VDSC: Tác động của khủng hoảng dịch Covid-19 tại Ấn Độ đối với Việt Nam là không đáng kể

Quang Dân Chủ nhật, ngày 09/05/2021 16:36 PM (GMT+7)
Xem xét một số tác động lan tỏa đến từ đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ, VDSC cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng lần này đối với các hoạt động thương mại tại Việt Nam là không đáng kể.
Bình luận 0

Theo nhận định mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, Ấn Độ hiện đang trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19 trên thế giới với tổng số hơn 300.000 ca nhiễm mới và 3.000 người chết mỗi ngày.

Do cường độ của đợt bùng phát coronavirus thứ hai ở Ấn Độ ngày càng trở nên tàn khốc, VDSC cho rằng nên xem xét một số tác động lan tỏa đến từ cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ hiện nay đối với Việt Nam.

Đầu tiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 chắc chắn là một bước lùi đối với triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ. Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ với Việt Nam ước tính đạt khoảng 9,6 tỷ USD, chỉ chiếm 1,7% tổng giá trị hoạt động thương mại của Việt Nam.

Do đó, VDSC tin rằng tác động của cuộc khủng hoảng của Ấn Độ lần này đối với các hoạt động thương mại tại Việt Nam là không đáng kể.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, các sản phẩm thép hiện đang là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Ấn Độ và các sản phẩm điện tử là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ấn.

VDSC: Tác động của khủng hoảng dịch Covid-19 tại Ấn Độ đối với Việt Nam là không đáng kể - Ảnh 1.

Tác động của khủng hoảng dịch Covid-19 tại Ấn Độ đối với Việt Nam là không đáng kể

Căn cứ vào tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trọng yếu sang Ấn Độ trong tổng kim ngạch xuất khẩu, có thể thấy rằng xuất khẩu thức ăn chăn nuôi, hóa chất và kim loại là những mặt hàng dễ bị tổn thương do tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của từng mặt hàng là tương đối cao.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu những mặt hàng như thuốc trừ sâu, bông và sợi, phụ tùng ô tô từ Ấn Độ có thể phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đợt khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ lần này.

Thứ hai, VDSC cho rằng, việc sản xuất vắc xin của Ấn Độ là một phần quan trọng của chương trình COVAX, chương trình toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho các quốc gia thu nhập trung bình và thấp.

Hiện nay, Viện Huyết thanh của Ấn Độ được cấp quyền sản xuất vắc xin AstraZeneca cho COVAX. Nếu tổ chức này không thể đáp ứng đủ nguồn cung vắc xin, tiến độ của chiến lược tiêm chủng của Việt Nam có nguy cơ bị trì hoãn thêm.

Cuối cùng, Ấn Độ hiện đang là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba trên thế giới, việc giảm nhu cầu từ Ấn Độ có thể sẽ giúp kiềm hãm đà tăng giá dầu trong năm 2021.

Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức 67 USD/thùng, thấp hơn ngưỡng 70 USD/thùng, điều này ngược lại với hai tác động đầu tiên, có thể được coi là yếu tố tích cực giúp kiểm soát lạm phát của Việt Nam dưới mức 4,0% vào năm 2021.

"Hiện tại chúng tôi duy trì mức lạm phát kỳ vọng cho cả năm 2021 ở mức 3,5% mặc dù quan ngại lạm phát do chi phí đẩy đang gia tăng." VDSC cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem