Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

01/04/2021 07:09 GMT+7
Cùng với vải thiều Lục Ngạn, có 2 sản phẩm nông sản khác của Việt Nam là cà phê Buôn Mê Thuột và thanh long Bình Thuận cũng đang được Bộ KH&CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Chiều 31/3, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ. 

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), cho biết Bộ Nông, lâm và ngư nghiệp Nhật Bản vừa có thông báo về vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật.

Vải thiều là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường khó tính Nhật Bản, đây là cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác.

Theo ông Bảy, chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với giấy thông hành có ý nghĩa rất quan trọng cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật Bản. Bởi để sản phẩm này vào thị trường Nhật Bản phải trải qua rất nhiều khâu, quy trình kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Chiều 31/3, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ.

"Phía Nhật Bản không chỉ nhận hồ sơ mà còn cử các chuyên gia sang vùng trồng vải kiểm tra chất lượng đất, cây và toàn bộ quy trình canh tác từ chăm sóc đến thu hoạch. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ sẽ được người tiêu dùng Nhật Bản tin tưởng và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản", ông Bảy nói.

Được biết, từ năm 2017, vải thiều Lục Ngạn là 1 trong 3 sản phẩm của Việt Nam là thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột được lựa chọn để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, lâm và ngư nghiệp Nhật Bản) để quảng bá chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản.

Trước đó, năm 2008, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam và cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020.

Hiện toàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có hơn 15.000 ha vải thiều, chủ yếu tập trung tại các xã như Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn. Trong đó, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ,  giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, tỷ lệ vải ra hoa của toàn huyện đạt hơn 90%, cây sinh trưởng phát triển tốt.

Vụ sản xuất năm 2021, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 28.000 ha. Trong đó, diện tích vải sớm gần 7.000 ha, vải chính vụ hơn 21.000 ha; sản lượng dự kiến đạt khoảng 160.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến đạt trên 15.000 ha; vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 338 ha.


An Vũ
Cùng chuyên mục