Văn hóa thanh toán tiền mặt cần thời gian để thay đổi

Quốc Hải Thứ hai, ngày 27/05/2019 15:40 PM (GMT+7)
Dù mục tiêu hướng tới “xã hội không dùng tiền mặt” được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ráo riết triển khai theo lộ trình mà Chính phủ giao và đã có những thành quả nhất định. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thích ứng với thói quen này, thậm chí có cả tâm lý bài xích…
Bình luận 0

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt của người dân là không dễ bởi đây đã là một nét văn hóa lâu đời với quan niệm cố hữu “trong túi phải có tiền mặt”. Do đó, không chỉ tuyên truyền mà các bộ ngành có liên quan phải có những chính sách, chương trình hỗ trợ hợp lý mới dần thay đổi được thói quen này của người dân.

Không dùng tiền mặt thì dùng cái gì?

Hàng loạt các cuộc hội thảo của NHNN thời gian gần đây liên quan đến chủ đề “Hướng đến một xã hội không tiền mặt”, thậm chí còn đề xuất lấy ngày 16/6 hàng năm là Ngày không tiền mặt của cả nước (Cashless Day) - một ngày tương tự như ngày Black Friday vẫn diễn ra hàng năm - Tuy nhiên, khảo sát của NTNN, một bộ phận không nhỏ người dân ngay tại TP lớn như TP.HCM vẫn rất “lạ lẫm” với thói quen không sử dụng tiền mặt.

img

Người tiêu dùng vẫn có thói quen thích sử dụng tiền mặt trong thanh toán hàng ngày… ảnh Quốc Hải

Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, chia sẻ: “Tôi bán rau củ gần 15 năm nay, giờ không sử dụng tiền mặt để thanh toán thì dùng cái gì? Nói thật, tôi cũng có biết người ta thanh toán bằng cái máy cà cà gì đó bằng thẻ nhưng có đầu tư cho không cái máy đó tôi cũng không dùng, mua bán vài đồng bạc thì cứ cầm tiền mặt cho chắc”. Cũng theo chị Thu, nếu Nhà nước khuyến khích dùng thì nên dùng ở các trung tâm thương mại lớn, các siêu thị, mua sắm những món đắt tiền như vàng bạc, hàng điện tử, điện thoại… chứ đừng nhắm vào vấn đề tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, nó không khả thi và sẽ khiến người dân hoang mang.

Tâm lý bài xích với thanh toán không dùng tiền mặt xuất hiện ở đa số các tiểu thương tại các khu chợ ở TP.HCM, kể cả các chợ đầu mối lớn. Chị Trần Thị Mai, tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức    “mắt tròn mắt dẹt”: “Người ta giao hàng từ 1, 2 giờ sáng thì ai rảnh mà cà cà, tiền mặt là trên hết…”.

Ở hầu hết các quán ăn, cửa hàng tạp hóa… kinh doanh hộ gia đình, khi hỏi đến việc có nghe gì về thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều chủ hộ kinh doanh cho biết, không nắm gì và cũng không thích hình thức thanh toán này. Anh Lê Minh Vương, chủ quán cà phê Hương Xưa trên đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp), chia sẻ: “Chẳng biết vài năm nữa thế nào chứ bây giờ chẳng ai thích cách thanh toán như vậy cả, chỉ hơn chục nghìn đồng/ly cà phê mà cà cà rồi ký tên, kiểm tra số dư phiền phức. Tôi nghĩ nên áp dụng ở những trung tâm thương mại, siêu thị lớn thì phù hợp hơn”.

Gốc vấn đề ở đâu?

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử (Vecom), nhận định, cái gốc của việc người tiêu dùng vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm là vì hiện nay nhận thức và hành động cụ thể của các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đối với thanh toán trực tuyến vẫn chưa được công bằng. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ hiện nay chưa có sự phân biệt giữa khách hàng trả tiền trước (thanh toán trực tuyến) và khách hàng trả tiền sau (giao hàng - thanh toán bằng tiền mặt) nên chưa có những chính sách bán hàng hợp lý và công bằng với khách hàng. Trong khi đó, đáng ra người mua trả tiền trước phải được hưởng mức giá rẻ hơn 10-15% thậm chí 30% so với người mua trả tiền sau.

img

Người tiêu dùng chọn hàng trong siêu thị. ảnh Quốc Hải

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định, thực tế hiện nay, so với thanh toán tiền mặt truyền thống thì với sự đa dạng của công nghệ thanh toán, lợi ích của các hình thức thanh toán trực tuyến như thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code), thanh toán qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless Payment)… đã vượt trội hơn hẳn. Chúng tôi cho rằng, đến nay các nền tảng về công nghệ, về pháp lý đối với thanh toán phi tiền mặt đã khá sẵn sàng và đang tiếp tục được hoàn thiện. Vì vậy, hiệu quả của việc khuyến khích thanh toán trực tuyến phụ thuộc chủ yếu vào sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp, các trung gian thanh toán và người tiêu dùng.“Hiện nay, các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ cũng tính toán quá chi ly đối với các mức phí phải trả cho các trung gian thanh toán.

Vì thế, nhiều nhà cung cấp hạn chế sử dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến và không có những khuyến mại hỗ trợ đáng kể cho khách mua hàng thanh toán online. Trong khi đó, ở phía người dùng do tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ vẫn chưa hoàn toàn được củng cố vì vậy vẫn chưa cởi mở với các hình thức thanh toán trả trước không dùng tiền mặt. Nếu ‘gỡ’ được những vấn đề này thì việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dễ dàng hơn”, ông Dũng nói.

Luật sư - TS  Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, thì khẳng định: Thanh toán không dùng tiền mặt đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai theo đúng lộ trình của Chính phủ giao, điều này được thể hiện qua cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan; thứ 2 là thể hiện ở sự đồng lòng của cả hệ thống các tổ chức tín dụng khi các ngân hàng hiện nay đang bắt đầu tư vấn, truyền thông cho doanh nghiệp (DN), người dân để nắm bắt các quy trình thanh toán không dùng tiền mặt; rồi các phí hiện nay giữa các ngân hàng cũng đang rất cạnh tranh nhau…

“Tất nhiên, lộ trình thực hiện rộng rãi thì cũng phải có thời gian. Dù NHNN và các ngân hàng đều quyết tâm nhưng đòi hỏi phải có thay đổi ở thói quen của người dân, ở văn hóa quen dùng tiền mặt đòi hỏi phải có thời gian mới chuyển đổi được. Nên nhớ, thói quen dùng tiền mặt là yếu tố văn hóa, người dân đã quen với thói quen trong túi phải có tiền mặt hơn là có thẻ. Ngoài ra người dân vẫn lo ngại về tính bảo mật, an toàn. Đó là mối quan hệ từ xưa đến nay khi đã có nhiều vụ người dân bị mất số dư tiền gửi trong thẻ, trong tài khoản nên người ta vẫn sợ là bình thường”, ông Tín nói.

Cũng theo ông Tín, không chỉ cần thời gian để người dân “thích nghi” dần với thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại hiện nay cũng rất cần thời gian để nâng cấp công nghệ bảo mật tốt hơn, thay đổi về quản trị, vận hành, các tiện ích, sản phẩm dịch vụ… mới đáp ứng được yêu cầu của một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo thống kê của NHNN, những năm vừa qua hoạt động thanh toán qua các ứng dụng di động đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Giá trị thanh toán qua di động trong năm 2018 đã tăng ở mức 169,5% so với năm 2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem