Ukraine đào chiến hào bám trụ Bakhmut, Mỹ chuẩn bị gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD

Lê Phương (Reuters) Thứ sáu, ngày 03/03/2023 13:02 PM (GMT+7)
Các lực lượng Ukraine đào chiến hào ngăn cản quân đội Nga tấn công thành phố Bakhmut phía đông. Trong khi đó, hôm 3/3, Mỹ cho biết sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Đức về viện trợ quân sự mới cho Ukraine.
Bình luận 0
Ukraine đào chiến hào bám trụ Bakhmut, Mỹ chuẩn bị gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine chiến đấu gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine vào ngày 2 tháng 3 năm 2023. Ảnh: Reuters

Chiến trường Bakhmut 

Các lực lượng Nga đã tấn công Bakhmut ở tỉnh Donetsk trong nhiều tháng, đôi khi theo từng đợt, biến thành phố này thành một trong những chiến trường đẫm máu nhất của cuộc xung đột.

"Trong 24 giờ qua, các lực lượng của chúng tôi đã đẩy lùi hơn 170 cuộc tấn công, một con số chưa từng có ở 5 khu vực chính của tiền tuyến", nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết trên YouTube vào tối 2/3.

Ông Zhdanov lưu ý người Nga đang cố gắng bao vây Bakhmut từ phía bắc, đông và nam. Ông nhấn mạnh: "Phía tây có lẽ là phần duy nhất của khu vực Bakhmut mà lực lượng của chúng tôi, chứ không phải quân Nga, có thế chủ động".

Nga cho biết việc kiểm soát Bakhmut sẽ là một bước tiến tới chiến thắng ở phần còn lại của khu vực Donbass. Trong khi đó, Ukraine lưu ý thành phố này có giá trị chiến lược hạn chế, tuy nhiên họ muốn giữ vững phòng tuyến để làm cạn kiệt lực lượng Nga.

Các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công vào Bakhmut và vào hai khu định cư ở phía tây - Khromove và Ivanivske, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trong một tuyên bố vào tối 2/3.

Theo đó, Nga đã pháo kích Bakhmut và một số thị trấn lân cận - bao gồm Chasiv Yar, thị trấn lớn nhất ở phía tây - và hai thị trấn ở phía nam Bakhmut.

Tại các thị trấn và làng mạc gần đó, lực lượng Ukraine đã đào các chiến hào mới trên lề đường cách nhau 20–40m, một dấu hiệu cho thấy quân đội nước này đang củng cố các vị trí phòng thủ.

Tại khu vực trung tâm Zaporizhzhia và khu vực Kherson ở mặt trận phía nam, các lực lượng Nga đã nã pháo vào hơn 40 thị trấn và làng mạc, quân đội Ukraine tuyên bố.

Nga cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng nhằm làm suy yếu quân đội Ukraine và loại bỏ những gì họ cho là mối đe dọa đối với an ninh của chính họ. Đáp lại, Ukraine và các đồng minh cáo buộc Moscow có động thái gây chiến vô cớ.

Gói hỗ trợ mới của Mỹ

Các quan chức cho biết Washington sẽ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho chính quyền Kiev, đây dự kiến sẽ là chủ đề chính giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi họ gặp nhau tại Nhà Trắng hôm 3/3.

Viện trợ dự kiến chủ yếu sẽ là đạn dược, bao gồm Hệ thống tên lửa phóng đa hướng (GMLRS) cho bệ phóng HIMARS, đạn dược cho xe chiến đấu Bradley, cũng như cầu phóng của xe bọc thép.

Mỹ đã cung cấp vũ khí trị giá gần 32 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga bắt đầu hôm 24/2/2022.

Mối quan tâm đối với Trung Quốc

Ông Biden và ông Scholz nhiều khả năng sẽ thảo luận về những lo ngại rằng Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết.

Chính quyền Tổng thống Biden đang đánh tiếng với các đồng minh thân cận về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Các quan chức Mỹ không công khai cung cấp bằng chứng cho cáo buộc Trung Quốc đang xem xét hỗ trợ quân sự cho Nga, trong khi Bắc Kinh phủ nhận điều này.

Hôm 2/3, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby đã được các phóng viên hỏi rằng liệu các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với Trung Quốc có phải là chủ đề mà ông Biden và ông Scholz sẽ bàn bạc hay không.

"Tôi chắc chắn họ sẽ trao đổi về những gì đang diễn ra ở Ukraine, đặc biệt trong trường hợp có bên thứ ba hỗ trợ cho Nga", ông Kirby nói.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết bà đã nêu vấn đề Nga triển khai chiến dịch ở Ukraine với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bên lề cuộc họp G20 ở New Delhi. Sau đó bà nói với các phóng viên rằng tất cả các nước đều muốn thấy Trung Quốc "làm điều đúng đắn" và không cung cấp vũ khí cho Nga.

Tại cuộc họp các ngoại trưởng G20, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chấm dứt chiến sự và hối thúc Moscow hủy bỏ việc đình chỉ hiệp ước hạt nhân New START.

Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu Nga và Mỹ kể từ khi xung đột bắt đầu. Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov và ông Blinken đã nói chuyện "khi đang di chuyển" trong vòng chưa đầy 10 phút.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này không mong đợi có thêm cuộc đối thoại cấp cao chính thức với Nga trong thời gian tới và họ không tin rằng "cuộc gặp ngắn ngủi" của ông Blinken và ông Lavrov sẽ thay đổi thái độ của Moscow.

Trong cuộc họp của các ngoại trưởng, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã kêu gọi các quốc gia G20 tiếp tục gây áp lực lên Moscow để chấm dứt cuộc xung đột, hiện đã bước sang năm thứ hai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem