Vì sao nhiều mô hình nông nghiệp "thui chột" sau khi hết vốn mồi?

Bình Minh Thứ ba, ngày 28/03/2023 17:09 PM (GMT+7)
Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất tiên tiến nhưng sau khi dự án rút đi, Nhà nước không còn hỗ trợ thì mô hình đã không phát huy hiệu quả, một phần lý do theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chưa làm tốt công tác tín dụng.
Bình luận 0

Sáng 28/3, tại buổi làm việc giữa Bộ NNPTNT với Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Phạm Toàn Vượng, Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 65% thị phần cho vay của Agribank. Trong thời gian qua, Ngân hàng đã ký kết chương trình hợp tác với Văn phòng điều phối NTM Trung ương giai đoạn 2016-2020. Năm 2011, thí điểm đầu tiên tại 11 xã, đến nay đã triển khai rộng khắp trên cả nước, doanh số cho vay hơn 4 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, Agribank triển khai một số chương trình do Bộ NNPTNT chủ trì như: Cho vay hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a năm 2008; cho vay theo Quyết định 63, 65, 68 về chính sách hỗ trợ tổn thất nông nghiệp, đến nay đã giải ngân với doanh số trên 14.000 tỷ đồng, dư nợ hơn 500 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định 67 với dư nợ cho vay hơn 5.000 tỷ đồng; cho vay trong chương trình lúa gạo đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Vì sao nhiều mô hình nông nghiệp "thui chột" sau khi Nhà nước không tiếp tục hỗ trợ vốn? - Ảnh 1.

Ông Phạm Toàn Vượng, Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 65% thị phần cho vay của Agribank. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Vượng cũng cho biết thêm, chương trình tư vấn, hỗ trợ vay vốn đối với Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 được Agribank quan tâm, chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Vượng, vướng mắc lớn nhất của Agribank là kiểm soát "đầu vào". "Nếu chúng ta phát triển chuỗi mà kiểm soát tốt đầu vào thì tất cả những câu chuyện về mức cho vay, tài sản đảm bảo sẽ không còn quá nặng nề".

Còn theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, dư nợ cho vay của Ngân hàng 290.000 tỷ, trong đó, 90% cho vay ở "mặt trận" nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện Ngân hàng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT về chính sách cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường.

Theo ông Hải, nguồn lực để cho vay xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường tại hộ gia đình còn hạn chế, mới chỉ ở mức độ "manh mún, nhỏ lẻ", mỗi hộ chỉ được vay 30 triệu đồng. Ông Hải đề xuất, Bộ NNPTNT báo cáo, trình Chính phủ trong thời gian tới nên có cải tiến về chương trình tín dụng cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho hay, Ngân hàng cũng đang chuyển hướng theo cách khuyến khích người dân đi vay vốn theo hộ gia đình, bởi các hộ dân cũng tham gia vào chuỗi sản xuất, vùng nguyên liệu.

"Các hộ gia đình tham gia vào chuỗi sản xuất, vùng nguyên liệu cũng là cách để sử dụng đồng vốn vay hiệu quả. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho vay theo mô hình sản xuất kinh tế hộ, tương đối manh mún. Trong thời gian tới với cách chuyển hướng, Ngân hàng và Bộ NNPTNT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn, từ đó lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các đề án, chương trình khuyến nông, khuyến ngư, lâm nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ...để người dân vay vốn, dù nhỏ nhưng sử dụng hiệu quả, trên cơ sở đó sau này mở rộng quy mô sản xuất", ông Hải bày tỏ.

Vì sao nhiều mô hình nông nghiệp "thui chột" sau khi Nhà nước không tiếp tục hỗ trợ vốn? - Ảnh 2.

Từ đồng vốn vay của Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), ông Tống Văn Hướng đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả, chăn nuôi heo. Ảnh: Minh Ngọc

Chia sẻ thông tin tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay Trung tâm đang triển khai mạnh mẽ lực lượng Tổ khuyến nông cộng đồng ở các địa phương. Ông Thanh bày tỏ mong muốn hệ thống cán bộ, tổ vay vốn - "chân rết" của ngân hàng có thể tham gia, phối hợp với Tổ khuyến nông công đồng.

Hệ thống khuyến nông cộng đồng giúp HTX, bà con nông dân xây dựng kế hoạch sản xuất, đồng nghĩa với câu chuyện này thì bà con sẽ rất cần vốn. Trong Tổ khuyến nông cộng đồng, lực lượng kỹ thuật lấy nòng cốt từ khuyến nông, trong đó có sự tham gia của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, có sự tham gia của Giám đốc các HTX, chính vì vậy họ rất cần hiểu biết về chính sách tín dụng, và chính họ là người xây dựng đề án vay vốn cho lực lượng tại địa phương. Chính vì vậy, rất cần sự phối hợp giữ lực lượng làm tín dụng và Tổ khuyến nông cộng đồng.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cho biết, Trung tâm đã ban hành trên 400 định mức kinh tế kỹ thuật cho các hoạt động khuyến nông, từng mô hình sản xuất tiên tiến đã có định mức kinh tế kỹ thuật. "Mô hình nuôi lợn, con gà, nuôi trồng thủy sản...đều có định mức kinh tế kỹ thuật, dựa vào căn cứ này sẽ xây dựng kế hoạch vay vốn, tín dụng để sản xuất", ông Thanh nói.

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất tiên tiến nhưng theo ông Thanh "mô hình đi đâu về đâu" là câu hỏi lãnh đạo Bộ NNPTNT rất quan tâm, bày tỏ băn khoăn. Theo ông Thanh, lý do, một phần là chưa làm tốt công tác tín dụng.

"Chúng tôi xây dựng mô hình nuôi biển, chi phí rất cao, Nhà nước hỗ trợ ban đầu chỉ 50% vốn. Sau khi dự án kết thúc thì Nhà nước không còn hỗ trợ vốn, dân không có vốn để sản xuất, mặc dù biết nó rất hiệu quả, rất tốt", ông Thanh chia sẻ, đồng thời bày tỏ nếu như ngân hàng đồng hành với khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cho vay vốn thì chính từ kết quả đó thì bà con nông dân sẽ rất có lợi. Đồng thời, ngân hàng và khuyến nông cùng đánh giá hiệu quả mô hình đó thì sẽ giảm được nợ xấu.

Vì sao nhiều mô hình nông nghiệp "thui chột" sau khi Nhà nước không tiếp tục hỗ trợ vốn? - Ảnh 3.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chương trình phối hợp giữa Bộ NNPTNT và Agribank sẽ gợi mở nhiều ý tưởng mới để xây dựng lộ trình phát triển hiệu quả. Ảnh: Minh Ngọc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có, tuy nhiên, trong quá trình triển khai nếu thiếu các nguồn lực thì sẽ khó có thể triển khai thành công. Do đó, chương trình phối hợp giữa Bộ NNPTNT và Agribank sẽ gợi mở nhiều ý tưởng mới để xây dựng lộ trình phát triển hiệu quả.

Theo ông Hoan, muốn sử dụng đồng vốn hiệu quả ngoài chính sách của Bộ NNPTNT thì các ngân hàng phải giúp nông dân thay đổi tư duy bao cấp, không ỷ lại vào bất kỳ chương trình hỗ trợ nào, thậm chí là chương trình hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Phải giúp người nông dân hình thành tư duy thị trường, phải hiểu và tự chịu trách nhiệm với nguồn vốn vay, hỗ trợ của mình.

"Cho vay trong nông nghiệp là cho vay có rủi ro rất cao, do đó, muốn giảm rủi ro thì các ngân hàng phải tư duy lại; thiết kế các gói sản phẩm mới nhưng trong đó phải đưa ra những điều kiện, quy định chặt chẽ hơn. Ngân hàng cung cấp cho nông dân cần câu sẽ hay hơn là chỉ cho họ con cá. Nghĩa là, ngoài cung cấp cho người dân công cụ thì phải giúp họ có cả kỹ năng để tổ chức sản xuất, sử dụng đồng vốn hiệu quả", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Bộ NNPTNT và Ngân hàng Agribank sẽ phối hợp với 4 nội dụng: (1) Tuyên truyền và đào tạo, bồi dưỡng tiếp cận chính sách tín dụng; (2) Thúc đẩy các gói dịch vụ tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu; (3) Phối hợp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị dòng tiền cho vay theo chuỗi trong các vùng nguyên liệu; (4) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và nhân rộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem