Tuyển chọn Đại sứ du lịch Việt Nam: “Nếu người tài thì gõ cửa mà mời!”

Thứ sáu, ngày 30/05/2014 06:47 AM (GMT+7)
Ông Hồ Anh Tuấn cho biết: “Tôi cũng có cảm giác là việc tuyển chọn người để trao danh hiệu Đại sứ Du lịch đang thiên về hành chính quá, chúng ta nên làm theo tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ”.
Bình luận 0
Sau nhiệm kỳ đầy sóng gió của Đại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ vào năm 2011, đến nay vị trí đó để trống. Trước tình thế cấp bách về sụt giảm khách du lịch từ thị trường tiếng Hoa, Bộ VHTTDL đã công bố quy chế tuyển chọn Đại sứ Du lịch như một biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng du lịch.

Không hạn chế số lượng Đại sứ

Sáng 29.5, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến báo chí để đóng góp vào dự thảo quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam, với 4 chương, 14 điều. Có thể nói, đây là bản quy chế được soạn thảo công phu, chặt chẽ nhất từ trước tới nay cho chức danh Đại sứ Du lịch.

Các ứng cử viên danh hiệu Đại sứ Du lịch.  Từ trái qua: Diệu Hân, Ngọc Hân, Hồng Thuận, Lan Phương.
Các ứng cử viên danh hiệu Đại sứ Du lịch. Từ trái qua: Diệu Hân, Ngọc Hân, Hồng Thuận, Lan Phương.

Ông Hồ Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: “Hiện nay số lượng khách du lịch từ địa bàn nói tiếng Hoa đến Việt Nam sụt giảm do tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông của Việt Nam, chính bởi vậy mà ngành du lịch phải phải tăng cường giải pháp thu hút khách du lịch từ các địa bản khác.

Năm nay Tổng cục Du lịch đặt chỉ tiêu sẽ đón được 8,3 triệu lượt khách quốc tế, từ giờ đến cuối năm chỉ còn 6 tháng, bởi vậy việc tìm ra một Đại sứ Du lịch cũng là một giải pháp góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng thị trường”.

Rất nhiều các ý kiến đóng góp trong cuộc họp đã tập trung vào những điểm còn gây khó hiểu trong bản quy chế, chẳng hạn điểm 6 Điều 3 Chương I quy định “Không giới hạn số lượng Đại sứ Du lịch Việt Nam”, có người còn tỏ ý lo ngại sẽ loạn danh hiệu Đại sứ Du lịch dẫn đến khó quản lý và “mất thiêng”.

Ông Hồ Anh Tuấn giải thích: “Giờ tình hình cũng chẳng khác gì chuyện “có bệnh thì vái tứ phương”, ngoài 1 danh hiệu Đại sứ Du lịch Việt Nam thì chúng ta còn cần rất nhiều các đại sứ ở các thị trường khác nhau, cho nên số lượng đại sứ sẽ phụ thuộc vào nhu cầu công việc và thị trường trong từng giai đoạn cụ thể. Nếu chúng ta quy định cứng chỉ là 1 hay 5-6 người thì sẽ rất khó khi áp dụng vào thực tế.

Về Chương IV- miễn nhiệm và những quy định khác, có ý kiến đề xuất không để đánh đồng chuyện “miễn nhiệm” với những người muốn trả lại danh hiệu vì lý do sức khỏe hay điều kiện gia đình với một đại sứ do vi phạm pháp luật mà bị tước danh hiệu. Trong chương này chưa có quy định cụ thể khi nào thì “miễn nhiệm” và khi nào thì “tước danh hiệu”. Ông Nguyễn Văn Tình- Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo đã tiếp thu ý kiến này và cho biết sẽ yêu cầu ban soạn thảo điều chỉnh.

Chiêu hiền đãi sĩ

Trước nhiều ý kiến cho rằng trong quy chế quá nặng về phần trách nhiệm của Đại sứ mà rất ít quyền lợi, trong khi người gánh vác danh hiệu này đúng là đang ở vào tình cảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông Hồ Anh Tuấn cũng cho biết: “Tôi cũng có cảm giác là việc tuyển chọn người để trao danh hiệu Đại sứ Du lịch đang thiên về hành chính quá, chúng ta nên làm theo tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ”.

Theo ông Tuấn, Đại sứ Du lịch không phải chỗ để ngồi hưởng lợi mà là sự tình nguyện, được công chúng yêu mến, phải có sự am hiểu văn hoá thì mới làm được. Có thể nhiều người muốn ứng cử làm Đại sứ Du lịch vì tình nguyện, vì tình yêu đất nước nhưng phải nộp đơn, khai đủ thứ thì chắc nhiều người cũng ngại. Nếu người ta giỏi, tài thì phải mời ứng cử quan trọng nhất là phải chọn được người tài.

“Tôi nói thẳng là nếu đó là người tài, có uy tín, tư cách, được mọi người yêu mến thì chính các ông cục trưởng, thứ trưởng như chúng tôi phải đến tận nơi gõ cửa mà mời người ta chứ đừng đợi người ta làm đơn, làm hồ sơ gửi đến cho mình rồi mình thành lập hội đồng xét duyệt. Hội đồng thẩm định lớn nhất là nhân dân, nói ra tên một người, nếu nhân dân thừa nhận là thành công” - ông Tuấn bày tỏ.

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch của Cục Hợp tác quốc tế, hiện nay đã có 4 hồ sơ ứng cử cho vị trí Đại sứ Du lịch là diễn viên Lan Phương, giảng viên Anh ngữ Hồng Thuận, Người đẹp Du lịch Ngọc Hân và Hoa hậu ASEAN Diệu Hân. Rất có khả năng Cục sẽ tiến hành mời thêm các ứng viên khác để việc tuyển chọn đạt chất lượng cao.

Ông Nguyễn Quốc Hưng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu băn khoăn:

“Theo tôi nên làm rõ danh hiệu Đại sứ Du lịch Việt Nam và Đại sứ Du lịch Việt Nam ở các nước chứ không nên dùng chung một danh hiệu là “Đại sứ Du lịch Việt Nam” như trong Điều 2 Chương I quy định. Đại sứ Du lịch Việt Nam thì nên chỉ có 1 thôi và phải lựa chọn được người nào có phẩm chất, uy tín.

Về tiêu chuẩn của đại sứ thì nên thêm “có sức khoẻ suốt nhiệm kỳ”, một nhiệm kỳ của đại sứ nên quy định ít nhất là 2 năm vì trong quy chế quy định tối đa 3 năm là chưa rõ ràng, có người mới làm 1 năm, chưa kịp quen việc đã nghỉ. Về điểm 3 trong Điều 12 Chương III quy định Đại sứ Du lịch phát ngôn trước báo chí và công chúng chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Bộ thì có gò bó quá không?”.

Sau khi tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp về bản quy chế, đại diện Cục Hợp tác quốc tế cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh sửa trình lên Bộ để chính thức ban hành vào tháng 6 nhằm đẩy nhanh quy trình tuyển chọn Đại sứ Du lịch trong tình thế cần đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch như hiện nay.

Được biết, hiện nay Cục cũng đã có danh sách thành lập Hội đồng xét duyệt tuyển chọn Đại sứ Du lịch cho nhiệm kỳ 2014 do ông Hồ Anh Tuấn làm Chủ tịch. Có thể nói việc tuyển chọn Đại sứ Du lịch bị đình trệ sau một thời gian dài rồi sau đó đưa ra một dự thảo quy chế để lấy ý kiến ngay sát thời điểm thành lập Hội đồng xét duyệt cũng là việc làm hơi thiếu tính chủ động của Bộ VHTTDL.

Ngọc Anh (Ngọc Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem