Uỷ ban Kinh tế - Quốc hội đề nghị làm rõ nhiều nội dung tại dự án cao tốc Bắc – Nam

Thế Anh Thứ hai, ngày 03/01/2022 14:47 PM (GMT+7)
Uỷ ban Kinh tế - Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát thẩm định dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, quy hoạch và hiệu quả.
Bình luận 0

Làm rõ dự án cao tốc Bắc - Nam đi trùng đường hiện hữu

Uỷ ban Kinh tế - Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thẩm định quy hoạch bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, ổn định của hệ thống quy hoạch và hiệu quả.

Lý do Uỷ ban Kinh tế - Quốc hội đưa ra là dự án cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được quyết định.

Uỷ ban Kinh tế - Quốc hội đề nghị làm rõ nhiều nội dung tại dự án cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 1.

Dự án cao tốc La Sơn - Tuý Loan chờ ngày đưa vào khai thác. Ảnh: Thế Anh

Theo quy hoạch, cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư, tuy nhiên giai đoạn 2021 – 2025 Chính phủ chỉ đề xuất đầu tư Dự án dài 729 km. Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị giải trình, làm rõ hơn việc đầu tư 27 km còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Dự án nếu đầu tư theo quy mô mặt đường 24,75 m sẽ cần phải bổ sung thêm khoảng 50.000 tỷ đồng, vì vậy Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề này.

Về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung giải trình làm rõ những vấn đề này, Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế nhận thấy có 81,5 km của dự án đi trùng với đường Hồ Chí Minh.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ các đoạn tuyến của Dự án đi trùng với các tuyến đường hiện hữu và phương án xử lý đối với các đoạn đi trùng để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân và hiệu quả của các dự án liên quan.

Hạn chế rủi ro nợ xấu cho nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam

Về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, Uỷ ban Kinh tế đề nghị trong quá trình triển khai các bước tiếp theo Chính phủ khẩn trương tổng kết kinh nghiệm giai đoạn trước 2017 – 2020 và có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ GPMB.

Uỷ ban Kinh tế - Quốc hội đề nghị làm rõ nhiều nội dung tại dự án cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 2.

12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Thế Anh

Đáng chú ý, với những rủi ro, tồn tại tại các dự án giao thông BOT giai đoạn trước, lưu lượng xe thực tế của các dự án giao thông BOT thấp hơn so với phương án tài chính. Cùng với đó, các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư quan ngại việc tiếp tục đầu tư các dự án giao thông BOT sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu.

Vì vậy, Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của Dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công chủ trương này.

Theo đó, cân nhắc xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi để nhà đầu tư tư nhân tiếp cận tham gia đầu tư Dự án.

Việc Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là có cơ sở, do huy động vốn tư nhân gặp khó khăn và còn nhiều hạn chế.

Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế hiện nay đối với loại hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông khác theo phương thức đầu tư này, bảo đảm thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội về việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.

Về nguồn vốn và giải ngân vốn, Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội".

Đánh giá về vấn đề này, Uỷ ban Kinh tế nhận thấy Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, do đó cần tập trung ưu tiên bố trí vốn từ Chương trình để bảo đảm tiến độ cho Dự án.

Uỷ ban Kinh tế - Quốc hội đề nghị làm rõ nhiều nội dung tại dự án cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 3.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: Nha Mẫn

Rà soát lại diện tích rừng chiếm dụng

Về thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí các dự án thành phần của Dự án. Tuy nhiên, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư đến nay vẫn chưa được ban hành.

Đồng thời, qua giám sát, Uỷ ban Kinh tế nhận thấy các quy định và công tác tổ chức thực hiện về thu phí tự động không dừng của các dự án giao thông BOT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, khắc phục những tồn tại hạn chế về nội dung này.

Về cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, tổng diện tích rừng chiếm dụng của Dự án bao gồm, rừng phòng hộ khoảng 110 ha và rừng sản xuất khoảng 1.436 ha, theo đó việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Do đó, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nên chưa thể xác định chính xác các thông số để hoàn thiện hồ sơ theo quy định, để bảo đảm tiến độ cho Dự án thì việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi là phù hợp.

Trước đó, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 bao gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Dự kiến phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt, đáp ứng Tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h (TCVN 5729 - 2012: đường ô tô cao tốc - yêu cầu thiết kế), riêng mặt cắt ngang phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe.

Theo tính toán của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng.

Bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị: 95.837 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư: 19.097 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác: 12.015 tỷ đồng; Chi phí dự phòng: 20.041 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (khoảng 81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (khoảng 18,6% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem