Vì sao dự án hầm Đèo Cả cần 1.180 tỷ đồng để gỡ "khó"?

Thế Anh Thứ hai, ngày 28/12/2020 19:09 PM (GMT+7)
Hiện nay, dự án hầm Đèo Cả đang trong giai đoạn hoàn thành, tuy nhiên, dự án đang gặp "khó" do phần vốn 1.180 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Bình luận 0

Dự án hầm Đèo Cả gặp "khó"

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân có tổng mức đầu tư 26,154 tỷ đồng.

Hầm đường bộ Đèo Cả là công trình giao thông trọng điểm Quốc gia, được Bộ Xây dựng công nhận là một trong 5 công trình xây dựng tiêu biểu Quốc gia nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam. Là hầm đường bộ lớn thứ 2 trên trục Bắc – Nam sau hầm Hải Vân, được khởi công xây dựng năm 2012, đưa vào khai thác vào tháng 9.2017, nối liền 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Vì sao dự án hầm Đèo Cả cần 1.180 tỷ đồng để gỡ "khó"? - Ảnh 1.

Dự án hầm Đèo Cả.

Hầm đèo Cù Mông là một hạng mục thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông), có tổng chiều dài gần 7km, nối 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với phương án phân kỳ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng. Dự kiến, đầu năm 2019 sẽ đưa vào vận hành, khai thác. 

Hạng mục mở rộng hầm lánh nạn Hầm đường bộ Hải Vân thành hầm chính có điểm đầu thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (TT-Huế) và điểm cuối thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), với tổng chiều dài hơn 12,6km. Dự án có tổng mức đầu tư trên 7.291 tỷ, được khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào đầu năm 2019.

Hiện nay, dự án hầm Đèo Cả đang gặp khó khăn về phần vốn Nhà nước cam kết tham gia hỗ trợ dự án nhưng chưa được bố trí để giải ngân. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn về phương án tài chính cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân) và đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào khai thác.

Hầm Đèo Cả cần 1.180 tỷ đồng tháo gỡ khó khăn

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các tỉnh khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Hiện nay, các công trình hầm Đèo Cả, Cổ Mã và Cù Mông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi về kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung.

Vì sao dự án hầm Đèo Cả cần 1.180 tỷ đồng để gỡ "khó"? - Ảnh 2.

Dự án hầm Đèo Cả đã cơ bản hoàn thành.

Bên cạnh đó, công trình mở rộng hầm Hải Vân là hạng mục triển khai sau cùng của dự án, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu, đánh giá công trình bảo đảm an toàn, chất lượng.

Để dự án sớm đi vào hoạt động, khai thác, Bộ GTVT đang phối hợp nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định để sớm đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào vận hành, khai thác, dự kiến vào cuối tháng 12/2020.

Tuy nhiên, do vướng nguồn vốn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc; trong đó có việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước cho dự án hay cơ chế trạm thu phí La Sơn-Túy Loan chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng đến nguồn kinh phí vận hành, bảo trì các công trình hầm và phương án trả nợ ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết,  từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý dứt điểm các vướng mắc ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ nhà đầu tư và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý.

Đối với vướng mắc nguồn vốn 1.180 tỷ đồng, "Đây là phần vốn Nhà nước cam kết tham gia hỗ trợ dự án nhưng chưa được bố trí để giải ngân", lãnh đạo Bộ GTVT lý giải.

Bộ GTVT cũng cho biết thêm, Bộ đã xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch năm 2020 vốn ngân sách Trung ương cho các dự án thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn 10.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ GTVT đã rà soát hợp đồng, phân tích cơ sở pháp lý và sự cần thiết tiếp tục bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ dự án; lấy ý kiến Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Vietinbank, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt chấp thuận bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng cho dự án, phần còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

"Hiện nay, những khó khăn, vướng mắc về việc bố trí 1.180 tỷ đồng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm", Bộ GTVT khẳng định và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước theo kế hoạch để hỗ trợ dự án theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng đã ký.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem