Vì sao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đột nhiên tăng vọt, cao nhất trong 9 năm?

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 04/09/2020 19:00 PM (GMT+7)
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 đột nhiên tăng vọt, lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, thậm chí vượt cả giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Vì sao có sự tăng trưởng đột biến này?
Bình luận 0

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 năm 2020 ước đạt 500.000 tấn với giá trị đạt 251 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Đáng chú ý, khối lượng xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng đột biến, trong đó, khối lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc 8 tháng năm 2020 tăng tới 84%, đạt 493.100 tấn, trị giá 293,4 triệu USD.

Philippines vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,3% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Vì sao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đột nhiên tăng vọt, cao nhất trong 9 năm? - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất trong 9 năm qua, giúp giá lúa gạo trong nước ổn định ở mức cao. Ảnh: Thanh Cường.

Thị trường Senegal cũng có sự tăng trưởng khá khi gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng năm 2020 gấp 19,8 lần so với cùng kỳ năm 2019, đạt 41.400 tấn và 14,7 triệu USD; Indonesia gấp 3,1 lần, đạt 59.300 tấn và 33,3 triệu USD.

Tuy nhiên, điểm nhấn ấn tượng nhất trong hoạt động xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2020 là gạo Việt đã lập kỷ lục về giá.

Theo đó, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2020 đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch hè thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn; ngoài ra, dịch Covid19 tái bùng phát khiến nhiều tác nhân trong chuỗi tăng cường dự trữ. Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới vào khoảng tháng 10. 

Điều đáng mừng là, lần đầu tiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt Thái Lan sau nhiều năm gia nhập thị trường xuất khẩu gạo. Trong tháng 8, gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 380 - 385 USD/tấn lên 383 - 389 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm Thái Lan tăng từ 463 - 485 USD/tấn lên mức 480 - 500 USD/tấn. Gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480 – 490 USD/tấn. 

Xuất khẩu gạo khởi sắc đã thúc đẩy giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 8 tăng so với tháng 7. Thu hoạch vụ hè thu cơ bản đã gần hoàn tất, nguồn cung hạn chế khiến cho giá lúa tăng. Tại An Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg, từ 5.400 đồng/kg lên 5.600 đồng/kg; lúa OM5451 tăng 300 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 250 đồng/kg lên mức 5.650 đồng/kg.

 Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên 6.000 – 6.100 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đồng/kg lên 6.500 – 6.700 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên 6.600 – 6.800 đồng/kg. 

Tại Bạc Liêu, lúa OM 5454, OM 4900 giữ ở mức 5.200 – 5.500 đồng/kg; lúa tươi ST24, ST25 ở mức 6.200 - 6.300 đồng/kg.

 Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 ổn định ở mức 5.100 đồng/kg; lúa khô ở mức 5.400 đồng/kg; lúa hạt dài ướt ở mức 5.400 đồng/kg, lúa khô ở mức 5.600 đồng/kg. 

Theo thông tin dự báo cập nhật mới nhất trong tháng 8/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,7 triệu tấn, giảm khoảng 0,2% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,9 triệu tấn, tăng khoảng 1,4% so với năm 2019. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem