"Va" với bầu Hiển ở Dịch vụ Tràng Thi, bà Nguyễn Thị Nga rút lui?

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 18/11/2019 07:00 AM (GMT+7)
Thông tin Hapro thoái 53,33% vốn tại Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12) khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi: nhóm cổ đông liên quan tới bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đã nhường “cuộc chơi” cho nhóm cổ đông liên quan tới bầu Hiển?
Bình luận 0

img

Công ty CP Dịch vụ Tràng Thi là nơi hiếm hoi ghi nhận dấu ấn rõ nét của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) và bà Nguyễn Thị Nga.

Bà Nguyễn Thị Nga “nhường sân” cho bầu Hiển?

Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12) không phải doanh nghiệp sở hữu quy mô vốn lớn, hay có nhiều thương vụ hợp tác, đầu tư quan trọng. Song trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã thu hút nhiều sự chú ý từ giới truyền thông, cũng như các đầu tư. Bởi Tràng Thi là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận dấu ấn rõ nét của hai nhóm cổ đông liên quan tới hai doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính - địa ốc là ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Còn nhớ, cách đây hơn 3 tháng, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12) đã trải qua một cuộc họp ĐHĐCĐ kéo dài gần 10 giờ đồng hồ (7h30-16h55 ngày 15/8/2019) do liên tục bị ngắt quãng bởi những ý kiến tranh luận từ 4 cổ đông lớn nắm 99,78% số cổ phần tại doanh nghiệp. Họ là các đại diện của Tập đoàn T&T, Hapro và 2 cổ đông cá nhân là ông Lê Anh Dũng và ông Nguyễn Phú Quân.

img

Cơ cấu cổ đông của Công ty CP Dịch vụ Tràng Thi trước thời điểm diễn ra hoạt động bán cổ phần của Hapro.

Trong đó, nhóm cổ đông liên quan tới ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) và Tập đoàn T&T đều đã cho thấy sự hiện diện của mình tại doanh nghiệp. Đặc biệt, các cá nhân đại diện cho hai ông ông Lê Anh Dũng và ông Nguyễn Phú Quân tham dự ĐHĐCĐ của Dịch vụ Tràng Thi đều có những ý kiến thể hiện sự ủng hộ đối với Tập đoàn T&T.

Điều này không quá khó để lý giải khi bản thân ông Lê Anh Dũng vốn được biết tới với vai trò Thành viên HĐQT của Tổng Công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco), một doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT được nhóm bầu Hiển mua cổ phần vào năm 2015. Còn ông Nguyễn Phú Quân là Trưởng phòng Tổ chức nhân sự của Công ty CP Bệnh viện Giao thông Vận tải và Phó Giám đốc Ban Tổ chức nhân sự của Tập đoàn T&T.

Ở chiều ngược lại, những nội dung được thể hiện trên biên bản và nghị quyết của phiên họp ĐHĐCĐ năm 2019 của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12) cho thấy, nhiều nội dung được thông qua với hơn 53,33% cổ phần, thể hiện vai trò cổ đông nắm quyền chi phối của Hapro tại Dịch vụ Tràng Thi so với phần còn lại. Nhóm T&T dù luôn phản đối, nhưng tỷ lệ cổ phần sở hữu ít hơn là không đủ để phủ quyết.

Song trong một diễn biến mới đây, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thông báo đã bán hết toàn bộ hơn 7,2 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12).

Giao dịch trên được thực hiện vào ngày 6/11/2019, số cổ phiếu là hơn 7,2 triệu mà Hapro đã bán ra chiếm 53,33% vốn điều lệ của Tràng Thi. Theo dữ liệu trên HNX, đây là giao dịch bán thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 12.000 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 86,4 tỷ đồng.

Bên mua có 3 cá nhân. Trong đó, ông Trần Trung Tuân mua 2,8 cổ phiếu, chiếm 20,47% vốn điều lệ vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Phương Lan đã mua 1.900.200 cổ phiếu, chiếm 14,08% vốn điều lệ; bà Hoàng Thị Minh Phượng mua 2,5 triệu cổ phiếu, chiếm 18,52%.

Thông tin Hapro thoái 53,33% vốn tại Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12) khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi: nhóm cổ đông liên quan tới bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã nhường “cuộc chơi” cho nhóm cổ đông liên quan tới bầu Hiển?

Ở thời điểm hiện tại, để tìm ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi vừa nêu, vẫn cần thêm thời gian để xác định chính xác mối quan hệ kinh tế và pháp luật giữa 3 cá nhân đã mua tổng cộng 7,2 triệu cổ phiếu T12 với các đơn vị, cá nhân đang hiện diện tại Công ty CP Dịch vụ Tràng Tiền là Hapro, Tập đoàn T&T và 2 cổ đông cá nhân là ông Lê Anh Dũng và ông Nguyễn Phú Quân.

Theo một số thông tin, cá nhân có tên Hoàng Thị Minh Phượng vốn gắn bó với hệ thống BRG nhiều năm, được tin cẩn cho đứng tên cổ phần tại nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Chứng khoán Asean, Roxy Việt Nam, Công ty CP Khách sạn Du lịch Sông Nhuệ… Thông tin từ Công ty CP Chứng khoán Asean cũng cho thấy, một cá nhân có tên Hoàng Thị Minh Phượng hiện đang sở hữu cổ phần, đồng thời là thành viên ban kiểm soát công ty.

Tới đây, có một chi tiết đáng chú ý trong thương vụ bán 7,2 triệu cổ phiếu T12 của Hapro, đó là các giao dịch này đều được thực hiện tại Công ty CP Chứng khoán Asean có địa chỉ tại tầng 4, số 18 Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là nơi Tập đoàn BRG đặt trụ sở chính.

Trong khi đó, cá nhân có tên Trần Trung Tuân cũng được biết tới với vai trò Giám đốc Công ty TNHH Phát triển du lịch khách sạn Hà Nội. Thời điểm tháng 2/2019, đơn vị này đã nhận toàn bộ 75% vốn tại InterContinental Hanoi Westlake do Tập đoàn Berjaya của Malaysia chuyển nhượng. Công ty mới thành lập của ông Tuân có trụ sở chính tại số 200 Yên Phụ, đây cũng là địa chỉ trụ sở của Khách sạn Thắng Lợi.

Trước đó, Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã sở hữu cổ phần tại Công ty CP Dịch vụ Tràng Thi trước thời điểm cổ phiếu T12 được niêm yết trên sàn chứng khoán. Ở chiều ngược lại, dù vào sau và đi đường vòng nhưng nhóm cổ đông liên quan tới bà Nguyễn Thị Nga lại giữ lợi thế nhờ tỷ lệ cổ phần sở hữu lên tới 53,33% tại Dịch vụ Tràng Thi thông qua Hapro – một doanh nghiệp thành viên trong hệ sinh thái BRG sau thương vụ thoái vốn Nhà nước.

Sức hút từ “đất vàng” trong tay Công ty CP Dịch vụ Tràng Thi

Dù chỉ sở hữu vốn điều lệ 135 tỷ đồng, song khi nhắc tới Công ty CP Dịch vụ Tràng Thi, các nhà đầu tư không thể bỏ qua những mảnh đất mặt tiền, dù diện tích không lớn nhưng phong phú đang thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp này.

img

Nhiều mảnh đất mặt tiề đang thuộc quyền quản lý của Công ty CP Dịch vụ Tràng Thi.

Hiện tại, Công ty CP Dịch vụ Tràng Thi đang đặt trụ sở chính tại số 12-14 phố Tràng Thi, Hà Nội. Doanh nghiệp đang quản lý 2 siêu thị kinh doanh hàng điện máy, điện gia dụng, thiết bị văn phòng tại Siêu thị Tràng Thi (số 10B Tràng Thi, Hà Nội) và Siêu thị Chợ Tó (Đông Anh);

Đồng thời, doanh nghiệp đang quản lý ba tòa nhà văn phòng cho thuê và trưng bày sản phẩm tại 47 Cát Linh (dự án này đang được triển khai thực hiện), 11C Cát Linh và số 2 Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, công ty còn có 22 hệ thống các cửa hàng chuyên doanh về nội thất, kim khí, điện gia dụng, điện nước, thời trang phụ kiện, hàng tiện ích….

Về hoạt động đầu tư bất động sản, Dịch vụ Tràng Thi đang triển khai 3 dự án bất động sản là: Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ Cát Linh - Tràng Thi; Tòa nhà thương mại dịch vụ và Khách sạn Đô Thành. Tổng mức đầu tư theo kế hoạch hơn 806,4 tỷ đồng.

Kết thúc quý III/2019, công ty báo lãi giảm 77,64% từ hơn 1,8 tỷ đồng xuống còn hơn 413 triệu đồng. Lũy kế chỉ đạt 656 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 3,6 tỷ đồng ghi nhận trong cùng kỳ năm 2018.

Theo giải trình từ Công ty CP Dịch vụ Tràng Thi, lợi nhuận giảm mạnh là do doanh thu thu giảm 11,45% so với cùng kỳ. Mặt khác, một số địa điểm kinh doanh chưa hiệu quả hoặc chưa đưa vào khai thác sử dụng theo đúng kế hoạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem