Ùn tắc giao thông Hà Nội - đã đến lúc "cùng tắc biến"?

Phạm Trung Tuyến Thứ hai, ngày 17/10/2022 10:23 AM (GMT+7)
Nếu tính một năm có 300 ngày đi làm thì mỗi năm tôi sẽ có khoảng 700 giờ lái xe trên những con đường ùn tắc, trung bình trên 2 tiếng/ngày. Đó là 700 giờ làm việc căng thẳng mà không được trả lương.
Bình luận 0

Tất nhiên, có người nhiều hơn, cũng có người ít hơn. Cá nhân tôi thấy như thế là khá nhiều, và số giờ làm việc cật lực mà không được trả lương của tôi sẽ còn tăng lên rất nhiều, với khả năng ùn tắc giao thông của Hà Nội trong tương lai.

Trong 20 năm qua, hạ tầng giao thông ở Hà Nội được đầu tư không ít, nhưng mỗi tuyến đường mới mở ra để cải thiện khả năng đi lại đều nhanh chóng trở thành những điểm ùn tắc mới. Vành đai 3 đã tắc, vành đai 2.5 cũng đã tắc. Cầu Chương Dương đứng một mình tắc, thêm cầu Vĩnh Tuy thì cầu Vĩnh Tuy cũng tắc.

Cuối năm 2008, khi chúng tôi chuẩn bị ra mắt kênh VOV giao thông, tôi chỉ hy vọng kênh thông tin chỉ dẫn này sẽ hot trong khoảng 10 năm với những thông tin về ùn tắc, rồi sẽ phải tái cơ cấu nội dung. Khi đó, cả kênh chỉ có 3 người hàng ngày đi làm bằng ô tô.  

Giờ thì đã 13 năm trôi qua, có lẽ không dưới 20 người VOVGT đi làm bằng ô tô hàng ngày, khung giờ cao điểm tăng từ 5 tiếng/ngày lên 7 tiếng rưỡi. Giờ thì không ai còn nói đến việc bao giờ Hà Nội sẽ hết ùn tắc nữa. Bởi, chẳng có bất cứ cách nào khác để giảm ùn tắc ở Hà Nội ngoài việc giảm số lượng phương tiện cá nhân.

Nhưng mà giảm phương tiện cá nhân bằng cách nào?

Cấm? Ai vừa nói cấm đấy? Tầm này tôi chắc chả ai dại để nói đến từ "cấm" khi bàn đến vấn đề phương tiện cá nhân nữa. Bởi, nó sẽ luôn dẫn đến câu chuyện con gà quả trứng mà trong đó phương tiện cá nhân là con gà, phương tiện công cộng là quả trứng. Không lo được phương tiện phương tiện trước thì không cấm được phương tiện cá nhân, nhưng không giảm được phương tiện cá nhân thì phương tiện công cộng không có khả năng để tồn tại và phát triển.

Chỉ có thể vừa dần giảm phương tiện cá nhân vừa tăng dần phương tiện công cộng.

Tuần trước, Chủ tịch Hà Nội "hé lộ" một chút về khả năng thu phí phương tiện hoạt động trong một số khu vực nội đô. Đó cũng là một giải pháp. Nhưng tôi cho rằng thu phí theo khu vực là giải pháp khá phức tạp về mặt kỹ thuật, và chi phí. Trong khi điều Hà Nội cần, là một giải pháp toàn diện hơn, vừa hạn chế phương tiện ở mức cao nhất có thể, vừa có thể đem lại nguồn thu để phát triển giao thông công cộng. Đó là đòi lại lòng đường, vỉa hè, và tăng phí đỗ xe trong nội đô.

Ùn tắc giao thông Hà Nội - đã đến lúc "cùng tắc biến"? - Ảnh 2.

Cảnh ùn tắc thường thấy ở Hà Nội mỗi sáng đầu tuần. Ảnh: Viết Niệm.

Lòng đường, vỉa hè Hà Nội hiện đang được khai thác để trông giữ xe ở hầu hết mọi tuyến phố nhưng không có một sự quản lý một cách nhất quán, mà được chia nhỏ ra cho rất nhiều doanh nghiệp khai thác một cách lem nhem, thiếu minh bạch. Nếu như Hà Nội thu hết về, quy hoạch một cách có trật tự các điểm đỗ, đặt cột thu phí tự động và phạt nguội các chủ phương tiện trốn phí, đỗ xe trái phép thì đây sẽ là một nguồn thu lớn mà không bị thất thoát, dễ dàng kiểm soát một cách minh bạch. 

Vỉa hè tuyệt đối không được dùng để đỗ xe, dù là ô tô hay xe máy. Nhiều năm trước, Hà Nội đã từng làm được việc này và tất cả xe máy đều phải để trong nhà. Tuy nhiên, khi những phần vỉa hè được cho doanh nghiệp thuê để trông giữ xe thì người dân không còn tôn trọng việc cấm đỗ xe trên hè nữa. 

Việc hạn chế điểm đỗ, đồng thời với tăng phí đỗ xe chắc chắn sẽ là động lực để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các điểm trông giữ xe, thay vì chiếm dụng hạ tầng giao thông của thành phố. Chi phí đỗ xe tăng cũng sẽ tác động đến quyết định lựa chọn phương tiện công cộng của người dân, với cơ hội đó, các doanh nghiệp vận tải công cộng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phương tiện. 

Nói đến vận tải công cộng, việc triển khai thêm những tuyến xe bus mới không khó đối với năng lực của xã hội, nhất là khi xu hướng của người dùng thay đổi theo hướng tích cực. Xe taxi, xe ôm cũng sẽ không được dừng chờ khách trên đường, mà chỉ được dừng đón khách tại các điểm đón cố định. Điều này giúp cho việc di chuyển của các dòng phương tiện trật tự hơn, nhất là khi việc đăng ký vận chuyển hành khách công cộng là điều dễ dàng để xử phạt nguội so với xe cá nhân.

Những giải pháp này không mới, đã từng được ứng dụng thành công ở nhiều đô thị trên thế giới. Với lợi thế của người đi sau, Hà Nội hoàn toàn có thể thay đổi tình trạng giao thông của mình mà chỉ gặp một trở ngại duy nhất, đó là sự quyết tâm vì một thành phố dễ thở hơn. 

Tất nhiên, nhiều người thiếu niềm tin về khả năng thực hiện các giải pháp này, bởi lo ngại sự thao túng của các lợi ích nhóm, lợi ích ngầm. Sự e ngại đó có cơ sở. Nhưng, khi mà thành phố đã trở nên khó thở đến mức mà ngay cả những người được hưởng lợi từ những lợi ích đó cũng có khả năng cao trở thành nạn nhân, điều gì đến cũng sẽ đến thôi.

Và, nếu như thành phố quyết tâm thay đổi tình thế khi mọi chuyện còn chưa quá tệ, kết quả sẽ tốt hơn là đến lúc buộc phải thay đổi khi những con đường không còn có thể đi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem