Nguyễn Tiểu Phương khiến nhiều người nể phục bởi chị không phải là dân chạy bộ chuyên nghiệp và đến với bộ môn này khi đã ngoài 40 tuổi. Trước đó chị cũng giống tôi, chạy được 5km đã thấy mình giỏi lắm. Rất nhiều người có thể dễ dàng hoàn thành chặng đường như vậy. Nhưng số người nghiêm túc trong tập luyện, bản lĩnh và kiên trì đi đến cùng mục tiêu như chị, thì hiếm có. Ròng rã từ năm 2013, mỗi tuần chị chạy 4 buổi trên đoạn đường dài 1km trong Khu đô thị Sala (quận 2, TP.HCM). Vòng tròn đó cứ lặp lại bất kể mưa nắng, đến nay chị đã chạy hàng ngàn vòng 1km…

Chị làm tôi nhớ đến câu nói của ngôi sao võ thuật nổi tiếng Lý Tiểu Long: "Tôi không sợ người luyện tập 10.000 kiểu cú đá khác nhau, mà chỉ sợ người thực hành 1 cú đá 10.000 lần".

Mới đây, người phụ nữ 50 tuổi này đã làm nức lòng làng chạy bộ cả nước khi hoàn thành 6 giải chạy lớn nhất hành tinh, trở thành người Việt Nam đầu tiên được trao huy chương tuyết 6 cánh (six star medal). Trở về từ Tokyo Marathon, dù bận lịch huấn luyện, talkshow kín mít nhưng chị vẫn dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện cởi mở.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 2.

Đầu tiên xin chúc mừng chị đã hoàn thành mảnh ghép cuối cùng ở Tokyo Marathon để sở hữu huy chương 6 bông tuyết danh giá. Chị có thể cho biết cảm xúc của mình khi là người Việt Nam đầu tiên đạt thành tích này?

- Tôi rất xúc động và tự hào khi mục tiêu mà mình đã mất rất nhiều thời gian, công sức luyện tập, hy sinh mọi thứ trong cuộc sống cuối cùng đã đạt được. Cầm trên tay tấm huy chương to nhất mà tất cả các runner trên thế giới đều mơ ước, tôi đã có thể cho bạn bè quốc tế biết rằng Việt Nam cũng có cộng đồng chạy bộ, cũng rất yêu thể thao.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 3.

Bạn có thể hình dung tôi đã mất 3 năm ròng rã tập chạy từ cuối năm 2013, đến năm 2017 đăng ký giải chạy tại Mỹ để lấy chuẩn cho giải Boston Marathon. Vì sao tôi phải qua tận Mỹ chạy, là bởi ở Việt Nam lúc đó chưa có giải chạy nào đạt chuẩn để có thể tham gia giải Boston. Thời đó, nếu tính vận động viên chuyên nghiệp cả nam và nữ thì ước tính tổng số người đạt chuẩn chạy Boston chỉ khoảng 100 người mà thôi.

Lẽ ra tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên đạt huy chương 6 bông tuyết. Đồng hành với tôi ngay từ những ngày đầu là chị Chi Nguyễn, một người chạy rất giỏi, rất nổi tiếng trong cộng đồng chạy bộ. Chi chính là người tôi rất ngưỡng mộ, và từ năm 2018 chị ấy đã lấy được chuẩn Boston sớm hơn tôi.

Để lấy được chuẩn Boston, không những phải đạt các tiêu chuẩn rất khó mà giải đưa ra, mà còn phải chạy nhanh hơn chuẩn vì họ sẽ chọn từ cao xuống thấp, không khác nào thi đại học. Sau đó năm 2019 tôi đã đạt và thậm chí còn dư chuẩn. Dự định năm 2020 tôi và chị Chi sẽ hoàn thành cả 6 giải trong hệ thống World Marathon Majors (gồm Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago, New York Marathon), nhưng vì dịch Covid-19 nên mọi thứ bị đảo lộn. Tới năm 2023, chúng tôi cùng đăng ký chạy ở Tokyo, chỉ vì vướng visa mà Chi đã không thể có mặt ở đường đua tại Nhật Bản để cùng trở thành 2 người Việt Nam đầu tiên đạt huy chương 6 bông tuyết.

Chị đến với môn chạy bộ như thế nào?

- Tôi thích và biết chơi nhiều môn thể thao, như bowling, tennis… Là người ưa vận động và làm việc tại một câu lạc bộ thể hình thì chuyện chạy đối với tôi không có gì xa lạ. Nhưng trước đây, tôi chạy chậm lắm. Chạy khoảng 30 phút trên máy được 5km đã cảm thấy rất tự hào rồi.

Cuối năm 2013, khi lần đầu tiên tôi tự thưởng cho mình một chuyến đi rất xa đến New York, tình cờ chứng kiến giải chạy New York Marathon – chính là 1 trong 6 giải mà tôi mới tham gia. Hồi đó đâu biết marathon là gì, nhưng chứng kiến dòng người toàn là runner đang đổ dồn về công viên, rồi cuộc đua diễn ra vô cùng náo nhiệt, xung quanh cả rừng người đứng cổ vũ. Tôi thấy hay quá liền chụp hình rồi kể chuyện với huấn luyện viên dạy fitness người nước ngoài của mình tại Trung tâm California. Ông ấy nói: "Ôi Phương ơi đấy là những người chạy một cách điên khùng. Chỉ có những người điên khùng mới chạy nhanh được vậy thôi. Tụi mình không bao giờ đứng trong hàng ngũ đó được đâu".

Chỉ vì câu nói đó mà tôi cảm thấy "máu giang hồ" nổi lên, bèn tìm hiểu và quyết tâm tập chạy, rồi thấy mê. Cùng câu lạc bộ với tôi có Phillip Nguyễn, em chồng của diễn viên Tăng Thanh Hà, công ty bạn ấy tổ chức giải phong trào và mời tôi ra chạy cùng cho vui. Năm đó tôi chỉ đăng ký 5km, chạy xuống cầu Phú Mỹ đã thấy mỏi nhừ chân rồi.

Sau đó tôi ra sân Hoa Lư tập chạy từ 6-10km, rồi đăng ký giải chạy Đà Nẵng Marathon 21km và liên tục đứng top 3 ở các giải chạy phong trào trong nước. Từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến các giải marathon tầm quốc tế. Tôi lên mục tiêu mỗi năm đi Mỹ 1 chuyến, thăm các thành phố lớn ở đó, đăng ký các giải chạy 21km, 42km và chinh phục 6 stars. Lúc đó tôi chỉ đơn giản đặt mục tiêu để vượt qua chính mình chứ không nghĩ gì to tát. 

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 4.

Gii chạy nào chị thấy khắc nghiệt, kinh khủng nhất, thử thách ý chí lớn nhất?

- Thật ra, với khả năng của tôi, không có gì khó cả. Chỉ cần đạt chuẩn Boston là đủ để chinh phục mọi giải chạy rồi. Nhưng thử thách lớn nhất đối với tôi là thời tiết lạnh ở Tokyo. Chạy trong trời lạnh là điều rất khó khăn với người Việt Nam, nhất là người sinh sống ở Sài Gòn quanh năm nắng nóng. Vậy mà tôi đã chạy dưới trời lạnh chỉ 4-5 độ C như ở Boston, New York, Tokyo. Chân tôi tê cóng, đến nỗi gần như mất cảm giác tiếp đất.

Tuy nhiên, phần lớn các giải chạy khác đều rất vui. Bạn tưởng tượng mà xem, khi mình chạy giữa 2 bên là hàng nghìn người đứng cổ vũ, reo hò rồi nhún nhảy điên cuồng, cảm xúc thật khó tả. Giải chạy ở Boston náo nhiệt tới mức mà tôi muốn chạy chậm lại để thưởng thức không khí cổ vũ tuyệt vời đó. Vì thực tế mà nói, thành tích của tôi chả là gì so với các vận động viên nước ngoài.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 5.

Ngay cả vận động viên nam giỏi nhất của Việt Nam mình hiện giờ, thành tích 2 giờ 25 phút chặng 42,195km song cũng chỉ bằng vận động viên nữ ở đó. Tại Tokyo Marathon, nhóm chạy có thành tích 2 giờ 10 phút là cả trăm vận động viên, còn nữ vận động viên top 30 thì cả "rổ" (khoảng 2 giờ 20 – 2 giờ 30 phút). Người ta chạy khiếp lắm, nên mình qua đó chỉ là "tép riu" thôi.

Ở đó tôi chạy kiểu thưởng thức là chính, tôi cầm điện thoại quay lại hình ảnh những cụ già 70-80 tuổi tóc bạc phơ vẫn chạy 42km rất nhanh. Tôi cũng gặp cả những người mù, người chống nạng, đẩy xe lăn trên đường race. Tôi muốn cho bạn bè xem những hình ảnh đó để thấy người ta đã chạy như thế nào…

Các giải marathon lớn trong và ngoài nước chị đều có mặt, chi phí tham gia không nhỏ, chắc là chị rất "giàu có"?

- Từ bé đến lớn, hầu như tôi không phải đi làm việc kiếm tiền. Gia đình tôi làm kinh doanh, cũng gọi là có điều kiện (cười). Còn đi làm tại California là bởi một cơ duyên. Tôi chơi với mấy người bạn làm quản lý tại đó, các anh thấy tôi thích chơi thể thao, rồi lúc nào cũng tươi vui, tràn trề năng lượng – hơn 10 năm trước người như tôi ít lắm - nên đã mời tôi về làm và gắn bó luôn tới giờ.

Sau khi tham gia 6 giải marathon, tài khoản của tôi hết nhẵn, chả còn đồng nào. Cứ chạy giải xong đi cày, cày được lại đổ tiền vào chạy, có khi đủ để mua một căn hộ rồi. 

Bạn biết đó, riêng việc bay đi bay lại giữa các nước, chi phí khách sạn, ăn ở đã tốn rất nhiều tiền. Việc lấy visa cũng là cả chặng đường hồi hộp. Nhật Bản là đất nước nổi tiếng khó tính, họ sẵn sàng từ chối visa mà chả cần lý do gì. Để lấy được bib chạy (số báo danh thi đấu) ở Tokyo tôi đã phải đi theo suất từ thiện. Tức là các giải chạy thường có nhiều nhà tài trợ, tổ chức từ thiện tham gia, và họ có khoảng 50 - 200 suất chạy, ai muốn chạy phải có bib, ai trả giá cao hơn sẽ có cơ hội đứng ở vạch xuất phát.

Mọi năm, để lấy được 1 suất chạy từ thiện ở Tokyo chỉ mất 1.000 USD, nhưng do tôi muốn là người Việt Nam đầu tiên hoàn thành 6 giải chạy nên đã liều trả giá 5.500 USD để chắc chắn lấy được bib, tương đương gần 130 triệu đồng. Vì vậy nhiều người chạy giỏi nhưng vẫn rớt visa đi Nhật như thường.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 6.

Chạy bộ thì tôi nghĩ ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành runner?

- Không phải, ai cũng có thể trở thành runner. Nếu một người chưa bao giờ chạy thì làm sao ngay bây giờ xỏ giày chạy được 10km? Để bắt đầu thì mình phải tập từ đi bộ, dần dà hệ cơ, xương khớp tốt hơn, có thể bắt đầu chạy một chút, kết hợp vừa đi vừa chạy. Thời gian sau, mình sẽ bớt dần quãng đường đi bộ, tăng quãng đường chạy. Cứ vậy tăng dần thì mình sẽ chạy được 10km, 24km, 42km.

Người già nhất tham gia Tokyo Marathon vừa qua là 87 tuổi, nên không thể dùng cái câu "runner không dành cho tất cả mọi người". Nó chính xác là môn thể thao dành cho mọi người. Chỉ lưu ý những người bị tim mạch, cần chạy chậm rãi, kiên trì hơn.

Nhưng đâu phải ai cũng làm được như chị? Phi có một bản lĩnh, một lch tập luyện, siết kỷ luật như thế nào ch?

- Đúng rồi, khi bạn có mục tiêu, bạn muốn chinh phục Boston Marathon bạn phải tập luyện. Cả Việt Nam hiện nay có chưa tới 100 người đạt tiêu chuẩn chạy Boston, nói như vậy để bạn hình dung không dễ chút nào.

Bản thân tôi muốn chạy ở 6 giải lớn nhất hành tinh, tôi buộc phải hy sinh nhiều thứ, thay đổi toàn bộ lịch sinh hoạt, đi ngủ từ 7h tối, thức dậy từ 1h sáng để có thời gian chạy và đi làm. Tôi đã đi kiểm tra bộ gen của mình và được biết, bộ gen của tôi rất kém trong vận động, bác sĩ test xong phán bộ gen của tôi cực kỳ hiếm gặp. Mới nghe tôi còn tưởng bộ gen của mình "ngon lắm", ai dè bác sĩ bảo "tệ hiếm gặp". Nào là sức bền sức mạnh đều kém, trữ nước trong cơ kém, hấp thụ kém, khó điều khiển cân nặng. Những người như vậy thường khó khăn trong vận động.

Tôi biết điều đó nên phải cố gắng gấp nhiều lần. Và đó là lý do tôi khẳng định, con đường chạy bộ dành cho tất cả mọi người, quan trọng là mình muốn hay không. Khi mình muốn, mình sẽ sẵn sàng đánh đổi việc đi chơi, bù khú với bạn bè để có thời gian tập luyện. Rồi đi ngủ đúng giờ, từ bỏ những món ăn yêu thích nhưng dễ gây béo…

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 7.

Việc chạy bộ, trở thành runner nổi tiếng đã làm cuộc sống của chị thay đổi như thế nào?

- Chạy làm tôi thay đổi rất nhiều thứ. Trầm tính hơn, hiền hơn. Ngày xưa tôi dữ lắm, làm việc ở công ty mà thấy ai không vừa mắt hoặc ai làm sai ý là tôi quạt liền. Nhưng chạy bộ đã khiến tôi biết thông cảm với mọi người, vui vẻ hơn.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 8.

Ở ngoài Bắc, như vậy gọi là đanh đá phải không?

- Tôi còn hơn cả đanh đá nữa ấy, còn phá phách nữa. Ngày xưa tôi mải chơi lắm, thường xuyên đi bar, quen biết nhiều giới. Trong tất cả tụi bạn của tôi từ thời đó tới giờ, có mình tôi rẽ qua hướng "hành xác" này thôi à.

Chạy bộ nhiều khiến tôi thấy mọi áp lực trong cuộc sống không có gì đáng sợ cả. Khi mà ai đó đã chạy được 42km, thì sẽ thấy có thể đối diện với mọi vấn đề, những khó khăn trong cuộc sống đều sẽ tìm ra cách giải quyết.

Những khó khăn trên đường chạy không khiến chị từ bỏ mà lại đem đến sự lạc quan sao?

- Đúng vậy. Trên đường chạy tôi đã trải qua rất nhiều đau đớn về thể xác, liên tục gặp chấn thương ở đầu gối, cổ chân, nhưng khi đã vượt qua được thì những khó khăn trong cuộc sống bỗng trở nên đơn giản. Chạy còn cho mình sức khoẻ, tinh thần lạc quan, yêu đời. Vui vẻ như vậy thì những thứ râu ria đâu là gì.

Ngày xưa tôi rất mê túi xách, thời trang đồ hiệu, có những chiếc quần jeans, đôi giày hàng chục triệu một cái, áo phông cũng phải đồ hiệu như Gucci, Chanel,... Thấy bạn có túi xách đẹp là phải "te tua" chạy theo mua bằng được. Nhưng "bập" vào chạy rồi tôi hết tiền để xài đồ hiệu luôn. Tôi đã phải bán bớt túi hiệu để mua xe đạp địa hình, đóng tiền đi race. Tôi cũng thấy mình bớt nhu cầu về vật chất, có thì xài không có thì thôi, cũng không ghen tị khi thấy bạn bè có mà mình không có (cười).   

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 9.

Chị có nghĩ mình đã là U50 không? Nhìn chị chạy, có cảm giác không khó khăn nào cản nổi bước chị?

- Chứng kiến những ông già hơn 80 tuổi chạy ở Tokyo Marathon, tôi nghĩ không có hạn chế nào về lứa tuổi. Những người làm biếng, thiếu ý chí thì luôn đưa ra lý do này lý do kia để tự giới hạn mình, còn người có ý chí, tinh thần thì họ đưa ra giới hạn để vượt qua, để chiến thắng bản thân. Cho nên không có lý do gì để bạn không chạy nữa.

Mà tôi không chỉ chạy nhanh thôi đâu, tôi chạy còn đẹp nữa. Nghĩa là chạy nhưng mặc đồ phải đẹp, quan tâm tới việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Nhiều người chạy kiểu "bán mạng", chạy xong nằm bệt mấy ngày, còn tôi thì không. Mục tiêu của tôi chạy là để đẹp và khoẻ, chứ tôi không chạy vì thành tích.

Chị từng tham gia Ironman 70.3 tại Đà Nẵng, với 3 môn phối hợp bơi, đạp xe, chạy bộ, trong khi trước đó chị không hề biết bơi?

- Có lẽ đó là cuộc đua đáng nhớ nhất cuộc đời tôi, suýt chết khi một mình tôi hoàn thành cùng lúc 3 môn phối hợp: Bơi 1,9km trên biển, đạp xe 90km và cuối cùng là chạy bộ 21,1km. Dù chạy bộ là sở trường nhưng tôi lại không biết bơi và rất sợ nước. Mình là động vật trên cạn mà, đứng dưới nước tới cổ là sợ rồi. Nhưng vì quá tự tin vào bản thân nên cận kề ngày đua Ironman 3 tháng tôi mới đi học bơi, rồi mới té ngửa ra mình… dở ẹc môn này. Nói ra thiệt mắc cỡ, thầy bắt tôi vào hồ bơi trẻ con bên Yết Kiêu để tập nổi nước, giữ thăng bằng, tập động tác bơi sải, vật lộn cả tháng trời không bơi được, đành chuyển sang bơi ếch.

Đến ngày xuất phát, đứng trước biển sâu tôi đã khóc vì sợ chết. Tôi chọn là người xuống biển cuối cùng để tránh va chạm với người khác, cố gắng dùng hết mọi sức lực để bơi cho kịp thời gian. 300m cuối khi nhìn thấy cổng chào của vạch đích phía trước cùng tiếng nhạc ầm ĩ trên bờ, tôi nghĩ "sống rồi". Chỉ sợ chết chìm dưới biển không được gặp con trai nữa.

Ngay khi lên bờ, chân đi chưa vững tôi đã tiếp tục cuộc đua đạp xe, nhưng cảm giác của tôi lúc đó cực kỳ hưng phấn. Vừa đạp xe vừa cười trong niềm hân hoan vì biết mình đã chiến thắng nỗi sợ lớn nhất bản thân.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 10.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 11.

Chị từng nói muốn trở thành người dẫn đầu phong trào chạy bộ, nhưng có bao giờ chị thấy mệt, muốn bỏ cuộc khi mà cứ phải liên tục gồng mình không?

- Ủa tôi đâu có gồng mình. Từ ngày tôi bắt đầu tham gia các giải chạy, tôi hay đùa rằng mình có sứ mệnh tự trao, nghĩa là tự trao cho mình nhiệm vụ hoàn thành. Mình không nhận tiền của ai để làm, để phải có trách nhiệm. Ngay cả CEO của California cũng từng đề nghị tài trợ cho tôi tham gia Tokyo Marathon, nhưng tôi từ chối vì thấy mình tự lo được.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 12.

Tính tôi là vậy, phóng khoáng, rõ ràng và thoải mái. Chính vì thế lúc nào mọi người cũng thấy tôi chạy tung tăng, không thấy mệt mà rất vui. Tôi chạy là hoàn toàn tự nguyện, không có áp lực, không phải chịu trách nhiệm với ai ngoài bản thân mình.

Trên đường chạy, chị đã từng gặp ai đó truyền cho chị năng lượng để không bỏ cuộc giữa chng?

- Bạn biết đấy, trên đường chạy tôi đã gặp những ông già ngoài 80 tuổi, những người tàn tật, dù bị cụt chân hay cụt tay nhưng họ vẫn chạy với một sự tự tin, hạnh phúc. Thế thì không có lí do gì mình khoẻ mạnh, bình thường mà lại chây ỳ, lười biếng không chạy.

Thêm vào đó, việc tôi chạy và lan toả tinh thần thể thao đến mọi người khiến tôi cảm thấy mình có giá trị hơn, có động lực hơn để giữ phong độ. Trước đây tôi thường xuyên chạy một mình, đường vắng teo à. Nhưng dần dần, mỗi lần ra Sala tập tôi thấy ngày càng có nhiều bạn đồng hành. Nhiều người bắt đầu tập chạy, từ người già đến người trẻ, điều đó khiến tôi cảm thấy rất vui. Rất nhiều người đã nhắn tin cảm ơn vì tôi đã truyền cảm hứng cho họ.

Ai cũng chỉ có 24 giờ thôi, nếu mình quyết tâm thì sẽ tìm ra được thời gian để chạy, rèn luyện thể dục thể thao.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 13.

Như tôi chạy 5km là đã mệt thở không ra hơi, chân mỏi nhừ, hẳn là chị phải có thần kinh thép?

- Bạn bè trong cộng đồng chạy bộ thường gọi tôi là "bông hồng thép" vì tôi có thể trạng cũng bình thường thôi nhưng có một hệ thần kinh bằng thép. Khi tim vận động đến mức không thở nổi, tôi vẫn chạy bằng ý chí. Khao khát chiến thắng lớn hơn tất cả nên đã xuất phát là phải hoàn thành, không bỏ cuộc giữa chừng.

Chạy bộ chính là môn thử thách ý chí lớn nhất. 5-7km đầu tiên, mọi người thường chạy khá thoải mái, còn chặng về sau tất cả mọi người đều chạy bằng ý chí. Nếu có ý chí, bạn sẽ vượt qua được nỗi đau thể xác để về đích.

Có khi nào chị nghĩ mình sẽ nghỉ chạy? Lúc đó chị sẽ làm gì?

- Tôi vẫn chạy thôi, và tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Hiện tôi đang phối hợp với những người bạn thân triển khai dự án giúp 100.000 phụ nữ Việt Nam chinh phục 5km đầu tiên, đó là chị Chi Nguyễn - nữ runner nổi tiếng đang chuẩn bị hoàn tất chinh phục 6 World Marathon Majors vào tháng 4/2023 tại London Marathon; chị Nguyễn Thị Thanh Nhã (Céline) - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest; chị Thanh Vũ - người Việt Nam đầu tiên vô địch thế giới ba môn phối hợp cự ly siêu dài - Deca Ultra Triathlon. Họ sẽ đồng hành cùng tôi trong dự án cộng đồng này.

Dự án sẽ triển khai trong 3 năm, tổ chức nhiều chiến dịch và hoạt động xã hội nhỏ với sự tham gia đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân. Tôi tin rằng dự án sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực, đem lại sự năng động, tự tin hơn cho phụ nữ Việt Nam.

Thể thao, đặc biệt là chạy bộ quan trọng nhất là điểm bắt đầu, dự án này hy vọng có thể giúp phụ nữ tiếp cận việc chạy bộ đúng cách, để bảo đảm được việc tập luyện có lộ trình, dinh dưỡng như thế nào, bảo vệ xương khớp, cải thiện thể lực ra sao… cũng như hướng tới việc khích lệ chị em phụ nữ hãy vượt qua chính bản thân để đôi chân có thể sải những bước chạy đầu tiên, tận hưởng những khoảng thời gian thực sự dành cho mình. 

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 14.

Nhìn chị rất mạnh mẽ, thậm chí còn có vẻ hơi nam tính với đầy cơ bắp, đàn ông có sợ chị không?

- Sợ chứ, nhất là đàn ông Việt Nam sợ tui lắm, chả ai dám nhào vô. Tôi độc thân hơn 20 năm nay rồi nhưng chỉ có mấy anh nước ngoài tán tỉnh thôi à.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 15.

Mắt của đàn ông Việt Nam phần lớn vẫn thích những người phụ nữ nhẹ nhàng, dịu dàng, phải yếu đuối một tí. Kiểu người mạnh mẽ, cá tính như tôi đàn ông nước ngoài thích hơn, nhưng tôi cũng không muốn yêu đương nữa. Tôi thích chạy một cách tự do. Nếu mà có bạn trai, thì làm sao xách vali mà chạy chỗ này chỗ kia hoài được, phiền lắm! (cười).

Được mệnh danh là "bông hồng thép" của làng chạy, bao nam giới phải ngưỡng mộ, chị quan niệm thế nào về vẻ đẹp của người phụ nữ?

- Vì tôi làm việc trong ngành thể thao, nên cái đẹp của phụ nữ trong mắt tôi là phải khoẻ mạnh, có đường cong và săn chắc. Chứ không phải cứ gầy là đẹp, sờ chân tay thì nhẽo nhoét. Đó là nét đẹp xưa cũ rồi, bây giờ các cuộc thi hoa hậu trên thế giới cũng chuộng vẻ đẹp khoẻ mạnh, săn chắc.

Phụ nữ bây giờ phải độc lập, khoẻ mạnh và đó là vẻ đẹp rất sexy.

Chị đã không ít lần chia sẻ trên Facebook vcuộc sống riêng, đặc biệt bức ảnh chị chụp chung với chồng cũ và 2 người vợ của chồng cũ khiến tôi luôn tò mò. Trong khi nhiều người cãi nhau, ly hôn xong là không muốn nhìn mặt nhau, vì sao chị đã chia tay rồi mà vẫn có thể gìn giữ một mối quan hệ đặc biệt như vậy?

- (Cười lớn) Đa số trường hợp khi chia tay rồi là muốn cắt đứt luôn. Nhưng có lẽ tôi thích chơi thể thao từ bé, tính cách phóng khoáng như đàn ông, nên dễ dàng thông cảm với những người xung quanh. Tôi cũng thích chơi với đàn ông nhiều hơn nên biết rằng, đàn ông thường suy nghĩ đơn giản, chỉ có phụ nữ tụi mình hay làm mọi thứ phức tạp. Tự phụ nữ làm khổ mình, chia tay rồi mà cứ hận, cứ ghét rồi đau khổ trong khi người ta đâu có thèm quan tâm.

Tôi nghĩ được như thế nên sau khi chia tay vẫn sống thoải mái, vui vẻ. Tôi muốn để chồng cũ thấy luyến tiếc vì sao vui vẻ thế mà ngày xưa lại chia tay, chứ không muốn sống trong hậm hực khổ đau, để chồng mình thấy, à chia tay là đúng. Tại vì chồng tôi ngoại tình nhiều lần, tôi không còn yêu chồng nữa nên mới chọn chia tay, chứ tôi vẫn tha thứ cho anh ấy. Chồng tôi không chỉ tài giỏi, tử tế mà còn đẹp trai nữa, nên tôi biết nhiều phụ nữ mê anh ấy lắm.

Tôi vẫn hay nói miệng rằng, sự trả thù ngọt ngào nhất là mình sống vui vẻ nhất, thành công nhất, xinh đẹp nhất, tươi mới nhất.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 16.

Mỗi ngày của chị diễn ra như thế nào?

- Tôi thường đi ngủ sớm vào lúc 19h tối để thức dậy lúc 1-2 giờ sáng, sau đó chạy bộ. Ngày làm huấn luyện viên thể hình của tôi ở câu lạc bộ thường bắt đầu từ 6h30 sáng.

Lúc rảnh tôi thường nấu ăn, làm bánh. Tôi rất giỏi nấu ăn và nổi tiếng cộng đồng mạng đấy. Tính tôi chỉn chu, nên làm gì cũng tới nơi tới chốn, kể cả nấu ăn cũng phải ngon và đẹp nữa.

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 17.

Ở nhà chị, món đồ nhiều nhất chắc là giày và huy chương?

- Không đếm nổi nữa, tôi đã chạy 9 năm rồi mà. Tất cả những giải chạy khó nhất, nổi tiếng nhất đều có mặt. Có lẽ thứ nhiều nhất trong nhà tôi bây giờ là giày dép, huy chương và quần áo. Mục tiêu của tôi là sẽ tham gia tất cả các giải chạy ở các thành phố lớn trên thế giới, trong đó có giải chạy tại Hy Lạp vào cuối năm nay.

Tổng kết sau gần 10 năm chạy bộ, có lẽ cái mà tôi tiết kiệm được nhiều nhất không phải là tiền bạc mà là sức khoẻ và trải nghiệm. Tôi vẫn hay nói rằng khi mình già sẽ nhìn lại xem cuộc đời mình đã làm được những gì, đi tới những đâu, di sản mình để lại là cái gì, chứ không phải mình đang ở trong căn nhà bao nhiêu tầng, lái xe hơi bao nhiêu tỷ… Cái đó đối với tôi vô nghĩa, bởi dù có thật nhiều tiền mà không có sức khoẻ thì chả làm được gì, già rồi thì đi đâu?

Vì thế tôi luôn nghĩ khi mình còn sức khoẻ, còn trẻ thì mình hãy đi, hãy cống hiến và trải nghiệm. Đó chính là di sản khi mình về già.

Xin cảm ơn chị!

Ước mơ của tôi là Việt Nam có đường chạy đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 18.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem