Chuyện người Nhật Bản làm nông nghiệp ở Sơn La: Xem cách người Nhật trồng trà ở Vân Hồ (Bài 1)

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 19/04/2023 14:56 PM (GMT+7)
Người Nhật Bản vốn nổi tiếng kĩ tính, chỉn chu trong công việc và cách họ trồng cây trà cũng vậy, từ quy trình canh tác, chế biến, bảo quản… đều tuân thủ theo các bước nghiêm ngặt. Đến nay, sau 30 năm có mặt ở Việt Nam, sản phẩm trà Nhật Bản đã xây dựng được thương hiệu vững chắc.
Bình luận 0

LTS: Trong những năm gần đây, nông nghiệp tỉnh Sơn La đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và được coi là vựa trái cây lớn nhất ở phía Bắc. Xoài, nhãn, mận… đã lan tỏa giá trị không chỉ ở trong nước mà được xuất khẩu ra thế giới. Để ngành nông nghiệp tiếp tục "cất cánh", Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 128 với mục tiêu đưa ngành nông nghiệp phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.

Theo đó, Sơn La đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản, điển hình như Doveco, TH, Vinamilk… Với tiềm năng lớn về đất đai, khí hậu ôn hòa, người lao động chăm chỉ và ham học hỏi, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhìn thấy mảnh đất này rất thích hợp làm nông sản sạch, đó là lí do không ít nhà đầu tư Nhật Bản đã rót tiền vào Sơn La làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Trong 2 ngày 11 và 12/4 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Sơn La và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức thăm quan một số mô hình nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản tiêu biểu tại Sơn La. Để lan tỏa đến người nông dân, HTX về quy trình canh tác, công nghệ chế biến từ các mô hình này, Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài: "Dấu ấn những mô hình nông nghiệp Nhật Bản ở Sơn La".

Mang đến vị ngon của trà bằng cái "tâm" 

Giữa tháng 4, tôi có dịp cùng đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và cán bộ khuyến nông, một số HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đến thăm nhà máy sản xuất trà của Công ty TNHH Satoen Việt Nam tại tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. 

Mặc dù chưa một lần được đặt chân đến Nhật Bản nhưng ấn tượng trong tôi về hình ảnh đất nước mặt trời mọc lại đến giữa núi rừng Tây Bắc, bởi những hàng cây hoa anh đào được trồng bao quanh nhà máy và dọc những đồi trà chạy dài ngút tầm mắt.

Tiếp và trò chuyện với đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Satoen Việt Nam Sato Kimihiko (34 tuổi) chia sẻ rằng, 30 năm trước, bố của anh là ông Satoen đã đi khắp Việt Nam để khảo sát thổ nhưỡng các vùng sản xuất trà. Khi đặt chân đến huyện Vân Hồ, ông nhận định đây là địa điểm lý tưởng và có khí hậu thổ nhưỡng tương tự với tỉnh Shizuoka (Nhật Bản) - nơi mà Satoen đã trồng những cây trà đầu tiên trên mảnh đất quê hương, để rồi từ đây, ông tiếp tục trồng những giống trà Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam.

Dấu ấn mô hình nông nghiệp Nhật Bản ở Sơn La (bài 1): Lên rẻo cao Vân Hồ xem người Nhật trồng trà - Ảnh 2.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Sơn La và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao đổi, làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Satoen Việt Nam. Anhr: Minh Ngọc

Sato là con cả trong gia đình, năm 2020, khi 31 tuổi anh được ông Satoen lựa chọn là người kế vị người đứng đầu Satoen tại Việt Nam. Anh cho biết, khẩu hiệu của Satoen Nhật Bản là mang đến vị ngon của trà bằng cái "tâm" của người sản xuất và phương châm đó không hề thay đổi khi đặt nền móng đầu tiên cho cây trà Nhật Bản tại Việt Nam.

"Chúng tôi không chỉ chọn thổ nhưỡng, khí hậu... thích hợp và gần nhất với quê hương của cây trà ở vùng Shizuoka, mà còn đem toàn bộ máy móc hiện đại tối tân và những người thợ sao trà cừ khôi và lành nghề nhất của Tập đoàn tới làm việc tại Việt Nam, để mang lại vị ngon nhất có thể từ cây trà Nhật Bản", Sato chia sẻ.

Để chất lượng hoàn hảo trong mọi lá trà, Satoen luôn chú ý tới từng công đoạn sản xuất để mang đến cho khách hàng những tách trà giữ được hương vị độc đáo của Nhật Bản. Bằng chứng là họ đã được cấp tín chỉ an toàn thực phẩm từ Viện Nghiên cứu Thực và Dược phẩm tại Nhật Bản, đồng thời các quy trình canh tác đều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, HACCP và HALAL.

Chia sẻ về quy trình trồng trà của Satoen, anh Vũ Ngọc Triển - Trưởng phòng Nông nghiệp Satoen Việt Nam cho biết, giống trà đơn vị đang trồng có tên Yabukita, cho sản lượng 30-32 tấn/năm/ha. Và để sản xuất ra trà Matcha đạt tiêu chuẩn thì thực sự rất công phu khi phải trải qua 6 công đoạn: Che nắng lúc mới nảy mầm, thu hái, hấp chin bằng hơi nước, tách gân cuộn, làm khô bằng gió và nghiền bằng cối đá granit.

Dấu ấn mô hình nông nghiệp Nhật Bản ở Sơn La (bài 1): Lên rẻo cao Vân Hồ xem người Nhật trồng trà - Ảnh 3.

Công nhân của Công ty TNHH Satoen thu hái trà bằng máy. Ảnh: Minh Ngọc

Để che nắng cho cây trà lúc mới nảy mầm công nhân sẽ phủ lớp lưới lên trên cây (hay còn được gọi là Tencha theo người Nhật Bản). Mục đích che phủ là để ngăn lượng ánh sáng trực tiếp, thường thời gian che phủ từ 10-15 ngày. Sau đó, dỡ lưới và tiến hành thu hái.

"Việc phủ lưới giúp ngăn ánh sáng trực tiếp lên cây trà và làm tăng hương vị của giống Yabukita. Chất lượng trà sẽ xanh và giảm lượng tanin (chất chát tạo hương vị chát đặc trưng của trà). Khi che phủ chỉ được thực hiện trong ngày nắng và phải che toàn bộ tán cây. Sau khi che phủ sẽ đánh giá chất lượng hàng ngày", anh Triển nói.

Sau khi nghe anh Triển chia sẻ về quy trình sản xuất chè Matcha, anh Sato cho biết thêm, nhà máy được xây dựng ngay tại trung tâm vườn trà nên có thể chế biến trà ngay sau khi được thu hoạch để giữ được hương vị thơm ngon nguyên vẹn của trà Nhật Bản.

Đưa trà lên máy bay

Sato nói đây là lần đầu tiên được đón nhiều vị khách đến thăm quan nhà máy. Anh hào hứng chia sẻ về triết lý kinh doanh của công ty khi luôn đặt chữ "tín" lên hàng đầu, chữ "tâm" là nền tảng phát triển kinh doanh, chữ "trí" sẽ tạo ra giá trị khác biệt và bản sắc đặc trưng trong mỗi sản phẩm, dịch vụ, chữ "tinh" làm mục tiêu phát triển kinh doanh bền vững.

Anh đồng thời nhấn mạnh chữ "tinh" bởi người Nhật luôn coi tinh thần đoàn kết là yếu tố rất quan trọng. Thêm nữa lựa chọn nhân sự phải "tinh túy", thiết kế bộ máy phải "tinh gọn", xây dựng sản phẩm - dịch vụ phải "tinh hoa", từ đó tạo nên cuộc sống "tinh tế" cho cộng đồng.

Dấu ấn mô hình nông nghiệp Nhật Bản ở Sơn La (bài 1): Lên rẻo cao Vân Hồ xem người Nhật trồng trà - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và chuyên gia Nhật Bản thăm mô hình trồng trà của Công ty TNHH Satoen Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc

Sato cũng vui mừng cho biết, để du khách có thể thưởng thức hương vị trà Nhật Bản "trên tầng mây thứ 9", từ cuối năm 2022, Satoen Việt Nam đã ký kết hợp tác với hãng hàng không Bamboo Airways để cung cấp hai thức trà đặc biệt là: Sencha Special và Houjicha Special trên chuyến bay quốc tế và hạng thương gia trên chặng bay trong nước.

Sau gần 1 giờ trò chuyện tại văn phòng làm việc, Sato dẫn chúng tôi đi thăm dây chuyền chế biến trà, anh nói với nét mặt đầy hứng khởi, Satoen Việt Nam đang canh tác 51 ha trồng các giống trà Nhật Bản, mỗi năm thu hoạch 5 vụ, trung bình mỗi ha cho năng suất 5 tấn/vụ. Trong đó, dây chuyền sản xuất trà xanh 2 tấn nguyên liệu/ngày và trà Matcha 2,5 tấn nguyên liệu thô/ngày.

Dấu ấn mô hình nông nghiệp Nhật Bản ở Sơn La (bài 1): Lên rẻo cao Vân Hồ xem người Nhật trồng trà - Ảnh 5.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng đoàn công tác thăm quan nhà máy chế biến trà của Công ty TNHH Satoen Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc

Vị Chủ tịch HĐQT trẻ tuổi của Satoen Việt Nam cho biết, công ty đang cung cấp ra thị trường nhiều loại sản phẩm trà truyền thống, trà thực dưỡng và trà tiện ích. Trong đó, có một số loại trà Nhật Bản nối tiếng như: Sencha, Gen-maicha, Houjicha và bột trà xanh Matcha... Tất cả đều chứa những thành phần dinh dưỡng đặc trưng có lợi cho sức khỏe con người và được nhiều mục đích tiện lợi khác nhau trong chế biến thực phẩm.

"Xanh, hương thơm, hậu vị lâu, đem lại cảm giác tươi mới là những sản phẩm mà trà của Satoen có được", Sato chia sẻ. Trước khi kết thúc buổi thăm quan nhà máy, Sato khẳng định: "Satoen phát triển vì nụ cười và an toàn sức khỏe của khách hàng. Và sau này cũng vậy, trà của chúng tôi sẽ còn ngon hơn nữa!".

"Chúng tôi rất ấn tượng sau khi thăm quan nhà máy và vùng nguyên liệu trồng trà của Công ty Satoen Việt Nam tại huyện Vân Hồ (Sơn La). Công ty Satoen Việt Nam đã có lịch sử 30 hoạt động tại Việt Nam, chính bởi vậy đây là cơ hội rất tốt để lực lượng làm khuyến nông của Sơn La, các HTX có thể học hỏi kinh nghiệm, cách làm, quy trình công nghệ của Công ty. Chúng tôi đặc biệt vui mừng và hoàn toàn ủng hộ khi lãnh đạo Công ty Satoen mong muốn mở rộng diện tích sản xuất cây trà theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, mang lại giá trị cao", ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem