi một số người coi việc phải trả tiền như “điều kiện đủ” để được tiêm vắc xin, vốn miễn phí. “Dù bất kể lý do gì thì việc thu tiền tiêm vắc xin trong thời điểm hiện nay đều là trái với quy định, trái với đạo đức xã hội và cần phải xử lý nghiêm những người vi phạm”, anh Tùng nói. 

Còn bà Hoàng Thanh Hương (50 tuổi), ở Hà Nội cho hay, ý nghĩa tiêm vắc xin miễn phí cho người dân đang là điểm sáng trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. 

Vì vậy, việc làm này cần được phát huy, không nên để những hình ảnh không đẹp làm mờ đi ý nghĩa đó. “Vì vậy, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay những vụ việc như trên để làm gương”, bà Hương chia sẻ.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trong có TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương… 

Do vậy, hiện nay, ngoài các biện pháp thực hiện việc giãn cách xã hội, truy vết F0, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 thì Chính phủ, các cơ quan chức năng đang nỗ lực đẩy nhanh việc thực hiện việc tiêm vắc xin cho người dân.

Hiện tại, tất cả người dân ở Việt Nam đều được tiêm miễn phí vắc xin Covid-19. Cơ quan chức năng không thu tiền của người dân, kể cả các tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ thì các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin cũng không tiếp nhận. 

Việc cá nhân, tổ chức lợi dụng việc tiêm vắc xin để thu tiền của người dân là trái với quy định.

Trong vụ việc nêu trên, Thắng khai đã móc nối với bác sĩ Hiệp trước đó, nên tìm người dân bên ngoài có nhu cầu đưa vào tiêm để lấy tiền. Cả hai đã tiêm vắc xin trót lọt cho 42 người khác, thu 17,5 triệu đồng.

Người thu tiền tiêm vắc xin trái quy định có thể bị phạt tù

Hành vi của Thắng không những là hành vi trái với đạo với đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi thu tiền của người tiêm vắc xin đã gây bức xúc trong nhân dân, cần phải xử lý nghiêm.

Hiện nay, Cơ quan chức năng đã khởi tố về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" và "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Theo Điều 355 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm.

Từ vụ bảo vệ móc nối với bác sĩ thu tiền tiêm vắc xin, xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Còn đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm  theo Điều 358 Bộ luật hình sự 2015.

"Như vậy, trong vụ việc nêu trên, trường hợp cơ quan chức năng làm rõ bác sĩ và người giữ xe ở Trung tâm Y tế Bình Dương vi phạm quy định, họ có thể phải đối mặt với mức án tù từ 1-6 năm tù", luật sư Bình nói.

Điều 358 Bộ luật hình sự quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cụ thể như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem