Vì sao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông “lỡ hẹn” 6 năm?

Quỳnh An Thứ sáu, ngày 05/11/2021 00:25 AM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn lý giải vì sao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông “lỡ hẹn” nhiều lần.
Bình luận 0

Chiều 4/11, tại trụ sở Bộ GTVT diễn ra cuộc họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

img

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn

Trả lời câu hỏi của PV về số lần “lỡ hẹn” của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây là dự án vô cùng phức tạp. Các đơn vị đã tính tới việc khai thác từ những năm 2014-2015, nhưng không thể vận hành được. Đến nay, sau khoảng 3-4 lần “lỡ hẹn” mới triển khai khai thác. So với kế hoạch thì thực tiễn khai thác đã chậm khoảng 6 năm.

Theo ông Tuấn, lý do chậm trễ của dự án rất nhiều, do thủ tục, hợp đồng, giải phóng mặt bằng và các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam. Dù việc chậm nhưng đã tạo ra những bài học kinh nghiệm vô cùng lớn như giải phóng mặt bằng không dễ, quy định ODA, hợp đồng EPC, vấn đề thuộc về năng lực quản lý hệ thống, tổng thầu EPC…Tuy nhiên, hiện giờ TP đã vượt qua tất cả những khó khăn vướng mắc.

Nói về tính hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, ông Tuấn cho biết, nếu chỉ một dự án thì sẽ không phát huy được hiệu quả, vì vậy trong quy hoạch của Hà Nội đã có hệ thống đường sắt đô thị để tạo sự đồng bộ. Hiện một số dự án đang được thi công và đang chuẩn bị đầu tư các dự án như Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Nam Thăng Long - Nội Bài.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, dự án chậm trễ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên, dự án thí điểm và kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh. Dự án sẽ là bài học cho các dự án sau.

Theo Thứ trưởng Đông, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ. Chủ đầu tư đã làm không tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nghiệm thu dự án chưa thông suốt. Bộ GTVT sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước chỉ nghiệm thu về chuyên môn, kỹ thuật, chất lượng, quy trình có đúng thủ tục hay không. Hội đồng Kiểm tra Nhà nước không nghiệm thu, đặt vấn đề về kinh tế hay kết quả kiểm toán.

img

Tàu Cát Linh – Hà Đông chạy thử nghiệm trước ngày bàn giao

Trả lời câu hỏi của PV "vì sao dự án được thiết kế và sử dụng theo công nghệ Trung Quốc nhưng đánh giá lại theo công nghệ của châu Âu", Thứ trưởng Đông cho rằng, tiêu chuẩn thiết kế của dự án đường sắt đô thị ở Việt Nam hiện chưa có, mới chỉ có tiêu chuẩn về thi công, khai thác. Bộ GTVT mới chỉ ban hành thông tư về khai thác. Trong quá trình thực hiện theo khung tiêu chuẩn chung, cái gì không có thì dựa theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, nhưng nước này lại dựa theo quy chuẩn của châu Âu. Tuy nhiên, giữa các tiêu chuẩn chưa đồng bộ nên khi đánh giá sẽ dùng trình tự, thủ tục, cách tiếp cận của châu Âu còn tiêu chuẩn thiết kế vẫn dựa trên cơ sở thiết kế của dự án chứ không phải dùng tiêu chuẩn châu Âu.

Nói về quá trình đi tàu, nếu xảy ra sự cố mất an toàn thì hành khách có được hưởng bảo hiểm hay không? Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Metro cho biết, luật quy định, hành khách đi đường sắt đô thị được mua bảo hiểm. Bắt đầu từ ngày 6/11, hành khách đầu tiên đi tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách sẽ được chi trả bảo hiểm.

Theo ông Trường, cũng như xe buýt, vé đường sắt đô thị được trợ giá, bảo hiểm với hành khách nằm trong giá vé và trường hợp xảy ra thiệt hại với hành khách thì sẽ được bảo hiểm chi trả, hành khách không phải bỏ thêm đồng nào ngoài tiền vé đã mua.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư dự án hơn 18.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Công trình đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyền 13,5km/h (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương – quận Hà Đông. Dự án có 13 đoàn tàu.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Ngày 31/3/2021, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao, cấp cơ sở kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội.

Ngày 29/4, Tư vấn ACT của Pháp ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho cho Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đến tháng 7/2021, dự án được cơ quan nhà nước chuyên ngành về cấp chứng nhận thẩm định giá an toàn hệ thống.

Ngày 29/10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng chấp nhận kết quả nghiệm thu có điều kiện, đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông vào khai thác đoạn đầu.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem