Vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Lương Kết - Nguyễn Quỳnh (thực hiện) Thứ hai, ngày 01/05/2023 14:12 PM (GMT+7)
"Sức mạnh nội sinh chính là nền tảng văn hóa của chúng ta. Văn hóa ở đây là văn hóa con người, văn hóa trong ứng xử, tư duy xây dựng đời sống cộng đồng, văn hóa trong đối nội, đối ngoại" - TS Nguyễn Viết Chức nói khi trao đổi với PV NTNN/Dân Việt.
Bình luận 0

LỜI TÒA SOẠN: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu chiến lược dài hạn: "Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng khẳng định: "Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu…". Kỷ niệm 48 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 / 30/4/2023) cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại nỗ lực và hành trình hiện thực hóa khát vọng ấy.

"Sức mạnh nội sinh chính là nền tảng văn hóa của chúng ta. Văn hóa ở đây là văn hóa con người, văn hóa trong ứng xử, tư duy xây dựng đời sống cộng đồng, văn hóa trong đối nội, đối ngoại" - TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nói trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo NTNN.

Sức mạnh nội sinh là nền tảng văn hóa của dân tộc

Lịch sử của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương cho tới ngày nay, lý tưởng về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường luôn chảy trong huyết quản của mỗi người Việt Nam, đó là văn hóa và động lực để phát triển. Ông nghĩ sao về hành trình và nỗ lực thực hiện khát vọng ấy?

- Ngay từ khi dựng nước, từ thời Vua Hùng thì nhân dân ta đã rất mong muốn có khát vọng về sự phát triển. Thậm chí qua những câu truyện huyền thoại như Sơn Tinh – Thủy Tinh và những câu chuyện khác, chúng ta hiểu được rằng ông cha ta luôn luôn có văn hóa dựng nước và giữ nước. Bác Hồ đã nói: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

gop/Vì một Việt Nam  hùng cường,  thịnh vượng - Ảnh 1.

Việt Nam đang có sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, khẳng định sức mạnh nội sinh và tinh thần tự cường, khát vọng thịnh vượng. Ảnh: V.N.N

gop/Vì một Việt Nam  hùng cường,  thịnh vượng - Ảnh 2.

"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì vấn đề tự lực, tự cường cũng là bản chất, thế mạnh của dân tộc Việt Nam, không thể ỷ lại vào bất kỳ ai dù vai trò từ sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế là vô cùng to lớn”. TS Nguyễn Viết Chức

Từ thời đại phong kiến, chúng ta trải qua 3 triều đại rất nổi tiếng, phát triển rực rỡ đó là Lý, Trần, Lê. Tinh thần đoàn kết, kiên cường, tự lực tự cường và luôn luôn yêu chuộng hòa bình nhưng đồng thời cũng sẵn sàng hy sinh để giữ gìn đất nước, bảo vệ nền tự chủ của dân tộc, đó là nét văn hoá độc đáo của dân tộc, văn hoá yêu chuộng hòa bình và khát vọng phát triển.

Đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ, trên chặng đường phát triển mới này, theo ông những dấu ấn nào thể hiện khát vọng lớn của dân tộc?

- Có thể nói từ trường kỳ kháng chiến đến thống nhất non sông ngày 30/4/1975, vấn đề quan trọng không phải là thắng ai mà như Bác Hồ đã nói, mục tiêu quan trọng là thống nhất non sông. Gần nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, gian khổ. Sau ngày 30/4/1975, đất nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, các thế lực thù địch hoạt động chống phá rất nhiều, các nước láng giềng và các nước xung quanh không phải lúc nào cũng hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân tộc ta. Tuy nhiên cả dân tộc đã vượt qua để có thành quả như ngày hôm nay, đó là dấu ấn thứ nhất.

Thứ hai, vượt qua cái đói nghèo, vượt qua tư duy cổ hủ, lạc hậu, đó cũng là dấu ấn sâu sắc về khát vọng vươn lên của dân tộc ta. An ninh được được đảm bảo, giữ được độc lập tự do toàn vẹn non sông đã là khó khăn nhưng vượt qua tư duy lạc hậu, đói nghèo, lối mòn cũ cũng là khó khăn rất lớn. Mãi đến năm 1986 chúng ta mới bắt đầu đổi mới được, đó là cuộc cách mạng trong tư duy, cuộc cách mạng trong xây dựng đất nước. Sự vượt qua gian khó đó chính là dấu ấn rất lớn về sự vươn lên, hơn 30 năm đổi mới đã làm "thay da đổi thịt", từ đất nước đói nghèo, chậm phát triển bây giờ chúng ta đang hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng. Chúng ta đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển rất cao trên thế giới.

Gần đây nhất, đại dịch Covid-19 là thách thức vô cùng lớn, một sự đổi thay lớn lao với toàn thế giới - trong đó có Việt Nam, và chúng ta cũng đã vượt qua, đó là một dấu ấn vô cùng quan trọng. Có thể nói chúng ta là một trong những nước chống dịch thành công và khôi phục kinh tế thành công. Trong suốt quá trình ấy tạo đã nên động lực mới, khát vọng lớn vượt lên khó khăn, phấn đấu đạt được những mục tiêu quan trọng như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", nhận định đó của Tổng Bí thư là thành quả của tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên?

- Phải hiểu "cơ đồ" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là bức tranh tổng thể chứ không chỉ là chuyện kinh tế, kinh tế chỉ là một phần. Cơ đồ có được mà tôi cho rằng lớn nhất, chưa bao giờ có được đó là vị thế của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã trở thành đối tác đáng tin cậy của hầu như tất cả các nước trên thế giới. Chúng ta thiết lập quan hệ chiến lược, toàn diện với các nước lớn trong khối G7, các nước trong Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; chúng ta có được niềm tin, sự ủng hộ của quốc tế. Tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng trong khối ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.

Cơ đồ ở đây không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, đó là niềm tin và sự ủng hộ của người dân, là sự ủng hộ của quốc tế với sự phát triển đúng đắn của Việt Nam, cơ đồ lớn đấy chính là thuận lợi chưa bao giờ có. Rõ ràng từ Bắc chí Nam gần nửa thế kỷ qua kề vai sát cánh, đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước, vượt qua đói nghèo, vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách để có được những thành quả quan trọng.

Chủ động vượt qua thách thức

Một mục tiêu được Đại hội XIII của Đảng nêu ra là đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển và có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nhìn lại 2 năm vừa qua, nhất là khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu nay, ông thấy sao?

- Tôi cho rằng những mục tiêu trong 5 năm mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra là sát với thực tế. Dĩ nhiên, cuộc sống chẳng bao giờ là con đường bằng phẳng, Đảng vừa ra nghị quyết thì lập tức cả thế giới chứ không chỉ nước ta gặp đại dịch Covid-19. Đại dịch này đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội chứ không chỉ sức khoẻ người dân. Nó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế rất rõ rệt, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, đến vấn đề xuất khẩu, đối nội, đối ngoại đều khó khăn… nhất là nước ta là một trong những nước có nền kinh tế mở, càng mở bao nhiêu thì gặp đại dịch càng khó khăn bấy nhiêu.

Thế nhưng trong 2 năm qua chúng ta đã vượt qua, kinh tế đất nước có lúc tăng trưởng âm nhưng chúng ta lấy lại đà tăng trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao của thế giới. Còn 2 năm nữa, trên cơ sở những thành quả đạt được chúng ta có niềm tin rằng sẽ vượt qua được những khó khăn để đạt được những mục tiêu đề ra. Từ đó tạo tiền đề, động lực để đạt được những mục tiêu lớn hơn nữa mà chúng ta đề ra cho cả một quá trình, đó là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có thu nhập cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Có thể nói mục tiêu đó là khát vọng của dân tộc ta.

Bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay vô cùng phức tạp, có những nguy cơ tiềm ẩn khó lường. Để đạt được mục tiêu lớn, đưa nước ta trở thành nước phát triển hùng cường thì tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết truyền thống của dân tộc ta lại càng phải phát huy, thưa ông?

- Đúng vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì vấn đề tự lực, tự cường cũng là bản chất, thế mạnh của dân tộc Việt Nam, không thể ỷ lại vào bất kỳ ai dù vai trò từ sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế là vô cùng to lớn. Trong đấu tranh giữ nước cũng như trong xây dựng đất nước, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế là vô cùng quan trọng nhưng quyết định vẫn là nguồn lực nội sinh, vẫn là tinh thần tự lực, tự cường. Trong ngoại giao chúng ta cũng ngoại giao rất mềm mại nhưng trên cơ sở độc lập, tự cường, đa phương hoá, đa dạng hoá, độc lập tự chủ chứ không phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào.

Trong phát triển kinh tế cũng vậy, phải độc lập, tự cường, đoàn kết, nhất là với tình hình hiện nay trên thế giới và trong khu vực có những thay đổi khó lường, chúng ta phải luôn chủ động để vượt qua những thách thức, khai thác những thuận lợi, xây dựng đất nước hùng mạnh.

Trong thời đại mới, muốn hội nhập thì phải nắm bắt được xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là xu hướng kinh tế số, đây là xu hướng hoàn toàn mới đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt được. Trong lịch sử chúng ta đã có những lần chậm trễ bắt nhịp, không kịp nhịp đi của thế giới. Giai đoạn mới này, Đảng và Nhà nước cũng như toàn dân đã hiểu được rằng, ngày nay là thời đại công nghệ thông tin, thời đại của công nghệ số. Tất cả các nước muốn phát triển không thể nào không nắm bắt đi vào công nghệ số.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang hình thành và phát triển rất mạnh, rất nhanh, nếu chậm sẽ tụt hậu xa hơn nữa. Chúng ta đã từng tụt hậu so với thế giới, nếu như lần này chúng ta không khắc phục, tranh thủ thời cơ để bắt kịp bước đi của cuộc cách mạng số thì sẽ còn tụt hậu xa hơn.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem