Vận dụng tốt bài học Xô Viết –Nghệ Tĩnh, sự nghiệp đổi mới sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp

Lương Kết (ghi) Thứ bảy, ngày 12/09/2020 07:00 AM (GMT+7)
Theo PGS –TS Bùi Đình Phong, phong trào Xô Viết –Nghệ Tĩnh tuy không thành công nhưng để lại những bài học sáng ngời cho ngày hôm nay. Nếu chúng ta biết khai thác, tiếp thu, vận dụng sáng tạo thì sự nghiệp đổi mới sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 90 năm Xô Viết –Nghệ Tĩnh, PGS-TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã trao đổi với PV để lý giải về những yếu tố tạo nên sự sự kiện lịch sử đặc biệt này.

Những yếu tố làm nên Xô Viết –Nghệ Tĩnh

PGS -TS Bùi Đình Phong nói: Trước hết phải khẳng định là ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn. Nói một cách khái quát như trong các văn kiện đầu tiên của Đảng, từ chính cương vắn tắt, sách lược cách mạng, đã nói rõ là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản.

Vận dụng tốt bài học Xô Viết –Nghệ Tĩnh, sự nghiệp đổi mới sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp - Ảnh 1.

Kỷ niệm 90 năm Xô Viết -Nghệ Tĩnh (ảnh IT).

Đố là đường lối giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản chống đế quốc để mang lại độc lập cho dân tộc, chống phong kiến để mang lại ruộng đất cho nông dân. Tiếp thêm bước nữa là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho người dân. Điều đó đã đáp ứng được nguyện vọng của toàn dân, đặc biệt ở Việt Nam thời kỳ đó nông dân chiếm 95% dân số. Đường lối của Đảng đem lại ruộng đất cho nông dân, đó chính là sự đáp ứng mong mỏi từ ngàn đời nay của nông dân, thời phong kiến không có. Chỉ từ khi Đảng ra đời mới đề ra đường lối như vậy nên nông dân rất hồ hởi, tin theo.

Thời kỳ đó, kẻ thù lớn nhất của nhân dân ta là đế quốc và phong kiến, đế quốc câu kết với phong kiến, phong kiến dựa vào đế quốc để áp bức người dân. Đời sống của người nông dân, công nhân cực khổ nhất. Nông dân không có mảnh đất cắm dùi. Người công nhân cũng từ nông dân mà ra. Khi họ mất ruộng ra thành thị làm thuê kiếm miếng cơm, manh áo. Họ cũng bị giới chủ áp bức bóc lột.

Điều rất quan trọng thứ hai, đó là đường lối của Đảng được thể hiện qua thực tiễn của thời kỳ 1930-1931. Sự đúng đắn của đường lối là vấn đề đầu tiên quyết định tính chân chính cách mạng của một đảng lãnh đạo, nhưng đường lối có đi vào cuộc sống không, đi vào cuộc sống thế nào, trải qua thực tiễn thế nào mới là điều có ý nghĩa quyết định, vì thực tiễn là thước đo chân lý.

Vận dụng tốt bài học Xô Viết –Nghệ Tĩnh, sự nghiệp đổi mới sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp - Ảnh 2.

PGS -TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (ảnh PV).

Trên thực tế, trong phong trào cách mạng 1930-1931, các chiến sĩ cộng sản đã lãnh đạo công nhân và nông dân xông pha giữa trận tuyến chống đế quốc, chống phong kiến, mang lại lợi ích cho người dân, chịu sự hy sinh, gian khổ.

Người dân thấy những cán bộ, đảng viên của Đảng đúng là những tấm gương, những con người không chỉ lý luận mà đi tiên phong, thực sự đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân. Họ không chỉ hy sinh về lợi ích vật chất mà hy sinh cả tính mạng để đấu tranh mang lại quyền lợi cho nhân dân.

Năm 1930, Đảng ra đời là để lãnh đạo toàn dân cả nước chống áp bức, bóc lột, lúc đó Đảng chưa có chủ trương giành chính quyền. Nhưng ở hai địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh, chính quyền của đế quốc, phong kiến một số nơi rệu rã, trong khi tinh thần cách mạng của nhân dân lên cao, dẫn tới nhân dân giành chính quyền và xây dựng chính quyền mô hình Xô Viết.

Nghệ Tĩnh là vùng đất có truyền thống yêu nước từ xa xưa. Được ánh sáng khoa học, cách mạng của Đảng soi sáng, truyền thống đó đã bùng lên mạnh mẽ. Chúng ta hãy hình dung đời sống một con người, đời sống của một giai cấp, đời sống của một tầng lớp hàng nghìn năm đen tối, khi có ánh sáng của Đảng rọi chiếu vào "đem lại ruộng đất cho nông dân, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân" thì người dân rất hồ hởi, tin theo.

Đảng ra đời đầu năm 1930 có chính cương vắn tắt, sách lược vắt tắt đúng đắn, nhưng chúng ta phải hình dung và đặt vào bối cảnh lúc đó, các tầng lớp nhân dân như nông dân, công nhân, trí thức chưa có điều kiện để đọc văn kiện của Đảng.

Khi Đảng phát động thành cao trào, người dân thấy những tấm gương cán bộ, đảng viên luôn luôn đứng về phía nhân dân, bảo vệ lợi ích cho người dân, chống đế quốc, chống phong kiến thực sự, bền gan, hy sinh thực sự, điều đó đã truyền cảm hứng, truyền niềm tin để nhân dân tin, theo.

Một vấn đề nữa, trong bối cảnh lúc đó, một số tổ chức chính trị khác lại dao động, có mặt này, mặt khác, chỉ có Đảng CSVN mới là một tổ chức bền gan vững chí, hy sinh, phấn đấu thật sự đấu tranh đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân. 

Bác Hồ sau này khi tổng kết đã có câu rất hay "người dân hay so sánh và so sánh đúng". Dân có nhiều tai, nhiều mắt, với 95% nông dân thì càng nhiều tai, nhiều mắt, cái gì cũng nghe, cũng thấy. Họ tinh tường, biết phân biệt thật giả, đúng sai. Thời kỳ Xô Viết –Nghệ Tĩnh, người dân đã so sánh Đảng CSVN với các tổ chức, đảng phái khác. Người dân thấy chỉ có Đảng CSVN thực sự bênh vực, thực sự bảo vệ quyền lợi cho họ. Về Đảng nói chung, có thể người dân chưa hình dung được cụ thể, nhưng thông những đảng viên của Đảng trên trận tuyến đấu tranh, họ thật sự gửi niềm tin vào Đảng.

Vận dụng tốt bài học Xô Viết –Nghệ Tĩnh, sự nghiệp đổi mới sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp - Ảnh 4.

Giai cấp công nông liên minh trong phong trào cách mạng 1930-1931 (ảnh tư liệu).

Bài học quý cho sự nghiệp đổi mới

Xô Viết –Nghệ Tĩnh là phong trào của nhân dân nói chung, lực lượng chủ yếu là công nhân và nông dân ở trên địa bàn cụ thể. Việc giành chính quyền lúc đó chưa phải là chủ trương của Đảng và rõ ràng chưa mang lại kết quả vì chưa đúng thời cơ, chưa đủ điều kiện, tuy thất bại nhưng đã để lại nhiều bài học quý giá không chỉ cho thời kỳ 1936-1939, 1939-1945, cho Cách mạng Tháng Tám mà soi sáng đến ngày nay.

Thứ nhất, đã nói là Đảng Cộng sản, Đảng chân chính cách mạng thì phải luôn giữ cho được quyền lãnh đạo, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Sự lãnh đạo không chỉ là nghị quyết, đường lối, chủ trương mà thông qua bằng con người cụ thể.

Ở thời kỳ 1930-1931 dù gian khổ như vậy, hy sinh như vậy, bị khủng bố đẫm máu như vậy, nhưng Đảng vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo. Lúc đó có nhiều đảng phái nhưng không có đảng nào đứng ra làm được như vậy ngoài Đảng CSVN.

Còn hiện nay tình hình khác, hoàn cảnh cũng khác nhưng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đang phải đối mặt với cuộc chiến đấu khổng lồ. Khổng lồ là bên trong có giặc nội xâm (tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tha hóa, biến chất…), đối với bên ngoài thì như Văn kiện của Đảng hoặc bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Trong điều kiện đó Đảng phải luôn luôn khẳng định được quyền và năng lực lãnh đạo, nói cách khác Đảng phải giữ cho được vị trí lãnh đạo, không được đa nguyên, đa đảng.

Bài học thứ hai, quần chúng nhân dân là sức mạnh vô địch. Năng lực cách mạng, sự dũng cảm hy sinh của nhân dân, người dân đấu tranh cách mạng, hy sinh, đổ máu, nhưng họ tin Đảng, sẵn sàng hy sinh tất cả, luôn luôn đi theo Đảng, trung thành với Đảng.

Bác Hồ tổng kết, dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ khi Đảng ra đời, nhân dân ta một lòng và luôn luôn theo Đảng, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng. Xô Viết –Nghệ Tĩnh đã khẳng định như vậy. Từ đó chúng ta rút ra bài học có dân là có tất cả, có được niềm tin của dân vào Đảng thì dù có thể khó khăn, gian khổ, hy sinh đến mấy, cách mạng sẽ giành thắng lợi. Có dân là có tất cả

Bài học thứ ba là tấm gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người giữ trọng trách quan trọng. Thời kỳ Xôviết Nghệ Tĩnh, như đã phân tích, cùng với một đường lối đúng là những đảng viên cộng sản hy sinh thật sự vì dân. Thời kỳ 1930-1931, số lượng đảng viên chưa nhiều, nhưng quan trọng là chất lượng. Bác Hồ nói số lượng cũng cần, nhưng cần hơn là cái chất của người đảng viên. Chất lượng là gì? Là đạo đức cách mạng chí công vô tư, tất cả vì dân vì nước, đặt lợi ích của dân của nước lên trên hết, trước hết, sẵn sàng chịu hy sinh, gian khổ.

Hiện nay Đảng đã có quy định về trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy ban Ban Chấp hành Trung ương. Với độ 200 tấm gương sáng ngời đó sẽ có sức lan tỏa và truyền cảm hứng vô cùng lớn.

Bài học thứ tư là vấn đề tổ chức mặt trận. Thời kỳ 1930-1931, Đảng ta chưa có ý thức về mặt trận, nhưng qua thực tiễn đấu tranh mặt trận đã hình thành một cách tự nhiên. Thông qua đường lối, cương lĩnh, hành động cụ thể, lãnh đạo cụ thể, con người cụ thể, nhân dân tập hợp lại, nòng cốt là công nông liên minh.

Phát hiện được vai trò nhân dân thì phải quy tụ họ trong một mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt trận đó phải quan tâm đến những vấn đề lợi ích của dân nói chung, của từng cá nhân nói riêng để có những hình thức tổ chức phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi, từng tầng lớp thì chúng ta sẽ có sức mạnh vô địch. Xô Viết –Nghệ Tĩnh tuy không thành công nhưng để lại ý nghĩa to lớn và bài học sáng ngời, vô giá làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và soi sáng cho sự nghiệp đổi mới hiện nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem