Vì sao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới, xuất khẩu lập kỷ lục?

Nguyên Hương Thứ sáu, ngày 18/11/2022 12:00 PM (GMT+7)
Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có sản lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành xuất khẩu gạo nước ta. Không những thế, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay.
Bình luận 0

Trong khi thị trường xuất khẩu gạo đón nhiều tin vui thì bà con nông dân miền Tây đang đẩy nhanh thu hoạch vụ lúa thu đông, ước tính sản lượng, năng suất lúa ổn định. Giá lúa vụ thu đông cao hơn so với năm ngoái nhờ những tác động tích cực từ hoạt động xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo lập kỷ lục mới, giá gạo tăng cao

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Con số kỷ lục này đã đưa tháng 10/2022 trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta. 

Không những sản lượng tăng kỷ lục, trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng đạt bình quân 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay.

Xuất khẩu gạo liên tiếp lập kỷ lục - Ảnh 1.

Nông dân xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ thu hoạch lúa thu đông. Ảnh: HUỲNH XÂY

VFA cũng cho biết, phân khúc gạo thơm và chất lượng cao của Việt Nam được sản xuất từ giống lúa Đài thơm 8, OM 5451, OM 18 là những giống chưa nước xuất khẩu gạo nào có thể thay thế được. Đây là những giống lúa cho phân khúc gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh rất cao so với phân khúc gạo thơm của Thái Lan, Campuchia…

Tính chung 10 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với 10 tháng đầu năm 2021. 

Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng vượt Thái Lan (hiện khoảng 410 USD/tấn), còn giá gạo 5% tấm của Ấn Độ chỉ đạt trung bình 373 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới. Các thương nhân cho biết giá gạo sẽ không có xu hướng giảm cho đến cuối năm nay do nguồn cung thắt chặt.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NNPTNT mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay có thể vượt kế hoạch 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021. 

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20%, cùng với tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Ghi nhận trong 10 ngày đầu tháng 11/2022, giá gạo xuất của Việt Nam vẫn ở mức cao nhất thế giới. Cụ thể, ngày 8/11, gạo 5% tấm loại đóng bao 50kg/bao đối với gạo Ấn Độ giao dịch ở mức 385 USD/tấn (FOB), gạo 5% tấm Thái Lan giá 405 USD/tấn (FOB). Trong khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 425 USD/tấn (FOB). Đối với gạo OM 5451, giá 450 USD/tấn (FOB), gạo DT8 giá 480 USD/tấn (FOB).

Theo phân tích của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao là nhờ có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao, đồng thời xuất khẩu được nhiều vào thị trường khó tính, như EU.

VFA cho biết, sau gần 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU. Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine… rất được người dân khu vực này ưa chuộng.

Nông dân trồng lúa vẫn chưa được hưởng lợi

Những ngày này, bà con nông dân miền Tây đang vào đợt thu hoạch rộ vụ lúa thu đông năm 2022. Thông tin từ một số tỉnh trồng lúa trọng điểm vùng ĐBSCL cho thấy, sản lượng và năng suất lúa vụ này ổn định, còn giá lúa tăng so với năm ngoái. Tăng mạnh nhất là các giống lúa nếp, lúa thơm và hạt dài. Thậm chí đến cả rơm, thương lái cũng tranh nhau vào tận ruộng mua với giá 500.000 đồng/ha. 

Tuy nhiên, một số bà con cho biết, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ăn nên làm ra nhờ lập kỷ lục mới, thì thu nhập của nông dân trồng lúa tăng không đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Củ (nông dân xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, hiện các cánh đồng trong khu vực đang bắt đầu thu hoạch rộ vụ thu đông năm 2022, giá lúa đạt 6.000 - 6.500 đồng/kg tùy giống. Gia đình ông Củ trồng hơn 2ha giống OM380, bán lúa với giá 6.200 đồng/kg, ước đạt 850kg/công, tính ra thu nhập khoảng 5,2 triệu đồng. "Như vậy khá trúng và được giá. Nông dân theo dõi giá cả thường xuyên, nhất là thời điểm đầu vụ giá lúa lúc nào cũng cao, sau đó giảm dần, bán trước vẫn có lợi thế hơn" - ông Củ nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bảy (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) cho biết, vụ này mặc dù năng suất lúa ổn định, giá bán khá tốt nhưng nông dân phải trầy trật mới có lời. Nguyên nhân là mọi loại chi phí đều tăng cao so với vụ trước, đặc biệt là tiền phân bón tăng rất cao.

"Giá phân urê ở mức từ 850.000 - 900.000 đồng/bao, còn DAP từ 1.300.000 - 1.450.000 đồng/bao loại 50kg... Bên cạnh đó, chi phí bơm nước, thuê máy cắt lúa cũng tăng thêm ít nhất từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Vì vậy nông dân trồng lúa rất khó kiếm lời, nếu ruộng nào năng suất thấp thì còn bị lỗ" - ông Bảy thông tin. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem