Vì sao còn ý kiến băn khoăn đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu?

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 21/10/2019 16:49 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh quochoi.vn).

Chiều 21/10, thừa uỷ quyền Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội về thực hiện ngân sách năm 2019, kế hoạch năm 2020.

Một điểm rất đáng chú ý được Báo cáo nêu ra, đó là Chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng/tháng. So với mức hiện tại 1,49 triệu đồng/tháng, như vậy lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng một tháng, tương đương tăng 7%.

Trước đó, từ ngày 1/7 lương cơ sở vừa tăng lên mức 1,49 triệu đồng một tháng, thêm 100.000 đồng so với năm 2018.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng một tháng.

“Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm chi ngân sách mang tính chi tiêu dùng nhiều hơn chi cho đầu tư phát triển, khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương", ông Hải nói.

Một số ý kiến khác của Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Để thực hiện tốt việc tăng lương cơ sở trong năm 2020, cơ quan thẩm tra đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính phủ cần thực hiện các bước đi phù hợp, xác định vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp… để chuẩn bị tiến hành cải cách tiền lương từ năm 2021 theo Nghị quyết số 27 của Trung ương.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ siết chặt chi thường xuyên hơn nữa thông qua tinh giản biên chế.

Theo cơ quan thẩm tra, qua thực tế giám sát tại một số địa phương thấy, việc tinh giản biên chế làm chưa quyết liệt.

"Có những nơi còn mang tính cơ học nhằm thu gọn đầu mối, dẫn đến chi thường xuyên vẫn còn cao. Một số địa phương khi ban hành chính sách còn chưa bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện trong năm", ông Hải nêu, đồng thời đề nghị từ năm 2020, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định Luật ngân sách Nhà nước.

Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ giữ mức 3,44%GDP. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc dự toán bội chi ngân sách địa phương là 0,24%GDP sau khi đã tính đến yêu cầu của các địa phương trọng điểm, để dành dư địa cho ngân sách trung ương phát huy vai trò chủ đạo.

Còn về nợ công, cơ quan thẩm tra nhất trí với báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP.

“Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của ngân sách nhà nước như: nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách nàh nước; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia”, ông Nguyễn Đức Hải cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem