Các đoàn xe chở container hàng nông sản vẫn kìn kìn nối đuôi nhau đổ về biên giới phía Bắc. Trên 1 bãi đất diện tích khoảng 5 ha, gần 1.000 chiếc xe chở container nổ máy suốt ngày đêm, chấn động một vùng trời. Các chủ hàng cho rằng, họ cũng không còn "cửa" nào, chỉ đi với hy vọng hên xui, 5 ăn 5 thua.

Theo thống kê của Dân Việt, tính đến ngày 13/1/2022, chỉ có 4/76 cửa khẩu, lối mở giữa hai nước còn hoạt động do quyết định tạm dừng thông quan của Trung Quốc để kiểm soát dịch bệnh (kể cả lối mở cầu phao Km3+4, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).

Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 13/1, lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu tồn đọng tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là 1.600 xe, trong đó có hơn 620 xe chở hoa quả. Hiện tại, lượng xe xuất khẩu thông quan trong ngày qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) và Cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình) chỉ được từ 85 – 110 xe/ngày. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 135 xe chở hàng lên khu vực cửa khẩu của tỉnh.

Những thông tin này cũng không thể ngăn được những dòng xe đổ về các cửa khẩu biên giới Trung Quốc, mà trên những xe hàng này chủ yếu là sản phẩm nông sản gồm rau, củ, quả, hoa quả… Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, lúc cao điểm lượng container, trong đó, đa phần là nông sản ùn ứ có thể lên tới 5.000 – 6.000 xe.


Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 1.

Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 2.

Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu phía Bắc biên giới Trung Quốc thời gian qua đã khiến thị trường đặt câu hỏi: Vì sao tình trạng này liên tục diễn ra mà các thương lái vẫn đổ hàng nông sản qua cửa khẩu theo đường tiểu ngạch mà không phải đi bằng đường khác hoặc tìm một thị trường khác thay thế?

Số liệu từ Tổng cục Thống kê trong 5 năm qua (2017 – tháng 11/2021) đã phần nào hé lộ câu trả lời. Ví như 11 tháng 2011, thị trường Trung Quốc đã nhập khẩu trị giá 1.754 triệu USD mặt hàng rau quả. Giá trị này cao hơn hẳn con số 203 triệu USD của Hoa Kỳ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) và con số 143 triệu USD của Nhật Bản (thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam).

Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Xin nhấn mạnh rằng, đây là con số nhập khẩu chính ngạch chứ không phải con đường tiểu ngạch. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc và công tác đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn tất, rất nhiều nông sản đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đàm phán về quản lý chất lượng hàng hoá còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây của ta được phép xuất khẩu vào Trung Quốc (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt).

Tất cả các loại trái cây còn lại chỉ có thể xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân, dẫn đến phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở, tức là những điểm thông quan thường bị đóng đầu tiên khi dịch bệnh xảy ra.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2021 xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn đạt 478,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ; qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đạt 379,1 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ.


Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Những con số này nói lên một sự thật: Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất tiêu thụ nông sản của Việt Nam và nó phần nào lý giải hành vi của các thương lái cũng như dòng xe vẫn chảy về các cửa khẩu phía Bắc biên giới Trung Quốc với tâm lý 5 ăn 5 thua.

Ghi nhận ngày 13/1 của PV Dân Việt, cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 4,5 km, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cho thiết lập một "vùng đệm" để tập kết các container trước khi ra cửa khẩu. Nhìn từ dưới đường Quốc lộ 1 lên, bãi đỗ xe này có vẻ thưa thớt nhưng đến nơi lại là một khung cảnh khác hẳn.

Trên bãi đất diện tích khoảng 5 ha, gần 1.000 chiếc xe chở container nổ máy suốt ngày đêm, chấn động một vùng trời. Một số lái xe ngồi tụm lại nói chuyện phiếm, hút thuốc, một số khác lúi húi dưới gầm xe nấu cơm.

Lên khu tập kết container khoảng 14h chiều, PV không khỏi ngạc nhiên khi nhiều lái xe đang nấu nướng vào giờ này. Vừa bật bếp gas du lịch, nêm nếm gia vị, lái xe Nguyễn Huy Hùng (Bình Định) lý giải, tuy chỉ có 2 người (cả phụ xe) nhưng giờ ăn uống phải chia ra để còn trông xe, canh nhiệt độ, kiểm tra hàng hóa. Với những loại hoa quả đã hỏng cần vứt đi tránh để ảnh hưởng cả xe.


Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 5.

Anh Hùng cho biết, container xoài được thuê chở từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) ra Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc nhưng do nước bạn đóng cửa khẩu nên xe hàng này và hàng trăm tài xế khác phải chờ đợi trong mệt mỏi đã nhiều ngày qua.

Làm công việc tài xế đến nay cũng hơn chục năm, mỗi chuyến đánh hàng từ Đồng Tháp, anh Hùng mất chừng 2 ngày là hoàn tất thông quan trên cửa khẩu Tân Thanh. Nhưng cũng chừng ấy năm, năm nay là lần đầu tiên anh bị kẹt ở đây tới gần nửa tháng.

Anh Hùng chia sẻ, 20 ngày nằm chờ ở cửa khẩu, vẫn chưa biết khi nào hàng nông sản được xuất sang Trung Quốc. Nếu kéo dài thêm nữa thì hàng hỏng, không bán được hàng thì chủ hàng cũng không trả tiền cước xe, cả chủ xe và doanh nghiệp đều thiệt hại nặng.


Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 6.

Khi PV đặt câu hỏi về việc có nắm được thông tin cửa khẩu trước khi đi không? Anh Hùng cho hay: "Biết chứ! Nhưng không đi không được! Làm gì có sự lựa chọn!"

Theo anh Hùng, việc đánh hàng lên biên giới vẫn chỉ chờ đợi vào "hên xui", có hàng là phải đi. Vì theo lý giải của người tài xế, phải chịu cảnh ùn ứ còn hơn không đi không có thu nhập thì cũng "chết".

"Giá một container xoài khoảng hơn 100 triệu đồng, nếu xuất được sang Trung Quốc có thể bán được khoảng 800 – 900 triệu. Thù lao lái xe là 6 triệu đồng/người, trong điều kiện bình thường có thể đi 2 – 3 chuyến/tháng. Giờ hàng không biết có sang được hay không, chủ nói là sau 10 ngày nằm chờ sẽ có phương án nhưng giờ vẫn chưa thấy thông tin gì", anh Hùng chia sẻ.


Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 7.

Đồng cảnh ngộ trên, tay bê trái mít nặng hơn 5kg đã bị hỏng, anh Lê Văn Trâm (Thanh Hóa) cho biết, xe container của anh đang chở 24 tấn mít từ Tiền Giang nhưng đến nay đã 22 ngày phải nằm chờ để được thông quan. Mặc dù bật máy lạnh 24/24 nhưng do đã quá thời gian nên những trái mít trên xe đang trong qua trình thối, chảy nước.

Theo chân anh Lê Văn Trâm, phóng viên Dân Việt đi đến cửa xe container mít đang bốc mùi và nghe giọng buồn bã: "Mít hỏng gần như hết rồi, chảy nước, bốc mùi thối khó chịu lắm…".

Do đặc thù mặt hàng là mít Thái, anh Trâm phải chạy máy lạnh để giữ nhiệt ở mức ổn định 6-8 độ C để bảo quản. Mỗi ngày, anh chi từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng tiền dầu chạy máy. Đó cũng là hoàn cảnh chung của hàng nghìn tài xế đang kẹt tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, khi mặt hàng xuất khẩu tại đây chủ yếu là nông sản tươi như mít, xoài, thanh long, dưa hấu...

Theo anh Trâm nếu bảo quản không tốt hoặc thời gian trong thùng lạnh quá lâu, chất lượng hàng sẽ giảm, thanh long bắt đầu héo, mít đen vỏ ngoài, xoài bị chín... thậm chí là hỏng, phải vứt bỏ.

"Trong điều kiện bình thường 24 tấn mít này xuất được sang Trung Quốc thì sẽ thu về trên 800 triệu đồng. Nhưng hiện tại, khả năng không xuất đi được là rất cao, trong khi đó mít đang hư hỏng nhiều mà cũng không có chỗ đổ bỏ", anh Trâm buồn bã chia sẻ.

Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 8.

Cùng quan điểm, lái xe Vũ Ngọc Phương, chở mít thái từ Tiền Giang cho hay, mặc dù biết phía Trung Quốc thắt chặt các quy định thông quan cũng như ùn ứ tại Lạng Sơn nhưng chủ hàng vẫn quyết định vận chuyển hàng ra với hi vọng "nếu được thông quan" sẽ có lãi lớn. Còn hơn là bán trong nước với giá thấp.

"Đang mùa thu hoạch, sản lượng nhiều quá, bán trong nước không hết, xuất khẩu thì chỉ có mỗi Trung Quốc. Không kéo nhau lên đây thì biết đi đâu?", anh Phương nói.

Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 9.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Điền, Chốt trưởng chốt kiểm dịch y tế liên ngành quản lý trực tiếp bãi xe cho biết, hiện tại, lượng xe ùn ứ tại khu vực này đã giảm.

Cụ thể, thời gian đỉnh điểm với diện tích 5 ha, bãi tập kết có sức chứa khoảng 1.300 xe, trong đó, 90% là hàng nông sản. Hiện tại, trước khuyến cáo của các ngành chức năng có khoảng 700 xe đậu tại bãi, lượng xe ra vào bãi hàng ngày khoảng 70 xe. Phí lưu trú 1 ngày đêm là 88.000 đồng.

"Hiện tại, thời điểm gần tết, hàng nông sản rất nhiều nhưng có giá rẻ. Theo các số liệu tôi nắm được, tại các tỉnh miền Nam thanh long ruột đỏ có giá 4.000 đồng/kg. Ngoài ra, xoài, dưa hấu cũng rẻ.

Do đó, nhiều khi doanh nghiệp phải "đánh liều" mang lên đây nếu không thể xuất khẩu được lại quay về bán ở nội địa. Ví dụ như quả xoài có giá bán trong nước khoảng 15.000 đồng/kg nhưng nếu qua được Trung Quốc lên tới 30.000 đồng/kg trở lên", ông Điền chia sẻ.


Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 10.


 Liên quan tới việc Trung Quốc dừng thông quan hàng hóa từ 31/1 – 6/2/2022, trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cho biết, thời điểm này trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán của hai nước. Do đó, động thái nói trên của Trung Quốc có thể không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Cũng theo số liệu của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh tính đến 8 giờ 00 ngày 14/01/2022 là 1.498 xe, giảm 23 xe so với ngày 13/01/2022.

Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 12.


Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hứa Thị Hồng, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết:

"Hàng Việt Nam khi xuất khẩu qua Trung Quốc bắt buộc phải kiểm dịch 100%. Trong khi đó, đối với hàng Thái Lan xuất khẩu, chỉ khi nào phía Trung Quốc có nghi ngờ mới phải kiểm tra.

Nguyên nhân là do Việt Nam và Trung Quốc chưa có Hiệp định về kiểm dịch, tất cả mới trong quá trình đàm phán. Do vậy, trong cách ứng xử của Trung Quốc đối với hàng nông sản Việt Nam sẽ không ưu ái như đối với Thái Lan".

Nói thêm về những khó khăn khi thông quan hiện tại, bà Hồng cho biết, để thực hiện chính sách "Zero Covid", phía Trung Quốc đã thực hiện thêm rất nhiều thủ tục hành chính khiến năng lực thông quan giảm, thời gian kéo dài.

Trị "bệnh" ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài 1: Xuất khẩu nông sản kiểu hên, xui - Ảnh 14.


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem