Nhiều mặt bằng cho thuê ở trung tâm TP.HCM bị “ế” kéo dài, vì sao?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 28/06/2022 07:00 AM (GMT+7)
Thị trường bất động sản cho thuê tại TP.HCM ghi nhận xu hướng hồi phục và sôi động hơn sau dịch, tuy nhiên loại hình nhà phố nội thành cho thuê vẫn “ế” dài, kể cả những mặt bằng “vàng” ở trung tâm.
Bình luận 0
Vì sao nhiều mặt bằng cho thuê ở quận trung tâm vẫn “ế”? - Ảnh 1.

Mặt bằng cho thuê ở đường Lê Văn Sỹ bỏ trống hơn 2 năm nay. Ảnh: Quốc Hải

Nhiều mặt bằng cho thuê đang… ế khách

Đóng cửa gần hai năm nay, một mặt bằng khá lớn nằm trên địa bàn P.1, Q.Tân Bình trở thành điểm nghỉ ngơi của cánh tài xế xe công nghệ và điểm bán cà phê vỉa hè. Anh Nguyễn Hoàng Thanh, một tài xế xe công nghệ cho hay, anh thường tập trung về điểm này để nghỉ chờ đón khách, vừa uống cà phê vỉa hè được bày ra ngay trước mặt bằng này.

"Tôi thấy mặt bằng này đóng cửa và treo bảng cho thuê từ hồi trước dịch Covid-19 rồi, đến nay vẫn không thấy ai thuê. Có mặt bằng lớn và đẹp thế này mà không cho thuê thì thật đáng tiếc", anh Thanh nói.

Dọc theo đường Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Tôn Thất Tùng, Pasteur, Hàm Nghi… có thể thấy rất nhiều mặt bằng đẹp, nằm ở vị trí đắc địa… nhưng vẫn đang treo biển cho thuê.

Theo khảo sát của Dân Việt, tùy diện tích và vị trí tuyến đường mà giá thuê các mặt bằng này dao động từ 3.000 - 4.000 USD đến vài chục ngàn USD/tháng.

Theo một số chủ mặt bằng tại các khu vực này, việc tìm được khách thuê mặt bằng với giá cả hợp lý là việc không hề dễ dàng. Nhiều mặt bằng đã có người đến hỏi thuê nhưng vẫn chưa thoả thuận được giá cả nên để trống. Đa phần khách vẫn muốn giữ mức giá thuê ưu đãi giảm 30-40% nhưng chủ nhà chỉ chấp nhận giảm mạnh nhất là 15 -20% so với giá trước dịch.

Thậm chí, một vài tuần trở lại đây, một số chủ thuê còn điều chỉnh giá lại theo sát mặt bằng chung của thời điểm trước dịch nên khách thuê chỉ tìm hiểu rồi… lắc đầu.

Anh Lê Quang - chủ một mặt bằng nhà phố trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10), vừa điều chỉnh giá thuê từ 15 triệu đồng/tháng thời gian dịch bệnh lên lại mức 22 triệu đồng/tháng, tương đương mức trước dịch (2019). Nhiều người đến hỏi để thuê nhưng sau khi nghe mức giá thì… "một đi không trở lại".

Hiện tại anh Quang đang thỏa thuận với một thương hiệu gạch men cao cấp, khách muốn giảm xuống mức 17 triệu đồng/tháng và hai bên chưa thể đồng thuận.

Vì sao nhiều mặt bằng cho thuê ở quận trung tâm vẫn “ế”? - Ảnh 2.

Hàng loạt mặt bằng ở quận trung tâm vẫn bỏ trống. Ảnh: Quốc Hải

Rục rịch tăng giá thuê, chị Ngọc Anh (quận 3) cho biết, thời điểm dịch chị giảm giá thuê khoảng 40% với mặt bằng hơn 60m2 của gia đình trên đường Cách mạng Tháng Tám, giờ chị quyết định tăng trở lại mức giá cũ.

"Mặt bằng này trước đây cho một thương hiệu thời trang thuê với giá 50 triệu đồng/tháng, đợt dịch khách trả mặt bằng, tôi giảm giá thuê xuống còn 30 triệu đồng/tháng nhưng không có khách. Hiện tại mặt bằng này được cải tạo và giá thuê bằng lúc trước dịch, mỗi bên 25 triệu đồng/tháng. Hy vọng sẽ thu hút được khách", chị nói.

Ông Võ Vương (quận 10), cho biết, sau gần 2 năm "nghỉ dịch", ông mới kiếm được khách thuê căn nhà phố tại quận 11 nhưng khách chỉ ký hợp đồng thuê 1 năm và cũng chỉ chấp nhận thuê với mức giá giảm 30% so với trước dịch.

"Trước đây, đa phần khách sẽ ký hợp đồng thuê dài hạn để tránh bị tăng giá theo thị trường nhưng giờ nhiều khách chỉ thuê 1 năm", ông Vương nói và cho biết, để có khách thuê, ông phải chấp nhận tốn thêm chi phí ký gửi các sàn số môi giới và đăng tin rao trên nhiều trang rao bán, thuê nhà để kiếm khách…

Bao giờ thị trường sôi động trở lại?

Báo cáo quý 1/2022 của batdongsan.com.vn, cho thấy, thị trường bất động sản cho thuê tại TP.HCM đang tăng trưởng trở lại. Theo đó, nhu cầu căn hộ chung cư tăng 19%, cho thuê văn phòng tăng 47%, cho thuê kho, nhà xưởng, đất tăng 9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, với 2 loại hình cho thuê nhà riêng và nhà mặt phố, nhu cầu tìm thuê tại TP.HCM vẫn chưa mấy cải thiện. Lượng khách tìm thuê nhà riêng tại TP.HCM giảm 6%, nhà phố giảm 8% so với cùng kỳ 2021. Nếu so sánh với nhu cầu thuê thời điểm trước dịch, lượt tìm thuê nhà riêng giảm đến 21% và nhà mặt phố là 23%.

Đây là 2 loại hình bị ảnh hưởng mạnh nhất trong dịch Covid-19 và ghi nhận phục hồi chậm hơn so với các loại hình cho thuê khác.

Vì sao nhiều mặt bằng cho thuê ở quận trung tâm vẫn “ế”? - Ảnh 4.

Nhiều mặt bằng "vàng", "kim cương" vẫn… ế khách. Ảnh: Quốc Hải

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, việc mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm ế ẩm một phần là do giá thuê tương đối cao, trong khi quốc tế trở lại Việt Nam không đông như hồi trước đại dịch.

Mặt khác, thiếu chỗ đậu xe nên nhiều vị trí dù đẹp nhưng không phù hợp với các ngành nghề có liên quan ăn uống…. Đặc biệt, sau những cú "tổn thương, thua lỗ" nhiều chủ nhà hàng đã không dám trở lại với các mặt bằng quá tốn kém, họ chú trọng bán online, vì vậy mặt bằng đẹp vẫn khó cho thuê.

"Với phân khúc mặt bằng cho thuê cao cấp này, theo tôi đánh giá thì phải đến quý 2 năm sau mới phục hồi như thời điểm trước dịch. Vì thực tế chủ đầu tư của những mặt bằng này cũng không vướng bận lắm đến vấn đề tiền bạc, thêm vào đó thì họ vẫn chờ khách du lịch quốc tế tăng trở lại", ông Quang đánh giá.

Còn theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của batdongsan.com.vn, hiện đang có xu hướng chuyển ra vùng ven với giá cho thuê thấp hơn nhằm giảm chi phí trong bối cảnh lạm phát, nhiều chi phí leo thang.

Thêm vào đó, mô hình kinh doanh sau đại dịch được các doanh nghiệp, nhà cung cấp thực hiện kết hợp giữa online và offline nên nhu cầu mặt bằng nhà phố không còn sôi động như trước.

"Những tuyến đường khu vực nội đô TP.HCM vốn có động lực là phục vụ khách du lịch nhưng hiện du khách vẫn chưa quay trở lại dù Việt Nam đã mở cửa. Dự báo thị trường nhà mặt phố cho thuê sẽ cần ít nhất từ 6-12 tháng để phục hồi hoàn toàn", ông Tuấn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem