Vaccine Covid-19 sắp về Việt Nam: Giá 2,16 USD/mũi ở châu Âu, cho dùng khẩn cấp ở gần 50 nước
Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vaccine này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Mới đây, theo Bộ Y tế Việt Nam, Cục Quản lý dược đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca, số lượng 204.000 liều. Tên vaccine: Covid-19 Vaccine AstraZeneca. Nhà sản xuất: SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc
Dự kiến ngày 28/2, lô vắc xin đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam. Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vaccine của COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.
vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia. (Ảnh: AstraZeneca)
Vận chuyển, lưu trữ, giá thành của vaccine Covid-19 AstraZeneca
Vắc xin Covid-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (từ 2 đến 8 độ C hoặc từ 36 đến 48 độ F) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có. Giá bán cho thị trường châu Âu khoảng 2,16 USD/mũi tiêm. Tuy nhiên, khi về Việt Nam theo các chuyên gia, giá thành vaccine dự kiến sẽ ưu đãi để nhiều người dân có thể được sử dụng.
AstraZeneca tiếp tục hợp tác với các chính phủ, các tổ chức quốc tế và đối tác khác trên toàn thế giới để đảm bảo tiếp cận vaccine rộng rãi và bình đẳng cho người dân mà không có lợi nhuận trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.
Liều tiêm và kết quả kiểm tra lâm sàng vaccine Covid-19 AstraZeneca
Tại Việt Nam, vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho những người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi: Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm. Mũi 2: Sau mũi đầu tiên từ 4 - 12 tuần.
Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng của vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca trong giai đoạn II/III ở Anh và giai đoạn III ở Brazil trên 20.000 tình nguyện viên, cho thấy hiệu quả cao trong việc phòng ngừa Covid-19. Cụ thể, có 2 liệu trình (2 liều cách nhau 1 tháng nhưng với hàm lượng kháng nguyên trong vaccine khác nhau) được sử dụng trong nghiên cứu, trong đó một liệu trình cho hiệu quả bảo vệ trước Covid-19 hơn 90% và một liệu trình khác cho hiệu quả 62%.
Đây là một con số vượt quá sự kỳ vọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi WHO công bố hiệu lực bảo vệ trước Covid-19 của vaccine chỉ cần đạt trên 50% là đã có thể được sản xuất rộng rãi phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân.
Ngoài ra, phân tích chính của các thử nghiệm lần III xác nhận vaccine Covid-19 Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Phân tích này mới được công bố trên tờ The Lancet, xác nhận vaccine Covid-19 AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19, không có trường hợp nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày sau liều đầu tiên.
WHO phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 AstraZeneca
Hôm 15/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vaccine Covid-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford cho sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, mở rộng khả năng tiếp cận của vaccine này ở các nước đang phát triển.
Việc WHO phê duyệt vaccine Covid-19 của AstraZeneca được đưa ra vài ngày sau khi một hội đồng chuyên gia của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đưa ra các khuyến nghị tạm thời khẳng định vaccine 2 liều này nên được tiêm cách nhau từ 8 đến 12 tuần cho tất cả người lớn và có thể sử dụng ở các quốc gia có biến thể SARS-CoV-2 ở Nam Phi. Đánh giá của WHO cho thấy, vaccine Covid-19 của AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí “phải có” về độ an toàn, các lợi ích từ hiệu quả của vaccine vượt lên so với rủi ro mà vaccine này mang lại.
vaccine Covid-19 của AstraZeneca chiếm tỷ lệ lớn về liều lượng trong chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX facility, với hơn 330 triệu liều sẽ được triển khai cho các nước nghèo hơn từ cuối tháng 2/2021.
COVAX facility là một cơ chế được thiết lập nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19. Trong cơ chế này Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp với Liên minh vaccine Gavi, Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) đồng lãnh đạo cho hay, sẽ có liều lượng vaccine đủ để bao phủ các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả. COVAX sẽ bảo đảm cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.
Nguồn gốc vaccine Covid-19 AstraZeneca, trước đây là AZD1222
vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiện đã được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên bốn châu lục bao gồm Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Moroco và Vương quốc Anh.
vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. vaccine sử dụng vectơ vi-rút mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng vi-rút gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt vi-rút SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công vi-rút SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm vi-rút sau đó.
AstraZeneca là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu tập trung phát minh, phát triển các loại thuốc đặc trị trong các lĩnh vực: ung thư, tim mạch, thận & chuyển hóa và hô hấp & miễn dịch. Trụ sở của AstraZeneca được đặt tại Anh, hoạt động trên 100 quốc gia và các loại thuốc của hãng này hiện đang được sử dụng bởi hàng triệu người trên thế giới.
Tại Việt Nam, hãng dược AstraZeneca đã đi vào hoạt động kể từ năm 1994, với mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người dân và hoạt động kinh doanh bền vững; điển hình như chương trình “Lá phổi Khỏe mạnh” hợp tác cùng Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh – Bộ Y tế, Chương trình Sức khỏe Thanh Thiếu Niên. Mặt khác, Hãng dược AstraZeneca còn có kinh nghiệm trong việc bào chế vaccine ngừa SARS và MERS.
Mới đây, người sáng lập Microsoft, Bill Gates cho rằng các mạng xã hội sẽ cần phải cấp cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyền truy cập lại vào nền tảng của họ vào một thời điểm nào đó.