Vải thiều Bắc Giang đi "luồng xanh" xuất khẩu sang Trung Quốc

Khương Lực Thứ bảy, ngày 11/06/2022 18:16 PM (GMT+7)
Hiện, phía Trung Quốc dành riêng "luồng xanh" cho vải thiều xuất khẩu của Việt Nam. Do Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero Covid" nên việc kiểm dịch khắt khe nhưng vẫn đảm bảo việc thông quan xuất khẩu vải thiều.
Bình luận 0

Là người trực tiếp thu mua vải thiểu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chị Nguyễn Thị Yến ở phố Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, để đáp ứng yêu cầu của các thương nhân Trung Quốc, gia đình chị đã phải thuê 30 người cắt lại cuống ngắn dưới 10cm và loại bỏ lá vải còn sót lại. Chi phí cho công đoạn này hết khoảng 15 triệu đồng.

Vải thiều Bắc Giang mất 4-5 ngày "vượt ải" kiểm dịch khắt khe để sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Ga đình chị Nguyễn Thị Yến ở phố Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang phải thuê 30 người cắt lại cuống, loại bỏ lá với chi phí 15 triệu đồng để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Khương Lực.

Bắt đầu từ năm 2022, thị trường Trung Quốc bắt đầu triển khai thực hiện hàng rào kỹ thuật đối với vải thiều xuất khẩu, đó là vải không được có lá, cuống không dài quá 10cm. Trường hợp vi phạm hàng sẽ bị trả về. Đối với vải thiều, do thời gian bảo quản ngắn nên nếu bị trả về thì chất lượng vải thiều sẽ bị ảnh hưởng. 

Chính vì thế, chị Yến mong muốn bà con nông dân khi thu hoạch vải cần làm sạch lá, cắt cuống ngắn dưới 10 phân, tạo thuận lợi cho việc kiểm dịch và làm thủ tục thông quan.

Là một trong 16 thương nhân Trung Quốc đang có mặt tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để thu mua, tiêu thụ vải thiều, ông Lý Vệ Cường đến từ Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết, do thực hiện các quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật và chính sách "zezo Covid" của Trung Quốc nên phải mất tới 4-5 ngày xe chở vải mới được thông quan sang Trung Quốc. 

Với thời gian kéo dài như vậy và phải mất khoảng 2 ngày để vận chuyển đến chợ, ông Cường và các thương nhân Trung Quốc có mặt tại huyện Lục Ngạn lo lắng về chất lượng vải thiều khi đưa đến tay người tiêu dùng.

"Xe đầu tiên chúng tôi cân vải thiều, đóng gói từ ngày 5/6 để vận chuyển lên biên giới, nhưng phải đến ngày 10/6 mới qua được cửa khẩu. Hiện trên đường đi chúng tôi vẫn còn 5 xe nữa" – một thương nhân người Hồ Nam (Trung Quốc nói) và mong muốn Hải quan hai nước có giải pháp để rút ngắn thời gian thông quan, nhằm đảm bảo chất lượng vải thiều xuất khẩu khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm 2022, toàn huyện có khoảng 16.000 ha vải thiều, trong đó hơn 12.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU; 100% diện tích vải của huyện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Vụ vải thiều năm 2022 dự báo sản lượng quả tươi trên địa bàn huyện Lục Ngạn đạt khoảng 95.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 21.000 tấn, vải chính vụ khoảng 74.000 tấn. Đến ngày 9/6, toàn huyện Lục Ngạn có 96 điểm cân, thu mua vải đang hoạt động. 

Vải thiều Bắc Giang mất 4-5 ngày "vượt ải" kiểm dịch khắt khe để sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 3.

Trong khi thị hiếu của thị trường trong nước là vải phải có lá mới đẹp thì tại thị trường châu Âu, vải thiều được yêu cầu cắt sát đến từng quả; Tại thị trường Trung Quốc, vải thiều không được để lá và cuống ngắn dưới 10cm. Ảnh: N. Kế

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2022, giá bán vải sớm ở Lục Ngạn khá cao và ổn định. Đến nay, huyện Lục Ngạn đã tiêu thụ khoảng 5.000 tấn vải với giá dao động từ 18.000 – 35.000 đồng/kg, cao hơn so với năm ngoái.

Liên quan tới thông tin một ngày ở cửa khẩu Hữu Nghị quan (Lạng Sơn) thông quan được 200 xe chở vải thiều, ông La Văn Nam cho biết, phía Trung Quốc không khống chế chúng ta xuất khẩu bao nhiêu xe chở vải thiều sang mà do năng lực kiểm dịch của hai nước chỉ được 200 xe.

"200 xe/ngày là năng lực kiểm dịch của cửa khẩu Hữu Nghị quan, còn các cửa khẩu khác, năng lực cũng vậy. Mỗi cửa khẩu 200 xe, cũng có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu" – ông Nam nói

Theo ông Nam, phía Trung Quốc vẫn dành riêng luồng xanh cho vải thiều xuất khẩu của Việt Nam. Sau khi kiểm dịch xong, vải thiều được tập kết vào một bãi riêng và có đường riêng để tạo điều kiện xuất khẩu vải thiều nhanh nhất sang nước bạn. 

"Năm nay khó khăn lớn nhất là về kiểm dịch bảo vệ thực vật và kiểm dịch Covid-19. Chúng tôi đã chủ động làm việc với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu Hữu Nghị quan (Lạng Sơn) và đã trao đổi với Hà Giang, Lào Cai để mở rộng thêm các cửa khẩu để lượng hàng sang nhiều hơn" – ông Nam chia sẻ.

Lường trước những khó khăn từ các thị trường, ngay từ đầu vụ, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn, tập huấn, giám sát người dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật chăm sóc để đảm bảo sản phẩm quả vải có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu cao về kiểm định chất lượng để xuất khẩu đi các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ… và thị trường trong nước. Khoảng 10 ngày nữa vải thiều chính vụ sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem