Vì sao có những gia đình ở làng này của Quảng Ngãi lại lưu giữ vô số vỏ ốc biển to bự, lạ mắt?

Thứ bảy, ngày 12/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Cách đây 45 năm, những người dân đầu tiên ở đảo Lý Sơn đã đặt chân lên đất Bình An (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) để tạo lập cuộc sống mới. Nơi đây thật sự là mảnh đất “bình an” để nhiều người gắn bó cả cuộc đời.
Bình luận 0
Với bản tính cần cù, chịu khó, người dân từ Lý Sơn và ở các nơi khác đến Bình An đã xây dựng cuộc sống ấm no và quê hương ngày càng trù phú.  
 

Những ngày tháng không quên 

 Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình An Nguyễn Văn Vinh (59 tuổi), ngụ ở thôn Tây Phước 1, là người con Lý Sơn đã có 45 năm gắn bó với mảnh đất Bình An. 

Dù rời xa nơi “chôn nhau, cắt rốn” đã lâu nhưng đều đặn hằng năm, ông Vinh vẫn dành thời gian về thăm quê vài lần. Năm nay, dịch bệnh phức tạp, ông đành gác lại những chuyến về thăm quê, chờ đến dịp cuối năm. 

Vì sao có những gia đình ở làng này ở Quảng Ngãi lại lưu giữ vố số vỏ ốc biển to bự, lạ mắt? - Ảnh 1.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình An (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) Nguyễn Văn Vinh nâng niu những món đồ lưu niệm là những chiếc vỏ ốc biển mang từ đảo Lý Sơn vào. Ảnh: T.HẬU

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ấm áp, ông Vinh mở tủ lấy những kỷ vật do người cha quá cố để lại, trong đó có những vỏ ốc, vỏ sò quý được mang về từ hòn đảo tiền tiêu. 

Ông Vinh bồi hồi kể lại, sau ngày giải phóng, Đảng và Nhà nước có chủ trương về thực hiện chính sách xây dựng vùng kinh tế mới, với mục đích khai thác tốt và phân bố lại lao động giữa các vùng, các ngành, nhằm tăng năng suất lao động xã hội.

Trung tuần tháng 7/1976, chuyến tàu đầu tiên từ đảo Lý Sơn khởi hành, trực chỉ đất liền, đưa gia đình ông cùng nhiều hộ dân vào định cư tại Vùng kinh tế mới Bình Khương (Bình Sơn). Lúc đó, xã Bình An chưa thành lập.

Ông Vinh chia sẻ, cha của tôi lúc bấy giờ sức khỏe không tốt nên không thể vươn khơi bám biển. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Vậy nên, ngay khi có chủ trương đến định cư ở Bình Khương, gia đình tôi tình nguyện lên đường, với hy vọng vùng đất mới sẽ cưu mang và có cơ hội đổi đời. 

 
Gia đình ông Vinh là một trong 50 hộ tình nguyện đăng ký đi kinh tế mới trong đợt đầu. Bởi vậy, ông Vinh am hiểu tường tận về cuộc sống của người dân Lý Sơn trên “vùng đất hứa”. 

Những ngày đầu khi đến đây, các hộ dân sống chung trong một căn nhà dài, được dựng sẵn từ cây rừng, mái lợp cỏ tranh. Một tuần sau các hộ mới dựng nhà ra ở riêng. Trong 6 tháng đầu tiên, mỗi khẩu là người lớn được hỗ trợ 14kg gạo/tháng, mỗi khẩu là trẻ em được hỗ trợ 7kg gạo/tháng. 

Cuộc sống mới quá khó khăn nên số gạo này cũng chỉ giúp cứu đói trong thời gian đầu. "Việc trồng lúa, hoa màu đều thất bát do chuột và thú rừng cắn phá, nên năm nào cũng rơi vào cảnh thiếu lương thực. Nếu thiếu kiên nhẫn, rất dễ rời đi", ông Vinh nhớ lại.

Năm 1978, xã Bình An được thành lập từ Vùng kinh tế mới Bình Khương. Khoảng hơn 500 người dân Lý Sơn từng đợt tiếp tục đến định cư ở thôn Thọ An và một phần bên xóm Bá Lăng, thôn Mỹ Long, xã Bình Minh - địa phận xã Bình An ngày ấy.
 
Hộ ông Nguyễn Thanh Tân (71 tuổi), ở thôn Thọ An là một trong số những trường hợp đến Bình An trong đợt này. Ông Tân trải lòng, thời bao cấp nhìn đâu cũng thấy khổ. Nghèo, đói cứ đeo bám. 

“Ngày ấy, để có cái ăn, chúng tôi phải đi mót củ, hái rau rừng dùng tạm, hoặc đèo củi hơn 15 cây số xuống chợ Châu Ổ và các xã lân cận để bán, trao đổi hàng hóa. Giờ ngồi nghĩ lại, không hiểu sao mình có thể trụ được tới ngày hôm nay. Điều đặc biệt là dù khổ cực đến đâu, người Lý Sơn vẫn luôn tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng với người Cor và người Kinh ở các nơi về đây, xây dựng một vùng đất mới ngày càng đi lên”, ông Tân nhớ lại. 

Sau này, khi huyện Lý Sơn thành lập, nhiều người trở về quê sinh sống. Nhưng có nhiều hộ dân quyết định cả cuộc đời với mảnh đất Bình An, xem đây là quê hương thứ hai của mình. 

Vì sao có những gia đình ở làng này ở Quảng Ngãi lại lưu giữ vố số vỏ ốc biển to bự, lạ mắt? - Ảnh 4.

Nhà sàn truyền thống ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn). Ảnh: T.HẬU

Đất không phụ người

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình An Lê Quốc An cho hay, ở Bình An đa phần là người dân từ nhiều địa phương trong tỉnh đến sinh sống. Riêng người dân gốc ở Lý Sơn hiện còn khoảng 15 hộ, tập trung nhiều ở thôn Tây Phước 1, thôn Thọ An. 

Hiện nay, các hộ gia đình Lý Sơn ở đất Bình An đều có kinh tế khá giả. Hộ nào cũng có đất rừng, bình quân từ 5 - 10ha/hộ. Người dân đã tận dụng lợi thế đất rừng để phát triển các mô hình trồng cây nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đặc biệt, phần lớn các hộ dân đều có con, cháu là đảng viên, luôn gương mẫu, trách nhiệm, tích cực đóng góp xây dựng quê hương. 

Ở xã Bình An, vùng đất lưng chừng núi, giáp ranh với huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và xã Trà Giang (Trà Bồng), đang từng ngày "thay da đổi thịt",  với sự góp sức không hề nhỏ của người dân Lý Sơn. 

Ông Lê Quốc An đã cử cán bộ dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh xã. Hiện ra trước mắt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của rừng sản xuất, của những cánh đồng mì và hình ảnh người dân phấn khởi vào vụ thu hoạch. 

Những căn nhà mới khang trang, hiện đại mọc lên thay cho những ngôi nhà tạm bợ. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, phục vụ tốt cho đời sống dân trí, dân sinh.

Ông Nguyễn Thanh Cao (59 tuổi) hồ hởi khoe căn nhà vừa mới cất, ở cạnh nhà sàn truyền thống ở thôn Thọ An. Để có cơ ngơi ấy, gia đình ông phải trải qua những ngày tháng làm việc cật lực. 

“Đất không phụ công người, từ 10ha rừng trồng, cùng với chăn nuôi gà, kinh doanh tạp hóa, xay xát gạo, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Khó khăn một thời qua đi, đến nay gia đình cũng có "của dư, của để", lo cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn", ông Cao phấn khởi nói. 

Vì sao có những gia đình ở làng này ở Quảng Ngãi lại lưu giữ vố số vỏ ốc biển to bự, lạ mắt? - Ảnh 6.

Anh Nguyễn Văn Kết luôn nỗ lực để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng vùng đất Bình An ngày càng giàu đẹp.Ảnh: T.HẬU

Rời gia đình ông Cao, chúng tôi đến tham quan trại gà của anh Nguyễn Văn Kết (34 tuổi), ở thôn Tây Phước 1. Anh Kết là thế hệ thứ 3 của những người con Lý Sơn trên đất Bình An. 

Giữa lúc dịch bệnh gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, sản xuất của đa số người dân, anh Kết cùng người thân lại mạnh dạn đầu tư gần 1,7 tỷ đồng cho trại gà, khiến nhiều người nể phục sự táo bạo đó. 

Lứa đầu tiên với 21.000 con gà chuẩn bị xuất bán, dự tính sẽ thu về khoảng 300 triệu đồng. Anh Kết cho hay, thế hệ trẻ chúng tôi phải kế thừa những gì mà cha ông đã gầy dựng. Tôi thật sự yêu quý mảnh đất này, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi sẽ cố gắng để góp phần công sức xây dựng quê hương. 

Vùng đất Lý Sơn và Bình An đang từng ngày phát triển.  Trong tâm niệm của người dân Lý Sơn trên đất Bình An, nơi nào cũng là quê hương, là một phần của núi Ấn, sông Trà. Dù đi đâu, về đâu, họ vẫn giữ được chất giọng đặc trưng và khí phách khẳng khái, hào sảng của người dân Quảng Ngãi. 

Trong những dịp ra đảo để thăm nguồn cội, khi trở về các hộ dân không quên mang theo những món quà quê, sẻ chia với người thân, hàng xóm. Đó cũng là cách để mọi người cùng hoài vọng, vơi bớt nỗi nhớ quê, thấy đất và người Lý Sơn như ở bên mình.

Thiên Hậu (Báo Quảng Ngãi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem