Vì sao Italy chặn đứng lô hàng vắc xin Covid-19 AstraZeneca đi Úc?

05/03/2021 09:48 GMT+7
Liên minh châu Âu vừa có động thái can thiệp đầu tiên vào nguồn cung vắc xin Covid-19 khi nguồn tin của Reuters cho hay Italy vừa chặn một lô hàng vắc xin AstraZeneca gửi đến Úc hôm 4/3.

Tờ Reuters trích dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh đã yêu cầu Rome cấp phép vận chuyển 250.000 liều vắc xin từ nhà máy Anagni, Italy đi Úc. Tuy nhiên, chính phủ Italy đã từ chối cấp phép. Nguồn tin của tờ Financial Times cũng cho biết tương tự.

Như vậy, đây được xem là động thái can thiệp đầu tiên của Liên minh châu Âu EU vào nguồn cung vắc xin Covid-19 trong khối. Phát ngôn viên của AstraZeneca từ chối bình luận khi được hỏi. Phía EU và Italy cũng chưa đưa ra bình luận thêm.

Vì sao Italy chặn đứng lô hàng vắc xin Covid-19 AstraZeneca đi Úc? - Ảnh 1.

Italy bất ngờ chặn lô hàng vắc xin Covid-19 AstraZeneca đi Úc

Hồi tháng 1 qua, Liên minh châu Âu đã áp đặt một số biện pháp kiểm soát tạm thời với vắc xin Covid-19 được sản xuất ở các quốc gia trong khối này sau khi vấn đề thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn và vụ việc tranh cãi với AstraZeneca. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải đối diện với sức ép lớn khi bị hàng loạt nhà phê bình chỉ trích vì chiến lược triển khai tiêm chủng vắc xin chậm trễ.

Ủy ban Châu Âu, cơ quan có trách nhiệm xem xét và phê duyệt các thỏa thuận mua vắc xin nhận nhiều ý kiến trái chiều vì không đảm bảo đủ nguồn cung vắc xin. Trong khi đó, các cơ quan y tế quốc khu vực thì bị chỉ trích vì mất quá nhiều thời gian để phê duyệt sử dụng những dòng vắc xin đã được các quốc gia, vùng lãnh thổ khác “bật đèn xanh”.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vắc xin của EU sẽ kéo dài đến hết cuối tháng 3. Trong đó bao gồm việc trao quyền cho các nước thành viên trong khối từ chối cấp phép các lô hàng xuất khẩu vắc xin nếu nhà sản xuất vắc xin (ở đây là AstraZeneca) không tuân thủ hợp đồng.

Vào tháng 1, AstraZeneca đã xảy ra tranh chấp với EU khi hãng dược phẩm này tuyên bố sẽ cung cấp ít vắc xin Covid-19 cho EU trong khoảng thời gian đầu năm so với dự kiến ban đầu. Nguyên nhân là do các vấn đề trong khâu sản xuất tại nhà máy vắc xin ở Hà Lan và Bỉ. Cuối tháng đó, để xoa dịu các quan chức EU, AstraZeneca tuyên bố sẽ cung cấp 9 triệu liều vắc xin bổ sung ngay trong quý I nhằm bù đắp sự thiếu hụt này. Nhưng điều đó không đủ để khiến Brussels hài lòng, khi mà AstraZeneca vẫn xuất khẩu lượng lớn vắc xin cho nhiều quốc gia khác ngoài khối.

EU vừa qua đã đưa vấn đề hộ chiếu vắc xin ra thảo luận khi hàng loạt quốc gia thuộc khối đồng tình áp dụng hộ chiếu này. Ví dụ, chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ tung ra hộ chiếu vắc xin điện tử trong vài tháng tới, qua đó cho phép các công dân đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 xuất nhập cảnh dễ dàng hơn mà không phải trải qua các quy định hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt tại nơi đặt chân đến.

Hộ chiếu vắc xin là “thuật ngữ” mới chỉ xuất hiện gần đây, đề cập đến những giấy chứng nhận một cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ mũi tiêm vắc xin Covid-19. Hộ chiếu vắc xin được nhiều nước đề xuất áp dụng dưới dạng điện tử và có hiệu lực rộng rãi trên thế giới, dù nó đang vấp phải làn sóng tranh cãi lớn từ các nhà hoạt động nhân quyền, những người lo ngại hộ chiếu vắc xin điện tử sẽ kéo theo nhiều rủi ro khác về quyền riêng tư.

Thách thức lớn nhất với các chính phủ lúc này là làm thế nào tạo ra một loại hộ chiếu vắc xin điện tử an toàn, dễ sử dụng, được chấp nhận trên toàn cầu mà không gây ra mối lo ngại nào về vấn đề quyền riêng tư hay phân biệt đối xử.


NTTD
Cùng chuyên mục