“Tuyên chiến” với thủy điện gây hại

Thứ sáu, ngày 12/10/2012 08:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu các chủ đầu tư không triển khai thì sẽ bãi bỏ dự án - lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết như vậy về việc quyết định tạm dừng 17 dự án thủy điện và loại 2 dự án thủy điện không khả thi trên địa bàn tỉnh.
Bình luận 0

Loại càng nhiều càng tốt

Ngày 11.10, theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Nam về quy hoạch thủy điện, trên địa bàn tỉnh này có 44 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.584,6MW; điện lượng bình quân 6,261 tỷ kW/năm. Trong đó, có 10 dự án thủy điện bậc thang thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, với tổng công suất 1.147MW, điện lượng 4.521 tỷ kW/năm, chiếm 72,38% công suất thủy điện toàn tỉnh theo quy hoạch.

img
Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ gây ngập nhà dân ở hạ lưu.

Ngoài các dự án thủy điện bậc thang, để giải quyết vấn đề thiếu điện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, UBND tỉnh đã có chủ trương quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ và đã phê duyệt 34 dự án với tổng công suất quy hoạch 437,6MW, điện lượng khoảng 1,74 tỷ kW/năm..., chiếm 27,62% công suất thủy điện toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Thử - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam, cho biết: “Việc tạm dừng 17 dự án và loại 2 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh là theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian đến, nếu 17 dự án đã yêu cầu tạm dừng vẫn không có vốn để đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam không đầu tư xây dựng đường dây 110kV để đấu nối vào các đường dây của 17 dự án này thì UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục loại thêm”. Ông Thử nhấn mạnh thêm: “Thủy điện bấy lâu nay toàn thấy hại nhiều chứ lợi ít, nên cần loại càng nhiều càng tốt”.

Ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cương quyết: “Tới đây tỉnh sẽ mời trực tiếp 3 chủ đầu tư Thủy điện Đăk Mi 2, Đăk Mi 3 và TrHy đến làm việc, nếu các chủ đầu tư không triển khai thì sẽ tiến hành bãi bỏ dự án”.

Mất nhiều hơn được

Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang bức xúc: “Hiện nay, tại địa phương chúng tôi có tất cả 11 dự án thủy điện. Nếu xây dựng hết thì các dự án này sẽ lấy hết đất, còn đất đâu cho người dân sản xuất. Ngoài các vấn đề liên quan trực tiếp như di dân, tổ chức tái định cư, việc quản lý an ninh trật tự trên địa bàn cũng đang gặp nhiều khó khăn. Như Thủy điện Sông Bung 2, ngoài ảnh hưởng đến diện tích rừng, việc mở đường đã tạo cơ hội cho nạn khai thác vàng trái phép hoành hành, nhất là ở các xã Chơ Chun, La Êê. Theo tôi, việc tạm dừng các dự án thủy điện này là đúng. Chúng ta cần loại luôn cho dân đỡ khổ, chứ đừng vì cái lợi trước mắt mà để hậu quả về sau”.

“Phát triển thủy điện tràn lan, theo kiểu “phủ sóng” như ở Quảng Nam hiện nay cần phải cẩn trọng, nếu không sẽ trở thành mối đe dọa khôn lường đối với rừng núi và đồng bào vùng hạ du...”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam nói: “Thủy điện đã gây nhiều tác hại về nhiều mặt trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đã đề nghị tỉnh rà soát lại các dự án thủy điện, bỏ được cái nào hay cái đó”.

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, việc xây dựng thủy điện đồng nghĩa với việc toàn bộ số rừng, ruộng, rẫy của người dân nằm trong dự án thủy điện bị mất trắng, chưa nói những cánh rừng lân cận. Bên cạnh đó, phá rừng để xây dựng các khu tái định cư. Rồi người dân vào các khu tái định cư thì thiếu đất sản xuất, điều kiện sống không phù hợp lại một lần nữa bỏ đi nơi khác khai hoang. Như vậy, diện tích rừng bị mất sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba. Cuối cùng, chính các dự án thủy điện đã “hút” hết đất rừng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem