Thứ năm, 25/04/2024

Nhìn sang “Singapore mới của châu Phi”: Vài suy nghĩ về định hướng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM

Ngày 1/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chính phủ đề xuất ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính (TTTC) quốc tế TP.HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào TTTC quốc tế.

Nhìn sang “Singapore mới của châu Phi”: Vài suy nghĩ về định hướng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM - Ảnh 1.

Kinh nghiệm phát triển các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới là bài học đáng giá cho việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Trung tâm tài chính quốc tế “Singapore mới của châu Phi”

Tin vui, lần đầu tiên, TP.HCM được Tổ chức Xếp hạng TTTC quốc tế (GFCI) đưa vào bảng xếp hạng chính thức (vừa công bố vào tháng 3/2023) với thứ hạng 112 trên tổng số 120 TTTC quốc tế. Được xếp hạng chính thức dù ở mức rất thấp cho thấy, Thành phố bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Xem kỹ bảng xếp hạng, tôi thấy có vài cái tên lạ xuất hiện, như TTTC quốc tế Kigali (Cộng hòa Rwanda) xấp xỉ 12 triệu dân lại xếp hạng 96, cao hơn TP.HCM 16 bậc. Khá ngạc nhiên, tìm hiểu tiếp, tôi mới biết, tờ The Economist có bài viết “Vì sao Kigali và Casablanca (Maroc) được gọi là điểm đến mơ ước TTTC quốc tế Singapore mới của châu Phi”.

Bắt đầu từ TTTC quốc tế Casablanca (hạng 56), tôi càng thú vị khi biết, mặc dù tòa tháp biểu tượng màu trắng 25 tầng trị giá gần 80 triệu USD của nó vẫn còn đang xây dựng dở dang, nhưng vẫn thu hút nhiều tập đoàn quốc tế. Casablanca đặc biệt ở chỗ, chế độ thuế mới có hiệu lực từ tháng 1/2021, yêu cầu các công ty tại TTTC quốc tế phải chịu 15% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhìn vào một vài đề xuất trong Đề án về ưu đãi cho các nhà đầu tư quốc tế đến “xây dựng” TTTC quốc tế tại Thủ Thiêm, Thủ Đức hay ưu đãi thuế cho các hoạt động tại TTTC quốc tế TP.HCM trong Đề án, tôi càng thắc mắc, tại sao phần biểu tượng vật chất của TTTC quốc tế Casablanca vẫn còn dở dang, thuế suất lại không có gì ưu đãi (tuân thủ đúng mức khung thuế tối thiểu toàn cầu 15% trước cả thời điểm áp dụng - năm 2024), vậy “phần hồn” của nó có gì đặc biệt đến mức liên tục dẫn đầu xếp hạng TTTC quốc tế toàn châu Phi?

Trước hết, Casablanca có thuận lợi gần châu Âu, nên đây là cửa vào châu Phi của các doanh nghiệp phương Tây. Về mặt này, TP.HCM hoàn toàn không thua kém, nếu không muốn nói có nhiều lợi thế, do đang nằm ở một khu vực châu Á phát triển nhanh nhất thế giới.

Hóa ra, Casablanca có chiến lược phát triển rất rõ ràng với định hướng 50% phục vụ Maroc, 25% phục vụ châu Phi; 25% còn lại là phục vụ các công ty đa quốc gia.

Điều này có nghĩa, thành bại chính của Casablanca trước hết phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng quốc gia, và hoạt động của nó chủ yếu phục vụ nội địa. Ước tính, TTTC quốc tế Casablanca sẽ đóng góp thêm khoảng 2% vào GDP và đem lại 35.000 việc làm mới. Maroc có 35 triệu dân, GDP 134 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 Việt Nam (dân số 100 triệu dân, quy mô GDP hơn 400 tỷ USD). 

Nếu định hướng đúng và lựa chọn mô hình phù hợp, ắt hẳn, TTTC quốc tế TP.HCM sẽ có những đóng góp to lớn cho kinh tế nước nhà.

Giống như TTTC quốc tế Dubai, Casablanca cung cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất hiện đại trên khu đất rộng 100 ha với 50% cho không gian xanh. Chợt nghĩ, đâu cần nhiều khu siêu thị miễn thuế, khu vui chơi hoành tráng để được gọi là TTTC quốc tế như một vài ý tưởng trong Đề án Phát triển TTTC quốc tế TP.HCM?

Thậm chí, để được công nhận thành viên tại TTTC quốc tế và được hưởng những quy định đặc thù, Casablanca yêu cầu các nhà đầu tư phải thể hiện một cách rõ ràng nhất định hướng tiến về châu Phi. Họ không bằng mọi giá chèo kéo bất kỳ ai đến trú ngụ ở tòa tháp TTTC thì mới gọi là thành viên. 

Về mặt này, so với Maroc, chúng ta có tiềm năng tăng trưởng cao, dân số vàng, lại ở sát “gã khổng lồ kinh tế” Trung Quốc và cận kề các TTTC quốc tế của Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thế thì, tại sao TTTC quốc tế TP.HCM tương lai không thể là cổng vào châu Á của các nhà đầu tư quốc tế?

Bây giờ, đến Kigali, nó có gì để được gọi là TTTC quốc tế “Singapore mới của châu Phi”?

Giống như Casablanca, Chính phủ Rwanda xác định, Kigali là cổng đầu tư quốc tế vào châu Phi. Tuy nhiên, điều đặc biệt - và đó cũng là lý do tôi chọn Kigali minh họa cho bài viết - khi lần đầu tiên châu Phi mới có dạng TTTC quốc tế không giống ai. Đó là, nó không cung cấp bất kỳ địa điểm, tòa nhà, hay khu kinh tế tự do (SEZ) nào cả. 

Hoá ra, cũng có cái gọi là TTTC quốc tế hoàn toàn không theo bất kỳ ý nghĩa vật chất nào, thậm chí cả tòa tháp biểu tượng. Chỉ cần phần “thể chế” cũng đủ làm nên TTTC quốc tế.

Kigali được định vị ưu tiên cho đầu tư quốc tế vào châu Phi: từ các công ty đa quốc gia, quỹ đầu tư quốc tế, công ty quản lý quỹ, công ty fintech, ngân hàng quốc tế, trung tâm giao dịch ngoại hối, đến các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp như luật, kế toán - kiểm toán và các định chế khác.

Hệ thống luật và quy định chung của TTTC quốc tế Kigali hướng đến nuôi dưỡng tài năng, hỗ trợ các công nghệ đột phá hàng đầu, tạo lập niềm tin giữa các nhà đầu tư và các bên có liên quan. Riêng khu vực tài chính, Kigali áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Đây cũng chính là lý do khiến Singapore liên tục nằm ở top đầu các TTTC quốc tế.

Kigali có giá trị độc đáo ở chỗ, nó không cạnh tranh với những TTTC quốc tế khác về các ưu đãi thuế gây tổn hại đến danh tiếng và làm xói mòn cơ sở thuế hiện có. Thay vào đó, Chính phủ Rwanda khởi xướng 24 hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, trong đó có 13 hiệp định ở lục địa châu Phi, 6 hiệp định với châu Âu và các hiệp định khác ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel và Mỹ. Số lượng hiệp định thuộc dạng ngoại lệ trên toàn châu Phi.

Bên cạnh đó, Kigali còn tạo ra những ưu đãi để đặt ngưỡng tối thiểu phải có 30% nhân sự chuyên nghiệp hoặc các nhà đầu tư tại TTTC quốc tế là người địa phương.

Giờ thì tôi đã mường tượng ra. À thì ra, TTTC quốc tế ra đời còn để cho tài năng nội địa được học nghề từ các chuyên gia lão luyện trên thế giới.

Từ “Singapore mới của châu Phi”, nghĩ về “Hòn ngọc viễn đông” TP.HCM

Điều đầu tiên, để việc ra đời TTTC quốc tế thành công, nó phải có mục tiêu rõ ràng và định lượng được. Điều này để giúp Trung ương có căn cứ đưa ra quyết sách thông qua so sánh đánh đổi giữa lợi ích và chi phí. Xem các đề án trước đây của TP.HCM công bố, tôi hầu như không thấy điều này? Trong một hội thảo vào tháng 2/2022 do UBND TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng có góp ý về vấn đề này.

Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn vào những điều căn cơ nhất của TTTC quốc tế từ “Singapore mới của châu Phi”. Đó là bài học về thu hút tài năng, có chiến lược phát triển rõ ràng trong việc cân bằng giữa phục vụ kinh tế trong nước và hướng đến quốc tế; hoặc định hướng phát triển TTTC quốc tế vào thế hệ mới “xanh và số”.

Nền tảng của tài chính chỉ có thể đến từ các hoạt động sản xuất và thương mại (việc lập ra TTTC quốc tế theo kiểu các thiên đường thuế ngày càng tỏ ra lỗi thời với những quy định mới của Luật Thuế tối thiểu toàn cầu).

Về khía cạnh này, Casablanca, Kigali và nhiều TTTC quốc tế khác có, chúng ta cũng có, thậm chí vượt trội hơn nhiều. Như việc Việt Nam đã tham gia ký kết 15 hiệp định thương mại ở cả cấp độ song phương và đa phương với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Hoạt động thương mại mở rộng, đa dạng chính là nền tảng cơ bản để thu hút các dòng vốn đầu tư vào TTTC quốc tế.

Họ có thứ mà đáng lý chúng ta cũng có thể có được, thậm chí làm tốt hơn. Vì đó đâu phải là những gì quá cao siêu. Chẳng hạn, chế độ vượt trội trong thu hút tài năng quốc tế và nhân tài nội địa. Chợt nghĩ, chế độ visa của chúng ta thu hút khách du lịch vẫn còn là một rào cản quá lớn, làm sao mơ chuyện xa hơn như thu hút tài năng fintech và các dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng?

Nếu hạ tầng yếu kém, nên khép lại giấc mơ TTTC quốc tế

Các TTTC quốc tế hiện nay cũng có những thứ mà TP.HCM đang có, nhưng đó lại là những thứ có thể làm khép lại giấc mơ TTTC quốc tế đẳng cấp. Với thực trạng cơ sở hạ tầng ngổn ngang hiện tại, cho dù có đầu tư bao nhiêu tiền bạc vào TTTC quốc tế, kể cả trao cho khung thể chế vượt trội, cũng khó có thể giúp nó nâng tầm đẳng cấp quốc tế. TTTC quốc tế Mumbai của Ấn Độ là một ví dụ điển hình.

Năm 2007, Ấn Độ thành lập Ủy ban với các thành viên cấp cao nhất của Chính phủ, dốc toàn lực phát triển TTTC quốc tế Mumbai theo mô hình SEZ tài chính, sao cho ngang hàng với Singapore, Hồng Kông.

Khi đó, nhiều chuyên gia người Ấn cho rằng, tập trung nguồn lực cho Mumbai là sai lầm. Mumbai sầm uất, với nhiều cảng bao quanh, là nơi tọa lạc của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, Sở Giao dịch chứng khoán Bombay, các công ty tài chính và bảo hiểm thuộc sở hữu của Chính phủ và khu vực tư nhân, là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

 Thế nhưng, không phải vì thế mà chọn nó làm TTTC quốc tế. Cơ sở hạ tầng quá yếu kém sẽ khiến Mumbai không thể trở thành TTTC quốc tế đẳng cấp, đó là luận điểm của những người chống đối.

Lời tiên tri ứng nghiệm: 16 năm trôi qua, Mumbai vẫn cứ nằm chết ở thứ hạng giữa bảng xếp hạng của GFCI. Mumbai không chỉ  thiếu mạng lưới giao thông kết nối đến phần còn lại của Ấn Độ và thế giới, mà thậm chí, giao thông tại địa phương cũng không được kết nối tốt. Các chuyến tàu địa phương quá đông đúc, đến mức rất nhiều người chết trên tuyến đường sắt mỗi ngày. Nó giống với thực trạng giao thông kết nối của TP.HCM hiện tại.

Nhưng, hạn chế lớn nhất vẫn là vấn đề quy hoạch đất đai tại Mumbai và nhiều bất cập trong quy định về sử dụng đất. Với những hạn chế về cơ sở hạ tầng, Mumbai ngày càng tụt hậu. Đó là lý do khiến Chính phủ Ấn Độ quyết định thành lập TTTC quốc tế mới tại Gujarat vào năm 2015.

Trong bảng xếp hạng GFCI mới nhất, Gujarat xếp hạng 67, chỉ thấp một chút so với Mumbai, dù ra đời sau gần 10 năm. Gujarat được GFCI đánh giá có tiềm năng trở thành TTTC quốc tế hàng đầu trong tương lai, còn Mumbai thì không.

Nên tránh đề cập vấn đề nhạy cảm về chuyển đổi tiền tệ, dòng vốn quốc tế?

Tham gia một số hội thảo về TTTC quốc tế TP.HCM, tôi nhận thấy, có lẽ, ban tổ chức khá tinh tế khi mời lãnh đạo các bộ, ngành quan trọng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tham gia với tư cách diễn giả chính để phát biểu các vấn đề nhạy cảm về tự do hóa dòng vốn, chuyển đổi tiền tệ, ưu đãi thuế. Không khó để thấy, lãnh đạo các cơ quan này luôn giữ những phát biểu thận trọng về các chủ đề nhạy cảm.

Câu hỏi đặt ra là, liệu mô hình TTTC quốc tế TP.HCM trong tương lai sẽ như thế nào? Với thể chế quốc gia hiện tại và quan điểm của các bộ, ngành, mô hình phát triển TTTC quốc tế có lẽ nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nhìn vào những điều căn cơ nhất của TTTC quốc tế từ “Singapore mới của châu Phi”. Đó là bài học về thu hút tài năng, có chiến lược phát triển rõ ràng trong việc cân bằng giữa phục vụ kinh tế trong nước và hướng đến quốc tế; hoặc định hướng phát triển TTTC quốc tế vào thế hệ mới “xanh và số”. 

TTTC quốc tế sẽ hướng về công nghệ đột phá trong lĩnh vực fintech, ngân hàng số hoặc tài chính xanh (để tránh rơi vào phủ quyết của các bộ, ngành về các vấn đề nhạy cảm thuộc di chuyển vốn quốc tế, ưu đãi thuế…).

Theo thời gian, khi thương mại và đầu tư phát triển cùng với sự lớn mạnh của kinh tế nước nhà và cải cách thể chế, một cách tự nhiên, các nhà đầu tư quốc tế sẽ tự động tìm đến TTTC quốc tế. “Đất lành chim đậu” phải chăng là định hướng phát triển tuần tự và khả thi của TTTC quốc tế Việt Nam tại TP.HCM, thay vì tạo ra “vụ nổ lớn” với những thể chế đột phá?

Trong công bố mới nhất, GFCI đưa ra khuyến nghị chính sách cho TTTC quốc tế: “Một trong những yếu tố thu hút các nhà đầu tư tại TTTC quốc tế là cơ sở hạ tầng tốt.

Mức thuế suất thấp và các lợi thế khác sẽ trở nên vô dụng ở những nơi có cơ sở hạ tầng kém” (trích dẫn trang 10 trong GFCI 33). Những bất cập nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng của Mumbai (Ấn Độ), ai cũng dễ dàng nhìn thấy ở TP.HCM hiện tại.

Theo Báo Đầu tư

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Sân bay Tân Sơn Nhất lên phương án phục vụ cao điểm lễ 30/4

Sân bay Tân Sơn Nhất lên phương án phục vụ cao điểm lễ 30/4

Dự kiến đón gần 700.000 lượt khách trong giai đoạn cao điểm lễ từ 26/4– 1/5, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã lên phương án, tăng cường nhân lực phục vụ.

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (ngày 25/4) tiếp tục bị huỷ. Ngân hàng Nhà nước thông báo nguyên nhân do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Du lịch lễ 30/4 -1/5, nhiều người chuyển hướng đi tàu hoả, xe khách. Nhiều chặng cháy vé

Du lịch lễ 30/4 -1/5, nhiều người chuyển hướng đi tàu hoả, xe khách. Nhiều chặng cháy vé

Cao điểm 30/4 - 1/5 năm nay, tàu hoả, xe khách... trở thành phương tiện được nhiều người lựa chọn để về quê, đi du lịch trong bối cảnh vé máy bay đắt đỏ.

Sabeco vẫn lạc quan trong "mưa gió"

Sabeco vẫn lạc quan trong "mưa gió"

Dù kết quả kinh doanh năm 2023 không thuận lợi do khó khăn chung của ngành bia, Sabeco vẫn nhìn thấy các cơ hội kinh doanh tốt trong năm 2024. Công ty sẽ trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỉ lệ 35% theo kế hoạch.

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là "ngọn hải đăng" cho sự phát triển và tăng trưởng xanh của TP.HCM

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là "ngọn hải đăng" cho sự phát triển và tăng trưởng xanh của TP.HCM

Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) sẽ đóng vai trò là ngọn hải đăng, là chất xúc tác cho sự phát triển và tăng trưởng xanh của TP.HCM.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông rời ghế

Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông rời ghế

Ông Nguyễn Đình Tùng, một "công thần" tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), thôi làm Tổng giám đốc sau hơn 10 năm nhằm dồn sức cho vai trò thành viên Hội đồng quản trị của nhà băng này.