Vì sao dân không đi khám bệnh mà dự toán chi BHYT vẫn tăng vọt?

Bạch Dương Thứ tư, ngày 23/09/2020 10:15 AM (GMT+7)
Tổ Bảo hiểm Y tế (BHYT) của Sở Y tế TP.HCM dự báo tình hình BHYT tiếp tục vượt dự toán chi trong năm 2020 khoảng 1.300 tỷ mặc dù số lượt khám, chữa bệnh BHYT giảm rõ do tác động của dịch Covid-19.
Bình luận 0
Vì sao dân không đi khám bệnh mà dự toán chi BHYT vẫn tăng vọt? - Ảnh 1.

Dự toán chi BHYT của TP.HCM năm 2020 dự báo tăng 1.300 tỷ.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, tuy số lượt khám chữa bệnh giảm 12,4% so với cùng kỳ nhưng tổng chi 6 tháng đầu năm đã chiếm 48% tổng dự toán chi cho năm 2020. BHXH TP.HCM dự báo năm 2020, toàn thành phố sẽ vượt dự toán chi được giao là 1.300 tỷ đồng. Đã có 20 bệnh viện vượt 50% tổng dự toán chi, trong đó có cả bệnh viện Bộ, ngành, bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện và nhất là các bệnh viện tư nhân như: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn, Bệnh viện Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn...

Ba bệnh viện có số lượt khám chữa bệnh BHYT cao trong 6 tháng đầu năm 2020 là Bệnh viện quận Thủ Đức (891.641 lượt), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (600.750 lượt) và Bệnh viện Chợ Rẫy (466.791 lượt).

Ba bệnh viện có tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Thống Nhất.

Điều đáng nói, số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh khám chữa bệnh BHYT đến thành phố chiếm 20% tổng lượt khám nhưng đã chiếm gần 49% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. 

Việc bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh nhiều đã ảnh hưởng đến việc cân đối dự toán chi BHYT của thành phố (do không còn chuyển quỹ khám chữa bệnh BHYT từ các tỉnh về thành phố như trước đây), đây chính là khó khăn lớn nhất cho các giám đốc bệnh viện trong việc quản lý và điều hành dự toán chi khám chữa bệnh BHYT được giao.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, một hiện tượng cũng đáng được quan tâm và phân tích sâu hơn đó là tình trạng bệnh nhân ngoại tỉnh đến không chỉ tập trung ở các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố (thường là bệnh nặng, được chuyển viện, chủ yếu là điều trị nội trú), mà còn xảy ra ở các bệnh viện đa khoa khu vực và bệnh viện quận, huyện và cả bệnh viện tư nhân (thường là bệnh không nặng, chủ yếu khám chữa bệnh ngoại trú). Cụ thể, tình hình này diễn ra ở Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Xuyên Á, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện quân dân y miền Đông…

Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến trung ương và tuyến thành phố có số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh BHYT cao là: Chợ Rẫy, Ung Bướu, ĐH Y Dược TP.HCM, Mắt, Từ Dũ, Bình Dân, Nhân Dân 115, Viện Tim, Nhi đồng 2. 

Giải pháp làm giảm số bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các tỉnh đối với các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố đòi hỏi phải có thời gian và quan trọng hơn hết là đẩy mạnh đầu tư nguồn lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Trước mắt, xem xét bổ sung giao dự toán chi cho các bệnh viện nhóm này là giải pháp hợp lý cần được tính đến.

Ông Thượng nhấn mạnh: "Việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, thay đổi phong cách phục vụ góp phần tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám chữa bệnh BHYT (liên thông tuyến huyện) là đáng khích lệ. 

Tuy nhiên, nếu vì lý do thu hút đông người bệnh đến khám ngoại trú (nhóm bệnh không nặng) có khả năng sẽ gây ra tình trạng vượt dự toán chi, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh nội trú, các giám đốc bệnh viện cần xem xét và có giải pháp điều chỉnh hợp lý vì rất ít khả năng được xem xét bổ sung dự toán chi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem