Từng suýt giải thể, HTX này liên kết trồng ổi sạch bán cho siêu thị

Lam Ngọc Thứ sáu, ngày 27/03/2020 14:57 PM (GMT+7)
Từ chỗ sản xuất manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã bắt tay nhau liên kết trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thu nhập của người trồng ổi đã được cải thiện rõ rệt.
Bình luận 0

Đó là cách làm của  HTX nông nghiệp sạch Nam Vũ (xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). HTX được thành lập vào tháng 7/2017, có 20 thành viên tham gia với diện tích trồng ổi 5,8ha tại 2 thôn Mạc Thủ 1, Mạc Thủ 2.

Liên kết cùng lo đầu ra

Anh Dương Văn Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ cho biết: “HTX có tiền thân là nhóm liên kết trồng ổi của Hội Nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh lân cận, tôi thấy mô hình HTX kiểu mới có nhiều ưu điểm vượt trội nên quyết định thành lập HTX”.

img

Tham gia các lớp tập huấn do Hội nông dân và HTX Nam Vũ tổ chức, gia đình chị Lương Thị Ánh ở thôn Mạc Thủ 1, xã Liên Mạc (Thanh Hà) đã chuyển hẳn sang canh tác ổi VietGAP, có thu nhập cao hơn trước. Ảnh:  L.N

"Chúng tôi nhận thấy mô hình trồng ổi VietGAP của HTX nông nghiệp sạch Nam Vũ có nhiều tiềm năng phát triển. Địa phương đang khuyến khích thêm các tổ hợp tác và HTX khác nữa cùng đi vào hoạt động có chiều sâu và bền vững”.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Chủ tịch UBND xã Liên Mạc
 

Để chủ động trong khâu sản xuất cũng như tìm đầu ra, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco để cung ứng ổi sạch cho các siêu thị, cửa hàng của Tập đoàn Vingroup.

Để đưa được quả ổi vào siêu thị, HTX chịu sự giám sát chặt chẽ của công ty, từ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dọn vườn, sơ chế đến thu hoạch. Tất cả đều được ghi chép tỉ mỉ, đảm bảo thời gian cách ly trước khi xuất ra thị trường.

Các hộ tham gia HTX đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình của đơn vị thu mua đưa ra. Gia đình nào đủ tiêu chuẩn mới được thu hoạch, nếu làm sai sẽ bị lập biên bản và công ty sẽ không thu mua lô ổi đó.

Anh Nam cho biết thêm: Khi mới thành lập, HTX đã có nhiều hình thức để hỗ trợ các hộ tham gia. Do tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ nên HTX đã tài trợ cho các hộ toàn bộ xốp để trải vườn tránh cỏ dại, đồng thời trực tiếp đi chọn mua thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để cung ứng cho xã viên với giá gốc. Vì vậy, mỗi năm các hộ tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua thuốc BVTV.

Là một xã viên của HTX, gia đình chị Lương Thị Ánh (ở xóm 14 thôn Mạc Thủ 1) có 20 sào đất trồng ổi, trong đó có 8 sào trồng theo hướng VietGAP. Chị Ánh cho biết: “Tham gia HTX, chúng tôi được hưởng rất nhiều quyền lợi, ngoài nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp từ các thành viên khác, giá bán ổi cũng cao hơn so với thị trường từ 1.500 - 2.000 đồng/kg nên mọi người rất phấn khởi. Trồng ổi VietGAP vừa không độc hại mà năng suất ổi lại tăng lên khoảng 1,5 tạ/sào, cao hơn từ 10 - 15% so với trồng theo phương thức truyền thống”.

Nâng tầm trái ổi

Trồng ổi VietGAP mặc dù chăm sóc không quá khó nhưng đòi hỏi người trồng phải tuân thủ theo đúng quy định. Việc phun thuốc BVTV, bón phân phải ghi chép nhật ký tỉ mỉ, rõ ràng về thời gian, liều lượng sử dụng. Có được thành quả như hôm nay, HTX đã từng đứng trên bờ vực giải thể do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý cũng như giám sát các thành viên, hàng bị siêu thị trả về, không xuất bán được vì một số hộ sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép và không đảm bảo thời gian cách ly, dẫn tới việc HTX bị phạt rất nặng do sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn.

Để khắc phục hạn chế này, HTX đã đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, có thời điểm phải động viên bà con bằng cách chấp nhận bù lỗ, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 500 – 2.500 đồng/kg. Từ đó, xã viên phấn khởi, nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu của đơn vị thu mua cũng như HTX đưa ra.

Với sự quyết tâm đó, những khó khăn ban đầu đã đi qua. Từ năm 2017 đến nay, sản phẩm ổi VietGAP của HTX đã có chỗ đứng trong hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart . Hiện nay, HTX cung cấp vào siêu thị khoảng 50 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm ổi VietGAP của HTX cũng được huyện chọn đi dự ở nhiều triển lãm, hội chợ.

Từ một vùng đất nghèo, canh tác nông nghiệp theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, qua mô hình trồng ổi VietGAP do nông dân dạy nghề cho nông dân đã giúp cho đời sống của bà con xã viên ngày càng khấm khá. Hiện nay xã Liên Mạc đã đạt chuẩn nông thôn mới, đường bê tông dẫn vào từng ngõ xóm và diện mạo quê hương có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%.

Anh Dương Văn Nam cho biết, trong quá trình phát triển HTX luôn nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương và tổ chức Hội Nông dân các cấp. Hội là cầu nối giữa người nông dân với Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà khoa học và các nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí thành lập HTX, cấp giấy chứng nhận VietGAP, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT mới cho thành viên HTX, hỗ trợ ban đầu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp...

“Hiện nay ổi Thanh Hà đang được người tiêu dùng ở Hà Nội đón nhận và đánh giá cao. Chúng tôi cũng yêu cầu nông dân ký cam kết sản xuất đúng quy trình, không được lơ là vì siêu thị có máy kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, không đạt sẽ ảnh hưởng đến uy tín của HTX và bà con nông dân” - anh Nam cho hay.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem