Vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech có kháng được biến chủng virus Ấn Độ không?
Biến chủng virus được gọi là B.1.617 với hai đột biến chính, còn được gọi là đột biến kép lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ gần đây. Một số chuyên gia cho rằng biến chủng nguy hiểm này chính là nguyên nhân gây nên sự bùng phát làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai dữ dội ở Ấn Độ trong những tuần qua.
Theo CEO BioNTech Ugur Sahin, vắc xin Covid-19 do Pfizer kết hợp cùng BioNTech phát triển hoàn toàn có khả năng chống lại virus đột biến kép được phát hiện ở Ấn Độ. “Chúng tôi đang đánh giá và dữ liệu cuối cùng sẽ được công bố trong những tuần tới… Tuy nhiên, chúng tôi từng thử nghiệm những đột biến kép tương tự trong những lần thử nghiệm trước đó. Với những dữ liệu trong quá khứ, chúng tôi tin tưởng vắc xin có thể vô hiệu hóa biến chủng virus hiện tại. Tất nhiên, chúng tôi sẽ chỉ công bố chừng nào có dữ liệu trong tay”.
Trong những tháng gần đây, các quan chức y tế Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng các biến chủng virus mới dễ lây lan một ngày nào đó sẽ vô hiệu hóa các dòng vắc xin hiện tại. Do đó, Washington đang tăng cường kêu gọi người Mỹ tiêm phòng vắc xin đầy đủ trước khi các biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng vắc xin Pfizer - BioNTech hiện vẫn bảo vệ hiệu quả con người trước các biến chủng như B.1.526 lần đầu xuất hiện ở New York và B.1.1.7, biến thể được tìm thấy ở Anh.
Một nghiên cứu khác của Israel cho thấy B.1.351, biến thể được phát hiện ở Nam Phi có khả năng kháng một số khả năng bảo vệ của vắc-xin Pfizer-BioNTech, mặc dù vẫn có hiệu quả cao.
Dù vậy, CEO BioNTech Ugur Sahin cho biết người dân có thể vẫn cần tiêm mũi tiêm thứ ba sau hai liều vắc xin thông thường nếu khả năng miễn dịch chống lại virus suy yếu. Các nhà nghiên cứu cho biết có hiện tượng suy giảm phản ứng kháng thể chống lại virus sau 8 tháng kể từ ngày tiêm chủng. Do đó, hồi tháng 2, Pfizer và BioNTech đã bắt đầu thử nghiệm liều thứ ba vắc xin Covid-19 để đối phó với khả năng phản ứng miễn dịch kém trước các biến chủng mới của virus.
“Nếu chúng tôi cung cấp liều tiêm bổ sung, ta có thể khuếch đại phản ứng kháng thể lên mức lớn hơn mức lúc đầu, để bảo vệ chúng ta trong vòng ít nhất 12 tháng, thậm chí là 18 tháng trước virus” - ông Sahin nói thêm.
Trong tuần qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận hơn 300.000 trường hợp nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 của nước này lên hơn 18 triệu. Chính quyền New Delhi buộc phải thực hiện những đợt đóng cửa hoặc lệnh giới nghiêm mới ở một số bang khi các trường hợp nhiễm mới mỗi ngày duy trì ở ngưỡng kỷ lục. Biến thể virus tìm thấy ở Ấn Độ đã lây lan ra rất nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, cho đến nay.
Một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 3 thực hiện với 77 chuyên gia từ 28 quốc gia trên thế giới cho thấy có khoảng 1/3 số chuyên gia dự báo rằng chỉ mất khoảng 9 tháng hoặc ít hơn để các biến chủng virus SARS-CoV-2 vô hiệu hóa những dòng vắc xin Covid-19 hiện tại. Chỉ có chưa đầy 1/8 trong đó tin rằng các dòng vắc xin hiện tại không bao giờ mất tác dụng trước những biến chủng Covid-19 mới.
2/3 chuyên gia cho rằng nhân loại có khoảng 1 năm, thậm chí ít hơn thế, trước khi chủng virus đột biến mới vô hiệu hóa những dòng vắc xin Covid-19 thế hệ đầu tiên.
Kết quả khảo sát cũng cảnh báo với tốc độ tiêm chủng hiện tại, trong năm 2022, chỉ có khoảng 10% dân số ở đa số các nước nghèo có khả năng được tiêm chủng. Khoảng 88% số chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin quá thấp ở nhiều quốc gia sẽ khiến tốc độ xuất hiện các biến chủng kháng vắc xin tăng lên.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Liên minh vắc xin nhân loại, một liên minh gồm hơn 50 tổ chức bao gồm Liên minh Châu Phi, Oxfam, UNAIDS, hoạt động với sứ mệnh đem lại quyền tiếp cận vắc xin Covid-19 bình đẳng trên toàn cầu.