Vì sao LS cho rằng áp dụng luật mới gây bất lợi cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến?

PVCT Thứ năm, ngày 21/05/2020 08:16 AM (GMT+7)
Theo Viện Kiểm sát, việc áp dụng Bộ luật hình sự 2015 để xử lý hành vi của ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ có lợi cho bị cáo, tuy nhiên luật sư (LS) lại phân tích và đưa ra quan điểm ngược lại.
Bình luận 0

Vì sao LS cho rằng áp dụng luật mới gây bất lợi cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiến? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hầu tòa (ảnh Thông tấn Quân sự).

Tại phiên tòa sơ thẩm vụ Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc", Út, Út Hệ) và đồng phạm, LS Hoàng Văn Hướng (Đoàn LS thành phố Hà Nội) trong bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương về việc áp dụng Bộ luật hình sự để áp dụng đối với hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Hiến.

Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Hiến xảy ra trước 0 giờ ngày 01/01/2018, trong khi đó Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018. Vì vậy, cần phải đối chiếu các quy định có lợi cho các bị can để áp dụng pháp luật khi truy tố, xét xử.

So sánh quy định của Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thấy Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định định lượng cụ thể trong từng khung tăng nặng của điều luật. Nghĩa là áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi hơn bị cáo.

Từ phân tích trên, cáo trạng đã kết luận, căn cứ Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015; điểm b Khoản 1, điểm h Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017, ông Nguyễn Văn Hiến chịu trách nhiệm hình sự theo điểm c Khoản 3 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo LS Hướng, nội dung nêu trên đã gây bất lợi cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến. LS phân tích: Tinh thần của các nội dung quy phạm nêu trên, căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của hình phạt, việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ mới, bỏ đi tình tiết tăng nặng cũ (nếu luật mới đã bỏ đi) để xác định áp dụng pháp luật có lợi cho bị can, bị cáo. Do vậy, lý do bản cáo trạng đưa ra để áp dụng pháp luật cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hình sự.

LS Hoàng Văn Hướng đã dẫn Điều 285 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật hình sự năm 1999) để so sánh với Điều 360 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật hình sự năm 2015).

Bản cáo trạng đang truy tố ông Nguyễn Văn Hiến theo Khoản 3 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 có mức khởi điểm hình phạt là 7 năm tù so với khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 khởi điểm là 3 năm tù, nghĩa là áp dụng luật mới hình phạt dành cho bị cáo sẽ nặng hơn.

"Do đó, chúng tôi trân trọng đề nghị áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 theo đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật vào thời điểm xảy ra vụ án và nguyên tắc có lợi cho ông Nguyễn Văn Hiến", LS Hướng nêu quan điểm.

Tiếp sau đó LS phân tích về truy tố, có phải hậu quả làm Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất ở đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM) hay không; Về hậu quả Gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng; Về vai trò của ông Nguyễn Văn Hiến trong vụ án; Đánh giá về mức độ và ý thức chủ quan của ông Nguyễn Văn Hiến.

LS cũng phân tích về thời điểm ông Nguyễn Văn Hiến để xảy ra sai phạm cũng là thời điểm ông phải tham gia chỉ đạo, giải quyết các vấn đề chuyên môn quân sự phức tạp và quan trọng. LS cũng nêu nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ của ông Nguyễn Văn Hiến, những thành tích và cống hiến của ông trong quá trình công tác trong Quân đội. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị từ 3-4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên tòa chiều qua (20/5), sau khi các LS bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Hội đồng xét xử đã cho bị cáo này lên bục để bổ sung. Bị cáo Hệ đã nói cảm ơn Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử. Bị cáo cho biết đã có lời khai rõ ràng và thấy không có tội.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã nói: Nhìn các anh ở Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quan đứng đây (ra tòa), cảm thấy rất đau lòng, bởi có những sơ suất. Bị cáo Hệ cho biết, khi đàm phán liên doanh, ông Bùi Như Thiềm và các cán bộ ở Quân chủng Hải quân đã rất kỹ càng và không thể để cho một đơn vị gian dối.

Do không đi vào phần nội dung nên bị cáo Hệ đã bị Hội đồng xét xử ngắt và yêu cầu nói thẳng vào nội dung chính mà bị cáo đang bị truy tố.

Bị cáo Hệ xin nói thêm nhưng vẫn là phần không liên quan tới bị cáo. Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét về trường hợp của bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu gọi Đinh Ngọc Hệ bằng cậu), vì Hoan có bố từng là bộ đội ở biên giới phía Bắc, sau này ông về và nằm bệnh viện rồi qua đời.

Bị cáo Hệ cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho trường hợp bị cáo Phạm Văn Diệt, vì có con bị bệnh bẩm sinh, Phạm Văn Diệt còn phải nuôi bên nội, bên ngoại.

Cả ba bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan cùng bị Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân đề nghị mức án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị 20 năm tù; Phạm Văn Diệt 15 năm tù; Vũ Thị Hoan từ 7-9 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem