Vì sao chiến thắng trên chiến trường không dễ củng cố sức mạnh của Nga?

Lê Phương (The Week) Thứ ba, ngày 03/05/2022 15:36 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia phương Tây, xung đột với Ukraine đã phần nào bộc lộ điểm yếu thực sự của Nga.
Bình luận 0
Vì sao chiến thắng trên chiến trường sẽ không củng cố sức mạnh của Nga? - Ảnh 1.

Dù thắng hay thua trong xung đột với Ukraine, Nga cũng khó có thể lấy lại vị thế như trước. Ảnh: Getty

Sau thất bại ở phía bắc Ukraine, quân đội Nga hiện đang triển khai "giai đoạn thứ hai" của chiến dịch. Mục tiêu của chiến dịch mới là mở rộng quyền kiểm soát của Nga đối với toàn bộ khu vực Donbass và chặn đường không cho Ukraine tiếp cận Biển Đen.

Mỹ đã gấp rút viện trợ hàng tỷ USD thiết bị quân sự để giúp Kiev ngăn chặn bước tiến của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington muốn thấy Nga "suy yếu" đến mức không thể thực hiện chiến dịch quân sự nào ở nước láng giềng nữa. Nhưng cho dù Nga thắng hay thua ở Donbass, thì dường như vị thế của nước này vẫn sẽ yếu hơn so với trước xung đột.

Các lệnh trừng phạt và hạn chế nhập khẩu do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp đặt đã có tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Nga. Hơn 700 công ty quốc tế đã ngừng hoạt động tại Nga hoặc rời bỏ thị trường hoàn toàn. Một nửa trong số 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Moscow, vốn từng được Điện Kremlin coi là phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra sự kiện nghiêm trọng trong nước hoặc quốc tế, không thể tiếp cận được do các biện pháp ngăn chặn của Mỹ và châu Âu.

Kể từ tháng 5/2022, Nga không thể sử dụng dự trữ trong các ngân hàng của Mỹ để trả nợ, buộc Tổng thống Putin phải tăng cường sử dụng quỹ dự phòng để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Tổng cộng, Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm hơn 11% trong năm 2022, mức suy giảm tồi tệ nhất trong gần 30 năm.

Chiến dịch của Tổng thống Putin ở Ukraine cũng đưa châu Âu ra khỏi vùng an toàn của mình. Một số quốc gia châu Âu trước đó chưa coi trọng nghĩa vụ quốc phòng, bao gồm Đức, Italia và Tây Ban Nha, giờ đang thực hiện các kế hoạch tái vũ trang hoặc bổ sung thêm tiền cho ngân sách quốc phòng. 

Thụy Điển và Phần Lan, vốn luôn tự hào về tính trung lập, có khả năng sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người luôn cố gắng xây dựng cầu nối giữa châu Âu và Điện Kremlin, gần đây cũng dần từ bỏ nỗ lực này - khiến Nga phần lớn bị cô lập ở châu Âu. Ngay cả các đảng chính trị theo chủ nghĩa dân túy của Italia cũng không còn tin rằng có thể bắt đầu một mối quan hệ hợp tác với Moscow.

Châu Âu đang khẳng định mình theo những cách khác. Nếu như trước chiến sự, châu lục này phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng của Nga (EU nhập khẩu 40% khí đốt và 27% dầu từ Nga vào năm 2021), thì giờ đây, họ đang thực hiện một nỗ lực phối hợp để loại bỏ sự phụ thuộc đó. 

Dù Đức vẫn phản đối việc cắt ngay lập tức dầu và khí đốt của Nga để bảo vệ các ngành công nghiệp khỏi tác động tiêu cực về kinh tế, nhưng loại bỏ dần các nguồn năng lượng Nga hiện là chính sách chính thức của chính phủ Berlin. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. 

Trong khi đó, Italia đang nỗ lực trong việc đa dạng hóa các nhà cung cấp, bao gồm một thỏa thuận năng lượng mới với Algeria trong tháng này.

Tất nhiên, Nga có thể bù đắp những tổn thất bằng cách bán nhiều dầu và khí đốt hơn cho các cường quốc châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng để bán ở những thị trường này, Moscow cần có mức chiết khấu sâu.

Canh bạc của Tổng thống Putin ở Ukraine đã làm thay đổi cục diện địa chính trị đối với Nga theo cách không có lợi chút nào. Một "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà ông Putin tin rằng sẽ có chi phí tương đối thấp lại trở thành chiến sự kéo dài, với hàng nghìn binh lính Nga tử vong, hàng nghìn người khác bị thương và một nền kinh tế dần sụp đổ khi lực lượng lao động có tay nghề cao ở Nga chạy trốn ra nước ngoài.

Bắc Kinh có thể ủng hộ Nga trong thời điểm hiện tại, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đều suy tính lợi ích riêng. Họ chắc chắn sẽ lo ngại về những hậu quả chiến lược và kinh tế do những chính sách của Nga gây ra. Nếu ông Putin hy vọng Bắc Kinh sẽ luôn hỗ trợ Moscow, thì đó dường như lại là một sai lầm lớn nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem