PGS.TS Đào Thế Anh: Người tiêu dùng châu Âu rất thích gạo Việt Nam

P.V Thứ tư, ngày 14/12/2022 14:52 PM (GMT+7)
Xuất khẩu gạo năm 2022 xuất hiện những điểm mới như: Sản lượng đạt 7 triệu tấn; đặc biệt gạo Việt đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính.
Bình luận 0

Bàn về vấn đề này tại Tọa đàm trực tuyến: "Mở cửa thị trường nông sản, cơ hội từ những thị trường khó tính" do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức sáng 13/12, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhận định: Trong 11 tháng năm 2022, chúng ta đã xuất khẩu số lượng gạo kỷ lục, đạt 7 triệu tấn với giá trị trên 3 tỷ USD. Đây là số lượng xuất khẩu gạo kỷ lục. 

"Chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, EU, đặc biệt là trong bữa ăn của nội các Nhật Bản cũng sử dụng gạo của Việt Nam. Tôi cho rằng, kết quả trên không phải là may rủi mà là một quá trình. Chúng ta chọn tạo bộ giống lúa, đáp ứng yêu cầu các thị trường từ thấp cấp đến cao cấp", ông Cường nói.

Về canh tác, công tác khuyến nông đã nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX sản xuất gạo để đáp ứng các tiêu chí của các nước có yêu cầu xuất khẩu cao như Mỹ, EU.

PGS.TS Đào Thế Anh: Người tiêu dùng châu Âu rất thích gạo Việt Nam - Ảnh 1.

Gạo Việt đã xuất hiện trong bữa ăn của nội các Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản.

Bày tỏ sự đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Như Cường, PGS. TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm: "Chúng ta đang hưởng lợi những kết quả từ chính sách tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện từ gần 10 năm nay, chứ không phải mở cửa thị trường mà đáp ứng được ngay. Đó là chúng ta đã chuyển dần từ sản xuất gạo chất lượng thấp sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, với những bộ giống gạo rất thơm ngon".

Đặc biệt, trải qua dịch Covid - 19, rất nhiều nước bày tỏ sự ngưỡng mộ chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam và đã có nhiều đơn vị nước ngoài sang Việt Nam học tập.

"Tôi đã gặp một số người tiêu dùng châu Âu và họ đánh giá rất cao chất lượng gạo của Việt Nam. Chúng ta đã đặt được "một chân" vào thị trường châu Âu và chúng tôi cho rằng, cần phải liên kết chặt chẽ hơn để duy trì thị trường này. Tại châu Âu, Việt Nam đang rất có uy tín cả về mặt chính trị và hợp tác", ông Đào Thế Anh nói.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, thị trường gạo còn một số sản phẩm chế biến cao cấp mà chúng ta ít chú ý, như mì gạo, bún khô… Đây là những sản phẩm mà khách châu Âu rất thích, do bảo quản được lâu. Nhưng quan trọng là các sản phẩm này không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có lẽ đây cũng là một hướng đi mà chúng ta sẽ góp phần tăng giá trị hạt gạo theo gợi ý của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan.

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, trước đây chúng ta thường xuất khẩu thô, nên trên các bao gạo đều in tên thương hiệu, nhãn hàng của đơn vị nhập khẩu. Nhưng bây giờ đã có gạo Lộc Trời vào siêu thị châu Âu. Tuy lượng chưa lớn, nhưng đây là tín hiệu gạo Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường cao cấp. 

"Thương hiệu gạo đó không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn mang giá trị văn hoá, tinh thần của người Việt Nam", ông Cường nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem