Tuyệt đối ngăn chặn tư duy nhiệm kỳ

Thành An Thứ sáu, ngày 29/03/2019 06:00 AM (GMT+7)
Mới đây, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Bình luận 0

Đáng chú ý, trong đó có nhiều đề xuất đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới chuyên gia cho đến cán bộ công chức viên chức - đối tượng trực tiếp nằm trong diện điều chỉnh, áp dụng như đề xuất thời hiệu xử lý cán bộ, công chức lên 60 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm; quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm đồng bộ với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm những người có sai phạm.

Trao đổi với PV NTNN, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, Luật Cán bộ, Công chức ra đời năm 2008; Luật Viên chức ra đời năm 2010, trong quá trình thực hiện cơ quan chức năng thấy bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, theo đó cần bổ sung, sửa đổi là điều cần thiết và hợp lý.

Đề cập tới đề xuất thời hiệu xử lý cán bộ, công chức lên 60 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm; tăng thời hiệu thêm 36 tháng so với quy định hiện hành (24 tháng), nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng “việc này là phù hợp”, đây là một bước tiến để đảm bảo công bằng, cũng là một cách chống tình trạng vi phạm cuối thời kỳ trước khi về hưu.

“Không những vậy, chúng ta có thể không nhất thiết phải đề ra thời hiệu. Có nghĩa là lúc nào phát hiện thì xử lý. Bởi vì, nhiều khi sự việc xảy ra rất tinh vi, phức tạp, không dễ gì phát hiện ra ngay hoặc khi phát hiện ra đã hết thời hiệu. Điều này đảm bảo tính nghiêm khắc, phù hợp với những quy định của Đảng, không có vùng cấm trong xử lý cán bộ, công chức”- ông Dĩnh nói.

Góp ý về 2 phương án xử lý kỷ luật, ông Dĩnh không ủng hộ phương án 2 - chỉ quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên ở Trung ương, cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức.

Ông Dĩnh lý giải, phương án này không đảm bảo sự công bằng trong việc xử lý kỷ luật cán bộ.

“Cán bộ công chức, viên chức là công bộc của dân thì đều có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau, cho nên phải được đối xử công bằng trước pháp luật chứ không thể nặng bên này, nhẹ bên kia. Hơn nữa, không phải cứ “quan to” mới vi phạm lớn. Vì xét về phạm vi quyền hạn, đôi khi một vị Thứ trưởng hay Phó chủ tịch tỉnh chưa chắc đã bằng một Chủ tịch huyện. Thậm chí, một vụ trưởng, giám đốc sở, hay một cán bộ có vị trí ở lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, đầu tư, đất đai... cũng có thể vi phạm rất nặng, gây hậu quả rất nghiêm trọng”- ông Dĩnh nói.

Đồng thời, ông Dĩnh nhìn nhận: “Tư duy nhiệm kỳ” vốn dĩ đã và đang tồn tại ở một số cán bộ với biểu hiện chỉ tập trung vào các hoạt động thu lợi cho bản thân, gia đình và nhóm lợi ích của mình trong nhiệm kỳ đương chức, bất chấp trách nhiệm bản thân, nguyên tắc tổ chức hay quy định pháp luật. Khi cán bộ về hưu mới phát hiện được sai phạm nếu không xử lý thì họ sẽ cố tình vi phạm vì yên tâm “hạ cánh an toàn”. Theo đó, đề xuất chỉ xử lý kỷ luật cấp thứ trưởng và tương đương, phó chủ tịch tỉnh và tương đương vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sẽ không bao phủ hết được các đối tượng, vô hình trung tạo thành “vùng cấm” khó kiểm soát. 

“Như vậy vô tình chúng ta “bỏ lọt” các đối tượng hoặc dễ dẫn đến tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con. Mỗi vị trí đều có thẩm quyền riêng, dù cấp dưới đã xin ý kiến cấp trên nhưng khi xảy ra vi phạm thì cấp dưới cũng không thể vô can. Việc xử lý cán bộ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì”- ông Dĩnh nhấn mạnh.

img

Cán bộ tư pháp chứng thực đang giải đáp cho người dân tại UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phương án đề xuất kỷ luật tất cả cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm nhưng đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu là khả thi nhất.

“Chúng ta đang cố gắng tất cả làm sao để các quy định đều đảm bảo cán bộ không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không thể tham nhũng. Quan trọng nhất là tuyên truyền, răn đe ngay từ đầu để cán bộ công chức không dám vi phạm và đã vi phạm thì dù về hưu hay nghỉ việc bao nhiêu năm rồi thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm, tuyệt đối không có chuyện “hạ cánh an toàn” – ông Dĩnh nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem