Vị giáo sư gần 80 tuổi nửa đời “sống chung” với vi sinh vật

Minh Khánh Thứ tư, ngày 20/11/2019 15:03 PM (GMT+7)
Ở tuổi gần tám mươi, GS.TS Phạm Văn Ty vẫn miệt mài nghiên cứu, chế tạo, hoàn thiện những chế phẩm sinh học hữu ích phục vụ nông nghiệp hữu cơ và xử lý môi trường.
Bình luận 0

Nỗi trăn trở của vị tiến sĩ già

Trăn trở trước nạn thực phẩm bẩn cùng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, từ năm 1990, khi còn giảng dạy tại Khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên), GS.TS Phạm Văn Ty đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, chế tạo nhiều chế phẩm sinh học hữu ích, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và xử lý môi trường.

Dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm do thiếu vốn và nhân lực, nhưng với quyết tâm góp phần cải tạo đất nông nghiệp, vực dậy niềm tin của người dân và toàn xã hội về tương lai của nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, GS.TS Phạm Văn Ty đã cùng các đồng chế tạo ra nhiều loại chế phẩm sinh học như Emuniv, Emuniv.TS1, Emuniv.TS2, Emas,…

img

GS.TS Phạm Văn Ty trong một lần thăm Nông trường bò sữa Mộc Châu (Sơn La).

Trong đó, Emuniv được bà con nông dân khắp nơi đánh giá cao bởi tác dụng xử lý chất thải, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, xử lý và khử mùi rác thải, chuồng trại chăn nuôi. 

Ở tuổi gần tám mươi, chân tay vị giáo sư “sống chung” với vi sinh vật không còn thanh thoát nhưng ánh mắt ông vẫn đầy vẻ rạng ngời khi nói về nông nghiệp hữu cơ: “Emuniv bao gồm nhiều vi sinh vật có khả năng sinh enzym có thể phân giải chất hữu cơ, có khả năng cạnh tranh cạnh tranh sinh trưởng với các vi sinh vật có hại khác, sinh chất kháng sinh tự nhiên chống nấm bệnh, cung cấp nguồn cacbon cho các vi sinh vật và phân giải các chất vô cơ khó tan. Emuniv phân hủy rất tốt các chất hữu cơ như rơm rạ, cây ngô, cây đậu, bã mía, vỏ cà phê… để tạo ra mùn làm phân hữu cơ”.

Ông Ty cho rằng, nước ta có khoảng 10 triệu ha đất canh tác. Lượng phế thải nhiều vô kể. Đó là nguồn tài nguyên vô cùng giá trị để tạo ra phân hữu cơ.

“Tôi đi một số nơi thấy họ nhập khẩu phân gà từ Nhật, ép mang về để chế tạo phân hữu cơ, bón cho cây. Tại sao phải phí phạm tiền của như vậy trong khi mỗi năm chúng ta có khoảng 80 triệu tấn phân gà, phân chuồng thải ra, đó là nguồn dinh dưỡng cực kỳ tốt cho cây trồng

Chỉ cần 200gr chế phẩm Emuniv có thể ủ 1 tấn phân chuồng, phân gia súc, gia cầm hay các loại rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp hoai mục rất nhanh, không còn mùi hôi thối trong quá trình ủ, gần như giữ lại nguyên vẹn các chất dinh dưỡng có trong nguyên liệu, tạo thành phân hữu cơ bón cây rất tốt. Quy trình sử dụng đơn giản, thậm chí bà con nông dân không biết chữ cũng làm được.

“Phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, dễ canh tác, cây phát triển mạnh, giữ ẩm, hệ vi sinh vật hữu ích cùng động vật đất như giun, cuốn chiếu phát triển giúp làm đất tơi xốp. Nông sản cho năng suất cao, chất lượng. Làm nông nghiệp hữu cơ cũng như chính cách làm nông sơ khai nhất của người Việt: không dùng bất cứ loại phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ nào. Nếu làm tốt thì đây sẽ là cuộc cách mạng”, thầy Ty nói.

Không chỉ dùng để làm phân hữu cơ, bón cho cây, chế phẩm Emuniv còn có tác dụng khử mùi hôi, xử lý môi trường rất tốt.

3 năm nay, Nông trường bò sữa Mộc Châu sử dụng chế phẩm sinh học Emuniv để xử lý môi trường. Nhờ cách làm này mà môi trường tại trang trại luôn sạch sẽ, đàn bò luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật, phát triển tốt. 600 trại bò ở đây đã trở thành “trang trại không chất thải”.

“Trung bình mỗi con bò sữa trưởng thành mỗi ngày thải 25-30 kg phân, 30-35 lít nước tiểu và một lượng đáng kể nước rửa chuồng trại. Với quy mô đàn bò của Nông trường như hiện nay, mỗi ngày có đến cả ngàn tấn chất thải thải ra môi trường. Do đó, nếu không có biện pháp khử mùi, xử lý môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước và bầu không khí…”, thầy Ty chia sẻ.

Hiện nay, toàn bộ chất thải rắn ở Nông trường bò sữa Mộc Châu được gom lại vào một bể ủ để làm phân bón. Còn nước thải như nước tiểu, nước rửa chuồng… cho vào bể lắng để xử lý bằng chế phẩm sinh học để khử mùi, phân giải ô nhiễm, chuyển hóa dinh dưỡng để làm phân bón tưới cho đồng cỏ, nương ngô – thức ăn chủ yếu cho đàn bò sữa. Năng suất cỏ tăng 20-30% lại sạch, an toàn, sản lượng sữa cũng được nâng lên.

img

GS.TS Phạm Văn Ty và chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cùng trao đổi về quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa bằng chế phẩm vi sinh.

Làm nông nghiệp hữu cơ không khó

Theo thống kê của Tổ chức Nông nghiệp Thế giới FAO, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 700 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, có tới 50% số thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc có xuất xứ không rõ ràng.

Chỉ trong 30 năm, từ năm 1985 đến nay, số lượng hóa chất nông nghiệp sử dụng của nước ta đã tăng 10 lần. 80% số trường hợp sử dụng chất bảo vệ thực vật sai cách.

GS.TS Phạm Văn Ty khẳng định, với thực trạng và điều kiện của Việt Nam hiện nay, nông nghiệp sinh học chính là xu hướng tối ưu cho nền nông nghiệp nước ta. Để làm được điều này, cần có sự mạnh dạn của những người nông dân, sự tham gia của thế hệ trẻ và nhất là những chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Để nông dân làm nông nghiệp hữu cơ không khó, nhưng phải có định hướng, dẫn dắt của các kỹ sư, nhà khoa học.

“Ví dụ ở Chương Mỹ, Hà Nội, nông dân đang làm bưởi hữu cơ, thì Sở NN&PTNT phải đứng ra làm hội thảo. Rất nhiều nhà khoa học tâm đắc đến tận nơi hướng dẫn, nhận ký hợp đồng thì mới làm được. Chứ tự người nông dân mày mò đến lúc vấp phải khó khăn họ không vượt qua được.

Hay ở Chương Mỹ có HTX trồng lúa hữu cơ, một doanh nghiệp bỏ tiền ra bao thầu ký hợp đồng với nông dân. Lúc đầu nông dân họ rất sợ, không dám ký, nhưng khi doanh nghiệp cam kết đầu tư toàn bộ, lãi nông dân hưởng, còn lỗ doanh nghiệp chịu, thì nông dân phấn khởi lắm. Trồng lúa hữu cơ cho năng suất tốt, giá bán cao. Loại thường chỉ 50.000 đồng/kg còn loại cao cấp có giá tới 90.000 đồng/kg. Gạo hữu cơ thường được xuất khẩu sang Nhật, Mỹ và các nước này sẵn sàng thu mua nếu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và có giấy chứng nhận của các tổ chức quốc tế gồm hàng trăm chỉ tiêu…”, ông Ty nói.

Đến nay, các kết quả nghiên cứu vi sinh vật của GS.TS Phạm Văn Ty đã và đang được các doanh nghiệp và Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ Học viện Nông nghiệp Việt Nam ứng dụng thành công trong các mô hình sản xuất hữu cơ ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam cho các loại cây trồng chủ lực: Rau, lúa, cây ăn quả và cây công nghiệp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem