Những điểm, nút giao thông quan trọng trên Vành đai 3

Linh San Thứ năm, ngày 02/06/2022 17:28 PM (GMT+7)
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ được xây dựng 6 nút giao liên thông và 4 chỗ ra vào đường cao tốc nhằm khai thác an toàn, phát huy hiệu quả kết nối giao thông.
Bình luận 0

Mới đây, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã thông tin thêm về dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Theo đó, dự án sẽ được xây dựng 6 nút giao liên thông và 4 chỗ ra vào đường cao tốc. Được biết, 6 nút giao thông gồm: nút giao với đường Bến Lức - Long Thành; nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; nút giao Tân Vạn; nút giao Bình Chuẩn; nút giao Tỉnh lộ 10; nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ngoài ra, 4 chỗ ra - vào đường cao tốc gồm: Tỉnh lộ 25C, Quốc lộ 13, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Quốc lộ 22.

Theo Ban Giao thông, phạm vi nút giao và chỗ ra, vào đường cao tốc được thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh. Đối với các tuyến đường ngang sẽ tổ chức giao thông khác mức bằng giải pháp xây dựng hầm chui hoặc cầu vượt trực thông.

Vành đai 3 TP.HCM sẽ có 4 điểm ra vào cao tốc và 6 nút giao - Ảnh 1.

Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ được xây dựng nhiều chỗ ra vào đường cao tốc. Ảnh: L.S

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, nhu cầu giao thông, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ, sẽ nghiên cứu bố trí các nút giao, chỗ ra, vào đường cao tốc cho phù hợp để phát huy hiệu quả đầu tư.

Theo đó, tiến độ thực hiện các nút giao liên thông hiện như sau: Nút giao giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai): Giai đoạn 1 sẽ xây dựng cầu chính trên vành đai 3 vượt cao tốc Bến Lức - Long Thành với quy mô 4 làn xe; 2 nhánh hoa thị kết nối từ cầu vượt vành đai 3 vào cao tốc Bến Lức - Long Thành (theo hướng về khu công nghiệp Ông Kèo). Nút giao này thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) một lần theo phạm vi, quy mô hoàn chỉnh.

Nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: giai đoạn 1 sẽ đầu tư thêm một Trumpet để hoàn thiện nút giao. Quy mô sẽ xây dựng cầu vượt ngang vành đai 3 và 4 nhánh rẽ. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã thực hiện trong dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Nút giao với Quốc lộ 1 (nút giao Tân Vạn), tỉnh Bình Dương: Đây là vị trí kết nối giữa Quốc lộ 1 hiện hữu (đang khai thác với quy mô 8 làn xe) với đường Vành đai 3. Đây là tuyến chính đô thị quan trọng kết nối giữa TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Đồng thời, kết nối với khu công nghệ cao giai đoạn 1 và giai đoạn 2 TP.HCM. Bên cạnh đó sẽ kết nối với cụm cảng phía Đông TP tại Khu vực Long Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các cảng Đồng Nai, cảng Bình Dương hiện hữu đang khai thác và các khu công nghiệp hiện hữu.

Giai đoạn 1 của nút giao này sẽ đầu tư nút giao liên thông hoàn chỉnh gồm: Cầu vượt theo hướng đường vành đai 3; Nhánh rẽ trái từ vành đai 3 vào Xa lộ Hà Nội; Nhánh rẽ trái từ Bình Chuẩn đi cầu Đồng Nai và 8 nhánh rẽ kết nối. Dự án này cũng sẽ tiến hành GPMB một lần theo phạm vi, quy mô nút giao hoàn chỉnh.

Vành đai 3 TP.HCM sẽ có 4 điểm ra vào cao tốc và 6 nút giao - Ảnh 3.

Các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ làm đường vành đai 3. Ảnh: L.S

Nút giao Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương: Đây là vị trí kết nối giữa vành đai 3 và trục chính đô thị Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương), kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Nút giao này cũng kết nối với các khu công nghiệp chính của tỉnh Bình Dương như VSIP 1, 2, 3; Mỹ Phước 1, 2, 3; Đại Đăng và Sóng Thần.

Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 2 nhánh cầu vượt rẽ trái phù hợp với giai đoạn hoàn chỉnh kết nối vành đai 3 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn; xây dựng 2 nhánh rẽ kết nối.

Nút giao Tỉnh lộ 10, TP.HCM: Đây là tuyến chính đô thị kết nối vùng từ TP.HCM, tỉnh Long An, kết nối vào các khu đô thị, khu công nghiệp Đức Hòa, Đức Huệ thuộc tỉnh Long An; khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc thuộc TP.HCM.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng hoàn chỉnh theo dạng thức Trumpet gồm: Cầu vượt trực thông trên đường vành đai 3 qua Tỉnh lộ 10; xây dựng các nhánh kết nối từ vành đai 3 vào Tỉnh lộ 10, trong đó bao gồm 1 cầu vượt trên nhánh kết nối vượt qua tuyến vành đai 3;

Nút giao với TP.HCM - Trung Lương, tỉnh Long An: Giai đoạn 1 sẽ đầu tư thêm một Trumpet để hoàn thiện nút giao (do dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã xây dựng một Trumpet). Quy mô gồm xây dựng cầu vượt ngang vành đai 3 và 3 nhánh rẽ. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã thực hiện trong dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM là 41.589 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM 25.610 tỷ đồng, Bình Dương 13.528 tỷ đồng, Đồng Nai 1.284 tỷ đồng, Long An 1.168 tỷ đồng.

Thời gian qua, 4 địa phương có dự án đi qua đang gấp rút chuẩn bị trước công tác triển khai ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương. Ở khâu giải phóng mặt bằng, các địa phương đã thống kê khảo sát, chuẩn bị tái định cư, nhân lực, bộ máy...

Theo Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông thành phố, tại TP.HCM, sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được lập trên cơ sở khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến và các đơn giá đất, tài sản trên đất, mức hỗ trợ áp dụng tại thời điểm 2022. Kinh phí này đã tính bao gồm cả dự phòng phí 10% và kinh phí dự kiến để xây dựng hạ tầng khu tái định cư...

Ở các bước tiếp theo, TP.HCM sẽ thực hiện công tác đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án theo đúng quy định. Việc này đảm bảo sẽ tính đúng, tính đủ và đã tính đến các chính sách về đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, đảm bảo cho người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem