Vì sao Nga lại tự bắn vệ tinh của chính mình?

Thứ năm, ngày 18/11/2021 09:36 AM (GMT+7)
Vài ngày sau khi các cường quốc trên thế giới tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, một tình huống khẩn cấp khác về môi trường đã diễn ra, mặc dù vậy lần này là trong không gian.
Bình luận 0
Vì sao Nga lại tự bắn vệ tinh của chính mình? - Ảnh 1.

Vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Nga gây nguy hiểm cho phi hành đoàn trạm vũ trụ. Ảnh: CNN

Hôm thứ Hai (15/11), Nga đã thử nghiệm bắn tên lửa vào một trong những vệ tinh của chính họ, tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ khiến các thành viên phi hành đoàn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp.

Vụ thử chống vệ tinh bị giới chức Mỹ cũng như phần lớn cộng đồng khoa học lên án là một "hành động liều lĩnh và nguy hiểm", có thể gây ra mối đe dọa cho các hoạt động không gian trong nhiều năm tới.

Vụ thử tên lửa đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ, theo Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ. Các mảnh vỡ là mối nguy hiểm đối với phi hành đoàn 7 người hiện tại trên Trạm Vũ trụ Quốc tế - bao gồm hai người Nga – cũng như các vệ tinh khác cung cấp những dịch vụ liên lạc quan trọng trên Trái đất.

1.500 mảnh rác không gian mới được tạo ra đã gộp chung vào hơn 9.600 tấn mảnh vỡ quay quanh hành tinh của chúng ta, theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Trên thực tế, hơn sáu thập kỷ kể từ sau khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên, Sputnik 1, bãi phế liệu trên bầu trời của chúng ta ngày càng nhiều thêm. Các chuyên gia cảnh báo rằng giống như cuộc khủng hoảng khí hậu mà Trái đất đang phải đối mặt, không gian cũng đang chịu ảnh hưởng từ những hành động của con người.

Hugh Lewis, giáo sư kỹ thuật và khoa học vật lý tại Đại học Southampton của Anh cho biết: "Sự tích tụ của nhựa trong các đại dương và sự hình thành của rác trong quỹ đạo xung quanh Trái đất là rất giống nhau".

Ông khẳng định: "Môi trường Trái đất và môi trường không gian đều chỉ là một môi trường", đồng thời cho biết các quốc gia cần nỗ lực cải thiện tính bền vững của không gian. Mặc dù vậy, không gian vũ trụ đã không được đưa ra đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26.

"Bãi rác" ngoài vũ trụ

Dù vô hình trên bầu trời đêm, trên thực tế có hàng trăm triệu vật thể mảnh vụn quay quanh hành tinh của chúng ta. Những mảnh vỡ này bao gồm các bộ phận của vệ tinh cũ cũng như thân tên lửa.

Theo một báo cáo hồi tháng 1 của NASA, ít nhất 26.000 mảnh rác vũ trụ quay quanh Trái đất có kích thước bằng một quả bóng mềm hoặc lớn hơn - đủ lớn để phá hủy một vệ tinh; hơn 500.000 mảnh vỡ có kích thước bằng một viên đá cẩm thạch – chúng có khả năng làm hỏng tàu vũ trụ, trong khi "hơn 100 triệu mảnh có kích thước bằng hạt muối có thể làm thủng một bộ đồ vũ trụ".

Khi những mảnh vỡ này va vào nhau, chúng sẽ tạo ra nhiều mảnh vụn quỹ đạo nhỏ hơn. Lewis cho biết: "Mảnh vỡ càng nhỏ, nó sẽ phân hủy ra khỏi môi trường càng nhanh".

Các mảnh vỡ được tạo ra từ vụ thử tên lửa của Nga có độ cao từ 440 km đến 520 km, theo dịch vụ theo dõi không gian LeoLabs. "Các mảnh vỡ ở độ cao gần như thế này là một điều may mắn", Lewis nói. Ông giải thích rằng các mảnh vỡ về cơ bản sẽ "rơi xuống" và "bốc cháy" khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất.

Tuy nhiên, vụ thử tên lửa gần đây của Nga cũng sẽ khiến các vệ tinh gặp khó khăn đáng kể trong thời gian tới, Tim Flohrer, chuyên gia về các mảnh vỡ không gian tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết. Ông cũng chỉ ra tầm quan trọng của các dịch vụ như viễn thông, dự báo thời tiết và GPS - tất cả đều dựa vào vệ tinh.

Ông cho biết thêm rằng mặc dù mọi người có thể không cảm thấy tác động tức thời của rác không gian trong cuộc sống hàng ngày, thế nhưng xã hội vẫn ngày càng "phụ thuộc vào không gian như một cơ sở hạ tầng cho rất nhiều dịch vụ trên mặt đất". Ông nói: "Nếu số lượng mảnh vỡ không gian ngày càng tăng lên, nó sẽ gây nguy hiểm cho tương lai của chúng ta".

Vì sao Nga lại tự bắn vệ tinh của chính mình? - Ảnh 3.

Rác vũ trụ là một vấn đề lớn đối với nhân loại. Ảnh: Getty

Động cơ của Nga

Lý do Nga thực hiện cuộc thử nghiệm này là "câu hỏi trị giá một tỷ đô la", Lewis khẳng định. Ông nói: "Trước đây, nhiều quốc gia đã tiến hành các loại thử nghiệm này để chứng minh công nghệ và năng lực của họ, đồng thời để đưa ra tuyên bố rằng họ có thể làm được điều đó". Chỉ một số quốc gia như Mỹ, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thực hiện thành công các vụ thử vũ khí chống vệ tinh.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga thực hiện các cuộc thử nghiệm như vậy. Nhưng vụ việc hôm 15/11 đã khiến phương Tây lên án vì có khả năng gây nguy hiểm cho ISS và phi hành đoàn.

Cơ quan vũ trụ Nga ROSCOSMOS cho biết, phi hành đoàn đã phải nhanh chóng mặc đồ vũ trụ và nhảy lên tàu vũ trụ của họ để phòng trường hợp trạm bị va phải bởi một số mảnh vỡ.

Tuy nhiên trong một thông báo đăng trên Twitter, Roscosmos khẳng định vụ việc không hề nguy hiểm. "Quỹ đạo của các mảnh vỡ không hề nằm trong quỹ đạo của ISS", Roscosmos tweet. "Trạm chắc chắn an toàn!"

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Moscow đang gia tăng. Các quan chức Mỹ công khai lên án việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới với Ukraine. Bên cạnh đó, Mỹ cùng các quốc gia châu Âu khác cũng bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới với đồng minh thân cận của Nga là Belarus.

Lê Phương (CNN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem