Ukraine đau đầu đối phó tham nhũng trong bối cảnh xung đột với Nga

Lê Phương (Aljazeera) Thứ sáu, ngày 27/01/2023 09:07 AM (GMT+7)
Một loạt các quan chức hàng đầu Kiev đã từ chức hoặc bị sa thải kể từ hôm 22/1 sau khi một tờ báo Ukraine đưa tin về vấn đề tham nhũng liên quan đến việc cung cấp thực phẩm cho quân đội.
Bình luận 0
Ukraine đau đầu đối phó tham nhũng trong bối cảnh xung đột với Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Theo một bài viết trên Zn.ua vào tuần trước, giá thực phẩm được niêm yết trong hợp đồng với Bộ Quốc phòng Ukraine cao gấp 3 lần so với giá tại các siêu thị ở Kiev.

"Các quan chức từ Bộ Quốc phòng ăn cắp nhiều thực phẩm từ các lực lượng vũ trang hơn cả trong thời bình", tiêu đề viết.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov đã chỉ trích ấn phẩm này, nói rằng giá cao hơn vì những khó khăn về hậu cần liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến.

Ông Reznikov vẫn tiếp tục công việc, nhưng một số người khác đã bị cách chức, bao gồm cấp phó của ông, một phó chánh văn phòng tổng thống, ba thứ trưởng, năm thống đốc và năm công tố viên ở các khu vực của họ, cũng như hai người đứng đầu các cơ quan chính phủ.

6 người trong số họ bị cáo buộc có liên quan đến tham nhũng, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông và cơ quan chống tham nhũng.

Các phương tiện truyền thông suy đoán rằng ba bộ trưởng nữa và thậm chí cả Thủ tướng Denys Shmyhal có thể nhận được phiếu hồng.

"Tôi muốn mọi thứ rõ ràng – mọi thứ sẽ không còn như cũ nữa", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 22/1 khi ông cam kết sẽ không khoan nhượng đối với hành vi tham nhũng.

Sau khi sa thải hàng loạt quan chức, Ukraine đã đạt được một trong những bước đột phá lớn nhất trên chiến trường: Berlin đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2 tiên tiến cho Kiev.

Sau nhiều tháng do dự, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 24/1 đã cam kết cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 và cho phép các quốc gia châu Âu khác sở hữu chúng chuyển giao cho Kiev.

Leopard 2 nặng hơn 60 tấn, bắn đạn 120mm và có hai súng máy 7,62mm, một trong số đó có thể bắn trúng máy bay.

Đức đã bán hàng trăm chiếc Leopard 2 cho hơn chục quốc gia châu Âu, cũng như Canada và Indonesia. 

Cả Ukraine và Nga đều sử dụng xe tăng do Liên Xô thiết kế trong cuộc xung đột. Kiev đã kêu gọi các nước phương Tây cung cấp Leopard và các loại xe tăng, xe bọc thép khác trong nhiều tháng, lập luận rằng chúng có thể là nhân tố thay đổi kết quả chiến sự.

Chỉ huy tối cao của Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi tuyên bố vào tháng 12 rằng nước này cần 300 xe tăng, 600 đến 700 xe chiến đấu bộ binh và 500 khẩu lựu pháo để đẩy lùi lực lượng Nga về biên giới trước xung đột.

Liệu có mối liên kết nào không?

Đối với các nhà quan sát có kiến thức sâu rộng về cả chính trị Đức và Ukraine, việc sa thải các quan chức Ukraine và cam kết cung cấp xe tăng của Đức không phải trùng hợp ngẫu nhiên.

Nikolay Mitrokhin, một nhà sử học tại Đại học Bremen của Đức, nói với Al Jazeera: "Động thái sa thải hàng loạt của Ukraine vào thời điểm này là quá đột ngột và có tính hệ thống".

Ông cho biết các quan chức Đức có thể đã đưa ra tối hậu thư cho những người đồng cấp Ukraine trong cuộc đàm phán ngày 20/1 giữa các đồng minh của Ukraine tại căn cứ quân sự Ramstein ở Đức.

Hôm 24/1, Washington cũng đã đồng ý cung cấp xe tăng M1 Abram và tăng gấp 6 lần việc sản xuất đạn pháo hạng nặng cho chúng. Xe tăng này vượt trội hơn một chút so với Leopard 2 nhưng cần được bảo trì liên tục và thường hoạt động bằng nhiên liệu phản lực chứ không phải dầu diesel như các xe tăng khác. Ngoài ra, các binh sĩ vận hành cũng cần được đào tạo chuyên sâu.

"Dường như người Đức muốn kết hợp viện trợ xe tăng với việc loại bỏ tham nhũng trong quân đội và trong các ủy ban nhân đạo của Ukraine", ông Mitrokhin nói.

Mặc dù vậy, các chuyên gia Ukraine không đồng ý.

Igar Tyshkevych, một nhà phân tích ở Kiev, nói với Al Jazeera: "Có hai lý do cho việc sa thải, một là họ làm việc không hiệu quả, hoặc là bị nghi ngờ tham nhũng".

Cựu phó tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết việc sa thải không liên quan gì đến xe tăng.

Một khi bị kết tội, các quan chức tham nhũng "sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều. Cần phải có một cuộc điều tra nhanh chóng", Trung tướng Ihor Romanenko nói với Al Jazeera.

Aleksey Kushch, một nhà phân tích ở Kiev, nói với Al Jazeera rằng việc sa thải "do nhu cầu tăng cường hiệu quả của chính quyền và loại bỏ 'các điểm tham nhũng' trong chiến sự".

Một số quân nhân Ukraine cảnh báo một cách thận trọng rằng thực phẩm do các đồng minh phương Tây gửi đến thỉnh thoảng bị đánh cắp và chuyển đến các cửa hàng dân sự.

"Bạn nhận được một lô hàng viện trợ nhân đạo mới. 2 ngày sau, bạn lại nhìn thấy những chiếc lon ấy với cùng logo trong một siêu thị gần đó", một quân nhân giấu tên nói với Al Jazeera.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem