Vì sao hàng cấm, hàng giả "tung hoành" trên mạng xã hội và thương mại điện tử?

Vũ Khoa Thứ bảy, ngày 20/05/2023 18:45 PM (GMT+7)
Dù lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên do thương mại điện tử phát triển "nóng" nên việc kiểm soát còn những lỗ hổng.
Bình luận 0

Trước đó, Dân Việt có bài viết "Cần sa, anh túc rao bán như... rau trên mạng xã hội" phản ánh tình trạng các loại cây bị cấm như cần sa, anh túc.. được rao bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Bài viết đã nhận hàng trăm bình luận bày tỏ lo ngại về tình trạng vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, bài viết nhận được phản hồi từ Vụ Chính sách – Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường.

Không theo kịp thực tế do thương mại điện tử phát triển nóng

Theo nhận định của Vụ Chính sách – Pháp Chế, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng không rõ nguồn gốc ngày một phức tạp, tinh vi, diễn ra trực tiếp và thường xuyên hơn trên môi trường trực tuyến.

Nhất là sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi, tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự tăng trưởng "nóng" kéo theo hiện tượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng lậu thậm chí hàng cấm được bày bán rất nhiều trên nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới.

Vì sao hàng cấm, hàng giả "tung hoành" trên mạng xã hội và thương mại điện tử? - Ảnh 1.

Cây cấm được ngang nhiên rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Đối với phản ánh về tình trạng cần sa, anh túc rao bán như rau trên mạng xã hội, phản hồi của Vụ Chính sách Pháp Chế cho hay, hiện nay, hành vi kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa cấm kinh doanh trên môi trường Internet được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 63 NĐ 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Tuy nhiên, do phải tìm kiếm, xác định được đối tượng và hàng hóa vật lý trên thực tế mới có thể xử phạt. Để làm được điều này, cần nguồn thông tin trên không gian mạng xã hội, hệ thống kỹ thuật cho phép xác định vị trí của ID người phát nguồn và/hoặc dùng biện pháp nghiệp vụ để truy nguồn (đặt hàng, theo dõi, tìm kiếm, xác định vị trí đối tượng, kho hàng thực tế) cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, lực lượng như công an, thông tin - truyền thông.

Theo đó, vấn đề về nhân lực, kỹ thuật là một trong những nguyên nhân chính khiến việc kiểm soát tình trạng nêu trên gặp khó khăn dù cho lực lượng chức năng đã chủ động chia sẻ thông tin, phối hợp với tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Các đối tượng kinh doanh online lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm rất chuyên nghiệp và thường không có địa chỉ, số điện thoại liên hệ, khi khách hàng có nhu cầu thì chỉ nhận trao đổi thông qua nhắn tin riêng trên messenger (inbox).

Nhiều đối tượng thực hiện livestream (phát video trực tiếp) để quảng cáo bán sản phẩm, có thể thực hiện hàng trăm giao dịch mỗi ngày. Sau khi thỏa thuận được thành lập, những đối tượng buôn bán hàng bất hợp pháp sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng, chuyển phát nhanh để giao hàng hóa.

Địa điểm cất giấu hàng hóa thường ở vùng ven đô, vùng sâu vùng xa, các tỉnh lân cận đô thị lớn hoặc trong các khu nhà ở, khu chung cư tại các đô thị lớn. Việc tìm người vận chuyển cũng thực hiện trên các mạng xã hội. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.

Vi phạm trên thương mại điện tử dễ dàng bị xóa dấu vết

Theo lãnh đạo Vụ Chính sách – Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, trong quá trình kiểm tra kiểm soát thị trường trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng Quản lý thị trường nhận thấy có một số khó khăn.

"Tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng của mình để thực hiện mua bán, trao đổi, kinh doanh hàng hóa trên website, các trang mạng xã hội như facebook, zalo…. Từ đó, việc quản lý đối với các loại hình hoạt động kinh doanh này gặp không ít khó khăn, hình thức hoạt động kinh doanh đa dạng, phát triển nhanh, số lượng mua bán, trao đổi hàng hóa qua mạng xã hội rất nhiều nên rất khó kiểm soát", lãnh đạo Vụ Chính sách – Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ.

Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử dựa trên hạ tầng về công nghệ. Thế nhưng trong quá trình kiểm tra, các đối tượng ẩn đi, xóa đi chứng cứ rất nhanh gây khó khăn cho hoạt động thực thi công vụ. Ngoài ra, đối với các công cụ mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại là rất khó khăn, phức tạp.

Vì sao hàng cấm, hàng giả "tung hoành" trên mạng xã hội và thương mại điện tử? - Ảnh 2.

Cần tăng cường ngăn chặn trước khi hàng cấm được lưu hành qua thương mại điện tử. Ảnh: Trọng Ngọc

Việc thỏa thuận, trao đổi mua bán được thực hiện qua inbox cá nhân, hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, logistics hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tìm nơi cất giấu hàng hóa, lực lượng chức năng phải tạo lập bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng, đơn vị Quản lý thị trường phải phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an khôi phục lại bằng chứng, lập vi bằng, việc này mất rất nhiều thời gian, công sức.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, Tổng cục Quản lý thị trường đã định hướng thay đổi toàn diện phương thức hoạt động.

Trong đó, ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7. Chuyển đổi số toàn diện; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, đã được Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem