Tuyến metro số 1: Một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn rơi khỏi đá kê gối

Quang Phương Thứ ba, ngày 10/11/2020 19:08 PM (GMT+7)
Một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối sau khi lắp dầm tại vị trí P14-10 thuộc đoạn cầu cạn VD14 của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Việc này sẽ làm suy giảm chất lượng công trình và an toàn vận hành chạy tàu trong tương lai.
Bình luận 0

Chiều tối 10/11, ông Huỳnh Hồng Thanh - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM xác nhận với phóng viên Dân Việt có sự việc trên.

Sự việc được phát hiện vào ngày 30/10 khi tổ công tác kiểm tra hiện trường gồm Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, Liên danh Sumitomo - CIENCO6 (SCC), Liên danh NJPT kiểm tra thực tế tại vị trí P14-10 thuộc đoạn cầu cạn VD14 của tuyến metro số 1. 

Tuyến metro số 1: Một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối - Ảnh 1.

2 đầu dầm lệch nhau sau khi gối cao su bị mất. Ảnh: CTV

Sau đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có văn bản "khẩn" gửi đến Giám đốc dự án Liên danh NJPT, Giám đốc dự án Liên danh Sumitomo - CIENCO6 (SCC) về sự việc trên. Bởi theo đánh giá của tổ công tác, việc gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối sau khi lắp dầm làm suy giảm chất lượng công trình và an toàn vận hành chạy tàu trong tương lai trong quá trình khai thác thuộc gói thầu số 2, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Thời điểm kiểm tra, gối cao su (gối trái theo hướng từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí P14-10 (thuộc đoạn cầu cạn VD14) bị mất ổn định, rơi khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân (đã lắp dầm năm 2016) làm hư hỏng thanh ray đỡ bên dưới và gây hư hỏng, nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí VD14.

"Sự cố này có nhiều khả năng sẽ làm suy giảm chất lượng công trình, mà cụ thể là có thể gây nứt vỡ cục bộ tại vị trí gối dầm do ứng suất tập trung trong quá trình va đập giữa dầm và đá kê gối. Bênh cạnh đó là việc cả đoạn dầm hoàn thiện đã được lao lắp chịu sự cố uốn xoắn do việc phân bố lực không đồng đều bởi gối cao su đã rơi khỏi đá kê gối nên khả năng lớn sẽ làm bản đáy, thành dầm chữ U bị nứt gây giảm khả năng chịu lực và ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình, gây nguy cơ mất an toàn chạy tàu tương lai khi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được đưa vào khai thác sử dụng", báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nêu rõ.

Tuyến metro số 1: Một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối - Ảnh 2.

Bê tông bên dưới đường ray bị nứt sau sự cố. Ảnh: CTV

Xét thấy công tác quản lý chất lượng của Liên danh SCC không đảm bảo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cũng như tuổi thọ và độ an toàn của dự án, Ban Quản lý đường sắt đô thị yêu cầu: Liên danh SCC có trách nhiệm khẩn trương tổ chức điều tra nguyên nhân xảy ra sự việc nhằm đánh giá đúng bản chất vấn đề, đệ trình báo cáo và phương án khắc phục, sửa chữa, đảm bảo chất lượng của dự án cho Ban Quản lý đường sắt đô thị trước ngày 13/11. 

Do sự việc tương tự hoàn toàn có thể xảy ra tại các vị trí khác dẫn đến nguy cơ mất an toàn chạy tàu trong tương lai khi tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên được đưa vào khai thác, sử dụng, nên Liên danh SCC có trách nhiệm rà soát toàn bộ chất lượng, vị trí các gối cầu hiện trạng cho tất cả các kết cấu hiện hữu thuộc gói thầu, so sánh và đối chiếu cao độ gối, chuyển vị trí (nếu có) so với yêu cầu thiết kế đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dự án và báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Quản lý đường sắt đô thị trước ngày 15/12.

Trình Bảng tiến độ chi tiết việc thực hiện kiểm tra, sửa chữa khắc phục các hư hỏng tại vị trí trụ P14-10 và tiến độ thực hiện kiểm tra tổng thể các vị trí gối cầu còn lại thuộc gói thầu số 2. Bảng tiến độ phải mang tính khả thi, thời gian thực hiện phù hợp thực tế, đảm bảo số lượng nhân công, thiết bị phù hợp kế hoạch chất lượng thi công của tổng thầu, đầy đủ các đầu mục công việc yêu cầu từ lúc thực hiện kiểm tra, sửa chữa đến khi hoàn thành, trình nộp báo cáo chất lượng.

Việc thực hiện sửa chữa khắc phục tại vị trí trụ P14-10 hoàn thành trước ngày 30/11. Các hư hỏng như đã nêu trên hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Liên danh SCC với vai trò Tổng thầu, do đó SCC hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với chất lượng công trình, thực hiện các biện pháp kiểm tra, khắc phục, sửa chữa bằng chính kinh phí của nhà thầu SCC.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng yêu cầu Liên danh NJPT phải phối hợp với Liên danh SCC kiểm tra, xác nhận, ghi hình các công tác kiểm tra, xử lý hiện trường, ghi nhận nhật lý thi công đầy đủ. Rà soát toàn bộ thủ tục kiểm tra, lựa chọn nhà cung cấp, hồ sơ thí nghiệm đầu vào, tần suất thí nghiệm đối với vật liệu gối cao su Mageba có đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng và báo cáo bằng văn bản cho Ban Quản lý đường sắt đô thị trước ngày 13/11.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem