Tuyên Quang: Ông tỷ phú nông dân nuôi loài "thủy quái" to bự, lưng đen bóng, thương lái cứ gạ mua

Thứ bảy, ngày 31/10/2020 19:00 PM (GMT+7)
Ông Lê Chiến Thắng, 66 tuổi, xóm 5, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) còn nuôi ba ba gai kết hợp thả các loại cá đặc sản như cá chiên, cá quất. Nhờ nguồn nước sạch, thức ăn đầy đủ, cách phòng trị bệnh đúng khoa học, đàn ba ba, cá đặc sản của gia đình ông luôn phát triển tốt.
Bình luận 0

Bao năm qua, những ngày trái gió trở trời ông Lê Chiến Thắng, 66 tuổi, xóm 5, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) vẫn bị dày vò bởi di chứng của chất độc hóa học. 

Tuy nhiên, vượt lên nỗi đau, ông Thắng vẫn luôn cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, hoạt động xã hội năng nổ, trở thành gương đảng viên, cựu chiến binh điển hình tại địa phương.

Thành công từ nuôi ba ba gai

Không chỉ nhiệt tình trong công tác Hội, ông Thắng còn mạnh dạn trong phát triển kinh tế. Ông đã chọn núi Độc để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Một vùng núi Độc dưới bàn tay chăm chỉ khai khẩn đất hoang của ông Thắng và vợ con đã biến thành khu sinh thái mát mẻ. Nhớ lại thời trước kia khu vườn tạp của ông trồng đủ thứ cây mà không có giá trị kinh tế. 

Tuyên Quang: Ông tỷ phú nông dân nuôi loài "thủy quái" to bự, lưng đen bóng, thương lái cứ gạ mua - Ảnh 1.

Ông Lê Chiến Thắng, xóm 5, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) thành công với mô hình nuôi ba ba gai.

Ở gần núi đá vôi khí hậu lạnh không phải loại cây trồng nào cũng hợp. Nhất là trồng cây keo lấy gỗ thì chỉ còi cọc. Loay hoay tìm hướng cho gần 1 ha đất ven núi đá ông Thắng tìm tòi nghiên cứu trồng thử nghiệm mấy chục cây hồng đặc sản không hạt, na dai. 

Không ngờ cây hợp chất đất, khí hậu phát triển tốt. Năm nào quả cũng sai, chất lượng quả thơm ngon. Thấy vậy ông nhanh chóng nhân rộng ra hơn 100 cây hồng đặc sản không hạt, 50 cây na dai. Đến nay các cây đang độ 8 năm tuổi cho thu hoạch với năng suất cao.

Tận dụng nguồn nước lần trên núi về, ông Thắng xây 3 cái ao to, nhỏ theo hình ruộng bậc thang để nuôi cá. Ông thả các loại cá trắm, chép, mè, trôi, rô phi… nhưng mỗi năm giá trị kinh tế thu về không cao. 

Trăn trở tìm hướng đi tiếp, ông tìm đọc nhiều sách báo để học hỏi các mô hình đi trước. Thấy ở Yên Bái có mô hình nuôi ba ba gai bằng nguồn nước núi đá vôi, ông sang tận nơi để học hỏi, mua ba ba con về nuôi. 

Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, mưa lũ nước trên núi đổ xuống, mực nước ao dâng nhanh, ba ba gai sổng ra bò đi gần hết. Thất bại, nhưng ông không nản chí, sau mất mát đó ông đã đầu tư xây ao kiên cố, có lưới chống ba ba gai vượt rào. 

Ông còn nuôi ba ba gai kết hợp thả các loại cá đặc sản như cá chiên, cá quất. Nhờ nguồn nước sạch, thức ăn đầy đủ, cách phòng trị bệnh đúng khoa học, đàn ba ba, cá đặc sản của gia đình ông luôn phát triển tốt. 

Hiện nay, ao của ông có gần 100 con ba ba gai, hàng trăm con cá chiên, cá quất với trọng lượng trung bình 5 - 6 kg/con, với giá bán từ 500 - 700 nghìn đồng/kg, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng ở thành phố. 

Cùng với đó tận dụng vườn hồng, vườn na và ao cá mát mẻ, ông Thắng trồng hơn 100 giò lan quý để vừa tạo cảnh quan, vừa bán cho khách hàng có nhu cầu.

Hằng năm, tổng nguồn thu từ mô hình kinh tế của gia đình ông đạt hàng trăm triệu đồng. Ngoài xây được nhà cửa khang trang, sắm tiện nghi sinh hoạt hiện đại, ông còn nuôi các con ăn học nên người. 

Hiện một người con gái làm giáo viên Tiếng Anh, một người làm nghề tự do. Còn con cả theo nghiệp của bố, hiện đang làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.

Thấy mô hình nuôi ba ba gai kết hợp nuôi cá đặc sản của ông Thắng thành công, nhiều hộ lân cận cũng đến học hỏi. 

Ông Thắng tận tình chỉ bảo và hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay, có gia đình ông Lê Văn Lợi, Lê Bình, Lê Văn Phú, Phạm Bá Long đều có ao nuôi ba ba gai kết hợp cá sông đặc sản cho thu nhập khá.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Bí thư, Trưởng xóm 5, xã Tràng Đà bày tỏ: “Ông Lê Chiến Thắng là tấm gương khắc phục khó khăn, vươn lên công tác xã hội, phát triển kinh tế thành công tại địa phương. Ông Thắng đã được tỉnh, thành phố, Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích trong công tác xã hội, vươn lên phát triển kinh tế, đảng viên gương mẫu”. 

Bây giờ đi đâu người ta cũng gọi ông với cái tên trìu mến “Ông Thắng ba ba”, đó là “thương hiệu” đặc biệt của người cựu chiến binh với nghị lực vươn lên làm giàu cho gia đình và quê hương.

Vượt lên nỗi đau

Cùng bao thế hệ thanh niên khác, năm 1974 ông Thắng chính thức đi bộ đội, khoác ba lô lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Dấu chân ông đã đi qua nhiều tỉnh Tây Nguyên để tiến về Sài Gòn. 

Với vai trò là xạ thủ số ba của pháo 12 ly 7 ông Thắng giúp đơn vị mở nhiều đợt tấn công chính xác vào sào huyệt quân địch. Có đợt đi qua sân bay Xuân Lộc (Đồng Nai), đơn vị ông bắt gặp hàng trăm thùng phi bị bỏ lại. Nhưng không ai nghĩ đây là chất độc da cam. 

Năm 1979, ông Thắng xuất ngũ trở về địa phương là bệnh binh 2/3 và lúc này biết mình bị nhiễm chất độc hóa học. Ông bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao, con sinh ra không được khỏe mạnh, cháu bị dị tật bẩm sinh.

Nhiều đêm trằn trọc nghĩ đến con, cháu lòng ông se lại, không ngủ được. 

Nhưng nghĩ lại, mình được về với gia đình như thế này là may mắn lắm rồi, nên ông động viên vợ con cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Với phẩm chất của người lính cụ Hồ, ở địa phương mấy chục năm lăn lộn với công tác xã hội, ông từng giữ các chức vụ Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch HTX; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. 

Ông có hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng” làm Bí thư chi bộ, Trưởng xóm 10 (nay là xóm 5). Hiện nay, do sức khỏe không tốt, ông tham gia làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã. 

Ông bảo, ông muốn giúp những người đồng đội vươn lên. Ông thường xuyên qua lại, thăm hỏi 17 hội viên trực tiếp và 9 hội viên gián tiếp là con, cháu nạn nhân chất độc da cam. Mặc dù thường xuyên đau yếu, nhưng ông luôn nhiệt tình trong công tác, tích cực cùng Ban chấp hành Hội tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ các hộ hội viên khó khăn. Từ đó, giúp phần nào xoa dịu nỗi đau da cam trong hội viên.

Ông Mai Văn Sinh, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã cho biết: “Anh Thắng là Chủ tịch Hội năng nổ, tâm huyết. Anh luôn đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho anh em bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn xã. Hội cũng phối hợp với nhiều tổ chức xã hội, nhà hảo tâm chăm lo cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhất là hội viên có nhà ở dột nát, thì tìm mọi cách huy động các nguồn đóng góp để hỗ trợ làm nhà mới...".

Ông Sinh cho biết thêm: "Anh Thắng cũng động viên kịp thời các cháu bị ảnh hưởng của chất độc hóa học vươn lên trong học tập. Chúng tôi còn học hỏi ở anh Thắng trong phong trào phát triển kinh tế, nhất là mô hình chăn nuôi ba ba gai. Nhiều hội viên nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn đã vào học hỏi mô hình kinh tế của anh. Anh nhiệt tình chỉ bảo để anh em cùng vươn lên chiến thắng số phận, hòa nhập cộng đồng”.

Quang Hòa (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem