Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường cho ý kiến 3 nội dung quan trọng

PVCT Thứ bảy, ngày 04/06/2022 13:17 PM (GMT+7)
Ngày 4/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp bất thường nhằm phục vụ cho nội dung phiên họp ngày 6/6 của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, do yêu cầu tính chất nội dung phiên họp ngày 6/6 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, hôm nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường với 3 nội dung:

Cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Xem xét phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021.

Ủy ban Thường vụ họp bất thường cho ý kiến 3 nội dung quan trọng - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh TTBCQH

Cho ý kiến về cơ chế quản lý đối với tài sản là quyền lợi tham gia tiếp nhận từ Nhà thầu nước ngoài tại Dự án dầu khí Lô 07/03 và Lô 135&136/03.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình xin ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Nghị quyết số 43, Quốc hội quyết định tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm (2022 – 2023) để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.

Ủy ban Thường vụ họp bất thường cho ý kiến 3 nội dung quan trọng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh TTBCQH

Cụ thể, lĩnh vực y tế là 14 nghìn tỷ đồng; an sinh xã hội, lao động, việc làm 8,15 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 40 nghìn tỷ đồng; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 113,55 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở kết quả rà soát, đề xuất, Thủ tướng đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng số vốn hơn 149,2 nghìn tỷ đồng cho 113 nhiệm vụ, dự án để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Nghị quyết số 43 và Luật Đầu tư công.

Thẩm tra tờ trình báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, sau hơn 4 tháng Quốc hội thông qua nghị quyết 43, đến nay mới chỉ thực hiện ở khâu Thủ tướng Chính phủ thông báo số vốn (thông báo "số kiểm tra") để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án là rất chậm.

Về số vốn thông báo, Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 149.201 tỷ đồng, bằng 84,77% so với số Quốc hội cho phép (tối đa là 176.000 tỷ đồng).

Số còn lại chưa thông báo khoảng 26.800 tỷ đồng (trong đó có 14.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, 11.800 tỷ đồng cho 4 dự án đường cao tốc).

Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương thông báo hết số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chưa đủ điều kiện thông báo vốn, giải pháp để thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 43.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem