Vấn nạn xe công- đúng ra là ăn cắp, tham nhũng

Nguyễn Quang A Thứ tư, ngày 23/12/2015 06:30 AM (GMT+7)
Việc đi lại của các quan chức đến cơ quan, họ phải tự lo như tuyệt đại đa số công chức khác!
Bình luận 0

Dư luận rộ lên về chuyện các quan chức Sóc Trăng sử dụng xe công đi ăn giỗ. Chuyện lạm dụng xe công nói riêng, và tài sản công nói chung, là căn bệnh trầm kha của nền hành chính Việt Nam nhưng không khó giải quyết.

Người dân bức xúc về chuyện các quan dùng xe công đi ăn cưới, giỗ, thôi nôi, xin ấn… đầy rẫy trên báo và là chuyện khá phổ biến từ lâu. Thậm chí, có những cán bộ của một bệnh viện công còn dùng xe cứu thương để đi ăn cưới!

Phải nói ngay những việc như thế, nói nhẹ là lạm dụng tài sản công cho việc tư, đúng ra là ăn cắp, tham nhũng. Dân ít lên tiếng, các quan cứ nghĩ là quyền đương nhiên của họ chứ không nghĩ mình đang ăn cắp. Đấy là nếp nghĩ có nguồn gốc từ xưa theo kiểu: “một người làm quan cả họ được nhờ,” làm quan có kẻ hầu người hạ nên việc họ sử dụng tài sản công như vậy là chuyện tự nhiên.

imgĐoàn xe công nườm nượp đi ăn giỗ ở Sóc Trăng.  Ảnh: Tuổi trẻ

Theo Cục quản lý công sản Bộ Tài chính, bộ máy nhà nước hiện duy trì khoảng 40 ngàn xe công (chưa kể lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước) và mỗi năm cần khoảng 320 triệu/năm/xe cho việc vận hành, bảo trì chúng, tức là khoảng 13 ngàn tỷ cho hoạt động của số xe đó. Dân phải đóng thuế để chi cho khoản này nhưng ít ai xót của vì cứ tưởng đó là tiền chùa, tiền nhà nước chứ không phải tiền mình.

Theo tôi có thể giảm số xe công xuống ít nhất 10 lần mà vẫn đảm bảo việc đi lại của những người có tiêu chuẩn. Hiện tại bất cứ ông thứ trưởng hay tương đương nào đều có xe riêng phục vụ, thậm chí cả các giám đốc sở ban ngành. Nếu cắt tiêu chuẩn và chỉ các ông bà từ bộ trưởng, chủ tịch tỉnh trở lên mới được quyền có xe công phục vụ, thì số xe công có thể chỉ còn mấy trăm chiếc (giảm ba bốn chục lần). Dùng một nửa số tiền dôi ra (cỡ 6-7 ngàn tỷ đồng) để tăng lương cho các vị ấy và chi trả việc đi lại vì việc công của họ có lẽ hay hơn nhiều.

Việc đi lại của các quan chức đến cơ quan, họ phải tự lo như tuyệt đại đa số công chức khác! Còn đi làm việc công thì có thể được thanh toán. Người ta không làm vậy mà lại tìm cách siết kỷ luật, hô hào các quan tự giác, sửa quy định về chế độ xe công, vân vân. Kết quả chẳng thấy đâu nên nhiều người nghĩ chắc phải bó tay.

Có rất nhiều cách ngăn chặn sự lạm dụng, ăn cắp tài sản công này. Việc thu hẹp diện người được sử dụng xe công như nêu ở trên là việc đầu tiên.

Tại sao các cơ quan nhà nước không sử dụng dịch vụ của các hãng vận tải tư nhân sẵn có? Vừa khỏi phải quản lý xe, lái xe mà chắc chắn rẻ hơn nhiều. Có thể đấu thầu công khai cho các hãng vận tải tư nhân hàng năm và phát cho mỗi quan đủ tiêu chuẩn 1 tập vé theo định mức và bắt hãng trúng thầu phải gửi báo cáo điện tử từng chuyến từ đâu đến đâu, giá bao nhiêu (việc này quá dễ) và cơ quan biết rõ ai sử dụng bao nhiêu, vì sao để điều chỉnh. Làm việc công thì phải có trách nhiệm giải trình với dân và thông tin đó phải là công khai. Thí dụ, chỉ làm vậy tôi chắc có thể giảm chí ít hơn một nửa chi phí mà bộ máy vẫn hoạt động tốt.

Năm 1992 khi tôi đi theo GS. Nguyễn Mại- người thực sự đứng đầu Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư khi đó, thăm Nhật, GS. Mại là quốc khách của họ nhưng đi đâu cũng bằng taxi và nhân viên tháp tùng phải lấy đầy đủ hóa đơn chứng từ về mới được thanh toán. Đấy là với khách cấp bộ trưởng nước ngoài. Còn các quan chức thì sao? Trừ rất ít ra, ai cũng phải tự lo phương tiện đi lại, nếu làm việc công theo quy định thì lấy taxi về thanh toán.

Trên đây chỉ là vài gợi ý, việc xóa vấn nạn xe công đâu có khó. Vấn đề là người ta có muốn làm và dân có ép họ làm hay không mà thôi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem