Vi phạm Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 3): Có địa phương buông lỏng quản lý, không xử lý quyết liệt!

Nhóm PV Thứ năm, ngày 16/12/2021 11:05 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai (Bộ NNPTNT) cho biết: "Hiện nay, tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng người dân xây dựng nhà ở, nhà xưởng lấn chiếm hành lang thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều 2006. Trong đó, tại Hà Nội tình trạng vi phạm hết sức nóng bỏng".
Bình luận 0

Một số địa phương buông lỏng quản lý

Như Dân Việt đã thông tin, có tình trạng xây dựng nhà cửa, nhà xưởng vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy tại một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội

PV Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai để làm rõ hơn về tình trạng vi phạm cũng như các giải pháp khắc phục, xử lý trong thời gian tới. 

Ông Luận cho biết, theo thông báo tình hình vi phạm pháp luật về đê điều các tỉnh thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt và kết quả xử lý chỉ riêng tháng 10/2021 có 235 vụ vi phạm, đã xử lý 128 vụ, còn tồn tại 107 vụ. Trong đó tại Hà Nội có 38 vụ vi phạm cũ, 3 vụ vi phạm mới. Còn tháng 9/2021 Hà Nội cũng để tồn tại 37 vụ và phát sinh một vụ vi phạm mới, luôn đứng ở tốp đầu cả nước.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 3): Vi phạm hết sức “nóng bỏng”, phức tạp - Ảnh 1.

Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai (Bộ NNPTNT) trao đổi với phóng viên Dân Việt. Ảnh: Quang Minh

Đối với các công trình vi phạm, Tổng cục thường xuyên phối hợp với lực lượng liên ngành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có liên quan xử lý vi phạm theo quy định. Yêu cầu các đơn vị hàng tháng phải có báo cáo cụ thể về các công trình vi phạm ở các địa phương, trong đó đã xử lý được nhiều công trình vi phạm nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm.

Ông Luận cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng vi phạm Luật đê điều 2006 là do chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý, không vào cuộc quyết liệt, thậm chí là "tiếp tay" cấp phép không đúng quy định nhà ở, công trình nhà xưởng.

Theo ông Luận, trước đó, đơn vị đã đi kiểm tra đối với các công trình vi phạm nổi cộm như gầm cầu Thanh Trì, rồi khu vực Cầu Đuống, khu vực ở huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên, Hoài Đức và kiến nghị hướng xử phạt.

"Tất cả các công trình vi phạm nhỏ lẻ, hay nổi cộm chúng tôi đều yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh xử lý nghiêm triệt để, không để tồn tại. Yêu cầu họ phải dỡ bỏ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi thấy có một số địa phương vẫn còn "cầm chừng" chưa xử lý quyết liệt".- ông Luận thông tin.

Còn đối với một số vi phạm ở Hà Đông, Hoài Đức, sau khi tiếp nhận phản ánh, đơn vị sẽ yêu cầu Chi cục đê điều, các Hạt quản lý đê điều chuyên trách phối hợp kiểm tra, rà soát lại. Trường hợp phát hiện vi phạm, đơn vị sẽ kiến nghị lãnh đạo địa phương lập biên bản, xử phạt hành chính, yêu cầu dỡ bỏ…

Video: Hàng loạt nhà ở, nhà xưởng vi phạm hàng lang thoát lũ sông Đáy

"Hiện nay vẫn có tình trạng lãnh đạo một số địa phương không tuân thủ về Luật đê điều 2006, không thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ hệ thống đê điều, để xảy ra tình trạng vi phạm. Khi các cơ quan chuyên môn kiến nghị xử lý thì chưa thực sự vào cuộc nên vẫn để tồn tại". - ông Luận nói thêm.

Theo vị này, trước đó sau khi có Quyết định 1821 của Thủ tướng về quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy, Hà Nội đã triển khai nội dung này tới các địa phương, cụ thể là các xã, phường. Bố trí kinh phí để cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ.

Còn việc phổ biến kiến thức về đê điều, hàng năm, Tổng cục đều có tổ chức hội nghị tập huấn về đê điều cho lãnh đạo các quận, huyện. Ngoài ra, cũng có thêm một số cán bộ chuyên trách về đê điều tham dự để nắm bắt được những điểm mới, văn bản mới của pháp luật về đê điều, rồi đến tình hình vi phạm ở các địa phương.

Hàng tháng, chúng tôi đều có thông báo tới các tỉnh, các địa phương. Như vậy, các lãnh đạo ở các địa phương đều biết về các nội dung mới, các thay đổi về đê điều, các công trình vi phạm.

Luật cũng quy định rất rõ, Ủy ban nhân dân các xã, phường có trách nhiệm quản lý đê điều, ngăn chặn các hành vi vi phạm, xử lý hành vi vi phạm theo quy định, quyền hạn. Còn trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo cơ quan cấp trên.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 3): Vi phạm hết sức “nóng bỏng”, phức tạp - Ảnh 3.

Khu dân cư tổ 9, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội với hàng trăm nóc nhà nằm hoàn toàn trong hành lang thoát lũ sông Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014. Ảnh: Quang Minh

Gắn trách nhiệm về chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã

Theo Chỉ thị mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số: 1819/CT-BNN-PCTT ngày 30/3/2021 về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2021.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số việc trọng tâm. Trong đó, chỉ đạo tăng cường rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; nhất là ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các vi phạm tập kết vật liệu với quy mô lớn trên bãi sông, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ,…

Xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5/2021.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 3): Vi phạm hết sức “nóng bỏng”, phức tạp - Ảnh 4.

Những ngôi nhà nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy mới được xây dựng ở tổ 9, phường Yên Nghĩa thời gian gần đây. Ảnh: Quang Mình

Riêng đối với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 10/6/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra văn bản số 3555/BNN-PCTT gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ở bãi sông trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho thấy trên địa bàn thành phố tình hình vi phạm về đê điều còn diễn ra hết sức phức tạp, nghiêm trọng, nhất là tình trạng lấn chiếm lòng sông, xây dựng nhà ở, nhà xưởng… gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn của đê điều.

Theo đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực bãi sông, bãi nổi trên địa bàn, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài.

Đồng thời quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi ven sông theo đúng quy định của pháp luật. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cấp huyện, cấp xã trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài nhưng xử lý không kiên quyết, dứt điểm.

Đặc biệt là rà soát nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều của thành phố theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Xác định phương án cụ thể để quản lý, sử dụng đất bãi ven sông, đảm bảo an toàn thoát lũ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 3): Vi phạm hết sức “nóng bỏng”, phức tạp - Ảnh 5.

Nhà xưởng cách Nhà văn hóa tổ 9 khoảng 100m, nằm trong khu dân cư đã hoạt động nhiều tháng nay, nhưng sau khi nhận phản ánh của Dân Việt, UBND phường Yên Nghĩa kiểm tra, báo cáo UBND quận Hà Đông là không có trường hợp nhà xưởng nào xây dựng nằm trong hành lang thoát lũ, dù nhà xưởng cách mốc chỉ giới khoảng 30m và toàn bộ tổ 9 nằm trong hành lang thoát lũ. Ảnh: Quang Minh

Mới đây nhất, ngày 23/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã ra Văn bản số 6806/VPCP-NN về quản lý, sử dụng bãi sông đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, sử dụng bãi sông trên địa bàn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, xử lý hành vi vi phạm về đê điều theo thẩm quyền, đúng quy định.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện nghiêm chỉ thị 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về đê điều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem