Vì sao Đảng vừa ra đời đã lãnh đạo phong trào cách mạng gây tiếng vang lớn?

Ngọc Lương (thực hiện) Thứ sáu, ngày 11/09/2020 07:00 AM (GMT+7)
Theo PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết- Nghệ Tĩnh dù sau đó bị địch khủng bố khốc liệt nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 90 năm phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2020), PV Dân Việt có trao đổi với PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia HCM) để nhìn nhận về sự kiện lịch sử đặc biệt này và bài học trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Thưa ông, giờ đây khi ngồi nhớ lại thời điểm 90 năm trước, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) khi ấy vừa mới ra đời (3/2/1930) nhưng đã lãnh đạo phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết –Nghệ Tĩnh. Yếu tố nào để một Đảng non trẻ có thể lãnh đạo được phong trào cách mạng tạo tiếng vang như vậy?

- Nhìn lại một cách hệ thống, trước khi Đảng CSVN ra đời, nước ta đã có các tổ chức Cộng sản như Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và ở Trung kỳ có Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Các tổ chức Cộng sản này đã ra đời từ giữa năm 1929, đến năm 1930, diễn ra Hội nghị thành lập Đảng là để thống nhất các tổ chức đó.

Vì sao Đảng vừa ra đời đã lãnh đạo phong trào cách mạng gây tiếng vang lớn? - Ảnh 1.

Khối liên minh công nông trong cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết -Nghệ Tĩnh (ảnh tư liệu).

Những quan điểm, đường lối của các tổ chức Cộng sản trước đó cũng đã quán triệt trong quần chúng; các tổ chức như Công hội, Nông hội cũng được thành lập từ sớm. Chính vì thế ngay khi thành lập Đảng (năm 1930) với chính cương vắt tắt, sách lược vắn tắt, tổ chức Đảng ngay lập tức triển khai để đưa quan điểm, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Phân tích như vậy để thấy phong trào đấu tranh cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết- Nghệ Tĩnh có cơ sở để được triển khai nhanh, rộng.

Việc quán triệt đường lối cách mạng đã được thực hiện từ khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng). Vấn đề nữa, để phong trào rất rộng lớn ngoài tổ chức Đảng, chúng ta còn có các tổ chức quần chúng rất rộng rãi như Công hội, Nông hội, Phụ nữ, Thanh niên…khắp trên cả nước được xây dựng từ khi có Hội Cách mạng Thanh niên.

Để phong trào cách mạng phát triển mạnh, các tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ sở có vai trò rất lớn. Ở các vùng miền chúng ta đều có tổ chức Đảng bộ địa phương như Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, các Tỉnh ủy, rồi xuống đến cơ sở. Có thể nói hệ thống tổ chức Đảng rất rộng.

Ở Nghệ An, Hà Tĩnh là vùng có tổ chức Đảng mạnh, tổ chức quần chúng cũng mạnh, số lượng đảng viên rất đông đảo và trách nhiệm nên đã quyết định việc đưa phong trào đấu tranh lên đến đỉnh cao.

Vì sao Đảng vừa ra đời đã lãnh đạo phong trào cách mạng gây tiếng vang lớn? - Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (ảnh PV).

Phong trào cách mạng 1930-1931, ngay sau đó bị quân thù khủng bố khốc liệt, dìm cách mạng trong bể máu là do lực lượng cách mạng còn yếu thưa ông?

- Xét cho đến cùng tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng thì địch mạnh hơn chúng ta nhiều. Địch ở đây gồm chính quyền thuộc địa của Pháp, chính quyền phong kiến câu kết với thực dân. Chúng mạnh từ tổ chức ở cấp trên xuống cấp dưới, khi phong trào cách mạng lên cao, địch có hoảng loạn và tan rã ở một số địa bàn nhưng chúng đã nhanh chóng phục hồi lại và phản kích lại.

Về lực lượng của cách mạng lúc đó còn mỏng, mặc dù có tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng như đã nói ở trên nhưng so với địch thì tương quan lực lượng chưa đảm bảo cho chúng ta giành thắng lợi và chúng ta lúc đó cũng không thể hy vọng giành thắng lợi ngay được.

Đến giữa năm 1931, các tổ chức Đảng của ta bị địch khủng bố và tan rã, nhiều chiến sĩ cộng sản trung kiên bị địch bắt (Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt 18/4/1931). Chúng ta phải mất mấy năm để khôi phục lại tổ chức Đảng.

Vì sao Đảng vừa ra đời đã lãnh đạo phong trào cách mạng gây tiếng vang lớn? - Ảnh 3.

Đội tự vệ trong phong trào cách mạng 1930-1931 (ảnh tư liệu).

Tương quan lực lượng của chúng ta lúc đó còn yếu so với địch, vậy phong trào cách mạng nổ ra có sớm quá không thưa ông?

- Không phải như vậy, khi chúng ta có tổ chức Đảng, có đường lối, việc phát động phong trào đấu tranh là bình thường, không phải ngồi chờ để đủ lực lượng mới đấu tranh. Chúng ta phát triển lực lượng thông qua đấu tranh hoặc nói cách khác thông qua đấu tranh để xây dựng Đảng và phát triển lực lượng. Không phải thành lập Đảng rồi lại ngồi đó, phải đấu tranh, phải phát động quần chúng chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, vấn đề tất yếu là phải đấu tranh. Còn việc đấu tranh giành được thắng lợi hay không phải trải qua một quá trình chứ không phải một trận là xong.

Qua phong trào cách mạng 1930-1931, chúng ta định hình ra được lực lượng cách mạng đông đảo, công nhân và nông dân liên minh với nhau chặt chẽ, hình thành khối liên minh công nông đầu tiên trong cách mạng Việt Nam.

Qua đây khẳng định bản chất của đế quốc, phong kiến, phải bằng bạo lực cách mạng mới đánh đổ được chúng chứ không thể trông chờ ảo tưởng vào những thứ cải cách, cải lương.

Qua phong trào cách mạng 1930-1931 đã tôi luyện ý chí của Đảng, rèn luyện, rèn dũa ý chí đấu tranh tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng .

Phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh dù sau đó bị địch khủng bố dã man nhưng đã để lại cho cách mạng nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá.

Bài học quý giá của phong trào cách mạng 1930-1931, đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay là gì thưa ông?

- Đó là bài học về việc đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống như thế nào; vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đường lối của Đảng phải phản ánh đúng nguyện vọng của quần chúng nhân dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Đảng phải biết đề ra chủ trương, đường lối, quan điểm và Nhà nước đưa ra chính sách thích hợp, có như vậy đông đảo quần chúng nhân dân mới tin theo.

Thứ hai, bài học về đức hy sinh của những chiến sĩ Cộng sản trung kiên. Trước những khó khăn, thử thách, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, hiện nay chúng ta gọi là trách nhiệm nêu gương. Sự hy sinh phải nhận về mình trước, hưởng thụ sau. Bài học về rèn luyện ý chí, đạo đức, sự kiên cường của người Cộng sản, phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết.

- Xin cảm ơn PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem