Vì sao nói, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng trước tình trạng đáng báo động?

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 25/04/2023 13:19 PM (GMT+7)
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý I giảm đến 27,5%, tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 nặng nề nhất. Sản xuất bị đình trệ, người dân không tiếp tục nuôi trồng, VASEP lo ngại khi thị trường phục hồi thì nguồn nguyên liệu trong nước không còn, đây là thực trạng đáng báo động.
Bình luận 0

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM sáng 25/4, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thhủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,83 tỷ USD, giảm đến 27,5%. Ông Nam nhấn mạnh, đây là mức giảm tương đương hồi dịch Covid-19 diễn biến nặng nề nhất.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng trước tình hình đáng báo động

Theo thống kê của VASEP, những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 30-37%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 11%.

Cụ thể, xuất khẩu tôm chiếm 33%, đạt gần 600 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tôm sang những thị trường chính gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia đều giảm 25-47%. Giá trung bình xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm, sang Mỹ giảm 15%, sang Nhật giảm 50%, sang Hàn Quốc giảm 30%.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng trước tình trạng đáng báo động - Ảnh 1.

Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nêu khó khăn của doanh nghiệp trong ngành sáng 25/4. Ảnh: H.Phúc

Xuất khẩu cá tra trong quý I chiếm 23%, đạt gần 422 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đều giảm nhập khẩu cá tra lần lượt 23% và 65%. Nhiều thị trường khác cũng bị giảm sâu từ 12-61%.

Thị phần của các nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản giảm rất nặng thời gian qua, ít nhất là 4 tháng trở lại đây.

Ông Nam cho biết nguyên nhân chính là lạm phát, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể. 

“Nhiều đơn hàng đã ký hợp đồng đều bị đẩy lùi, dẫn đến tồn kho, công suất kho lạnh không đủ trữ, sản xuất tôm cá của ngư dân bị đình trệ. Chúng tôi lo ngại quý III khi thị trường phục hồi thì nguồn nguyên liệu trong nước không còn do người dân giảm sản xuất, doanh nghiệp không mua được hàng. Tình hình này thực sự rất báo động”, ông Nam nói.

Ngoài ra, theo ông Nam, khó khăn thứ hai mà các doanh nghiệp trong ngành thủy sản đối mặt là thiếu dòng tiền. Khi đơn hàng chưa về thì dòng tiền chưa về và gặp khó với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. 

Cụ thể, về lãi suất ngân hàng, trước đây, các doanh nghiệp trong ngành chỉ vay USD với lãi suất từ 2,1%, hiện lên trên 4%. Theo ông Nam, khó khăn về dòng tiền khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp tục thu mua nguyên liệu của bà con.

Đề xuất giảm lãi suất vay vốn, có gói hỗ trợ tín dụng

Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ doanh doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng thời, rà soát các thủ tục và xem xét các gói tín dụng có ý nghĩa cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này như gói 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp phục vụ thu mua nguyên liệu tôm cá, hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất. Hoặc có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Nam ví dụ, giảm 10% tiền điện ở giai đoạn Covid-19 đã giải quyết rất nhiều vấn đề, nhất là tâm lý cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sản xuất.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng trước tình trạng đáng báo động - Ảnh 3.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý I giảm đến 27,5%, tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 nặng nề nhất. Ảnh: VASEP

Đại diện VASP đề xuất các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý I và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu đầu năm và có thể kéo dài đến giai đoạn nửa đầu năm 2023.

Trước vấn đề giá nguyên liệu, thức ăn thủy sản tăng cao, đại diện các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%, bởi trong khi nhiều nguyên liệu như lúa mì giảm thuế nhập khẩu từ 3% xuống 0% và ngô từ 5% xuống 2%, thì khô đậu tương vẫn giữ nguyên.

Ông cũng đề xuất Bộ Công Thương có ý kiến với Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét chỉ đạo duy trì một số chính sách tốt như giai đoạn Covid-19: Giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng BHXH, mức đóng kinh phi công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH.

Đại diện VASEP đánh giá Trung Quốc là thị trường còn nhiều dư địa gia tăng thị phần xuất khẩu thủy sản Việt Nam, họ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn thủy sản cho cả mục đích tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Do đó, Bộ Công Thương có sự quan tâm, đánh giá và phối hợp xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, gia tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường lớn này lên ít nhất 10-15% kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem