Ukraine lo ngại một cuộc chiến kéo dài có thể khiến phương Tây nản chí

Lê Phương (AP) Thứ bảy, ngày 11/06/2022 14:04 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bước sang tháng thứ tư, các quan chức Kiev bày tỏ lo ngại rằng tình trạng "mệt mỏi vì chiến tranh" có thể làm xói mòn quyết tâm của phương Tây trong việc giúp nước này đẩy lùi lực lượng Nga.
Bình luận 0
Ukraine lo ngại một cuộc chiến kéo dài có thể khiến phương Tây nản chí - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine liên tục kêu gọi thêm viện trợ trong cuộc đối đầu với Nga. Ảnh: AP

Mỹ và các đồng minh đã viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Châu Âu đã nhận hàng triệu người phải di dời vì chiến sự. Bên cạnh đó, hàng loạt các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt đối với Tổng thống Vladimir Putin và đất nước của ông.

Nhưng khi cú sốc về chiến dịch bắt đầu từ ngày 24/2 lắng xuống, các nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin có thể tận dụng một cuộc xung đột kéo dài, cố thủ và đánh đòn kinh tế vào các cường quốc phương Tây dẫn đến sức ép buộc Ukraine phải giải quyết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối những đề xuất của phương Tây rằng ông nên chấp nhận một số thỏa hiệp. Ông nói, Ukraine sẽ tự quyết định các điều khoản vì hòa bình.

"Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, mọi người muốn một kết quả nào đó có lợi cho bản thân, trong khi chúng tôi chỉ muốn được tự do và độc lập toàn vẹn lãnh thổ", ông nói.

Đề xuất hòa bình của Italy bị bác bỏ. Trong khi đó, tuyên bố Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc "không nên làm bẽ mặt Nga để chuẩn bị cho quá trình ngoại giao sau này" cũng phải chịu chỉ trích. 

Thậm chí, nhận xét của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger rằng Ukraine nên cân nhắc nhượng bộ lãnh thổ đã khiến ông Zelensky tức giận. Ông phản pháo rằng điều này cũng tương đương với việc các cường quốc châu Âu vào năm 1938 cho phép Đức Quốc xã tuyên bố chủ quyền một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc để kiềm chế sự xâm lược của Adolf Hitler.

Ukraine muốn đẩy Nga ra khỏi các khu vực mới chiếm được ở miền đông và miền nam nước này, và giành lại Crimea mà Moscow sáp nhập vào năm 2014, cũng như các phần của Donbass nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn trong 8 năm qua.

Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị của Trung tâm Penta cho biết, mỗi tháng cuộc chiến gây thiệt hại cho Ukraine 5 tỷ USD.

Ukraine sẽ cần những loại vũ khí tối tân hơn nữa để đảm bảo chiến thắng, cùng với quyết tâm của phương Tây trong việc trừng phạt kinh tế Nga nhằm làm suy yếu Moscow, ông lưu ý.

"Rõ ràng Nga đang quyết tâm kéo dài cuộc chiến khiến phương Tây nản chí và mệt mỏi, từ đó dần dần bắt đầu thay đổi thái độ dễ dãi hơn", Fesenko nói trong một cuộc phỏng vấn.

Mỹ tiếp tục giúp Ukraine, với việc Tổng thống Joe Biden tuần trước nói rằng Washington sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và vũ khí tiên tiến giúp Kiev tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường.

Trong một bài luận trên New York Times vào ngày 31/5, ông Biden nói: "Tôi sẽ không gây áp lực buộc chính phủ Ukraine phải đưa ra bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào".

Đức, nước từng vấp phải sự chỉ trích từ Kiev và các quốc gia khác vì chậm trễ, cũng cam kết gửi các hệ thống phòng không hiện đại nhất của mình.

Chiến sự kéo dài đã gây ra hậu quả không nhỏ cho người dân châu Âu, đặc biệt là khi giá năng lượng tăng cao và tình trạng thiếu nguyên liệu ngày một căng thẳng.

Các nhà lãnh đạo châu Âu quyết định chặn 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga vào cuối năm nay, tuy nhiên họ vẫn phải nhượng bộ cho phép Hungary, đồng minh EU thân cận nhất của Điện Kremlin, tiếp tục nhập khẩu. 

Matteo Villa, một nhà phân tích của tổ chức ISPI ở Milan, cho biết: "Sự thống nhất ở châu Âu đang suy giảm một chút sau chiến dịch của Nga. Cảm giác mệt mỏi này khiến nhiều quốc gia chùn bước trong việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt".

Trước tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt năng lượng, Ủy ban châu Âu đã ra tín hiệu rằng họ sẽ không vội vàng đề xuất các biện pháp hạn chế mới nhắm vào khí đốt của Nga. Các nhà lập pháp EU cũng kêu gọi hỗ trợ tài chính cho các công dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao để đảm bảo rằng sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine không suy giảm.

Lãnh đạo cánh hữu Matteo Salvini của Italy, người được coi là thân cận với Moscow, đã nói với các nhà báo nước ngoài trong tuần qua rằng người dân nước này sẵn sàng hy sinh và đảng của ông ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng sự ủng hộ không phải là không có giới hạn, trong bối cảnh cán cân thương mại đã có dấu hiệu thay đổi theo hướng có lợi cho Moscow, gây tổn hại cho các chủ doanh nghiệp nhỏ ở miền bắc Italy.

"Người dân Italy sẵn sàng hy sinh kinh tế cá nhân để hỗ trợ quốc phòng Ukraine nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn", Salvini nói.

"Nhưng nếu đến tháng 9 xung đột vẫn tiếp diễn, thì đó chắc chắn sẽ là một thảm họa cho chúng tôi", ông kết luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem