Vì sao quy định đại biểu Quốc hội chỉ duy nhất có một quốc tịch?

PVCT Thứ sáu, ngày 10/07/2020 12:11 PM (GMT+7)
Đối với đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ngoài những tiêu chuẩn chung, Luật quy định ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Bình luận 0

Sáng nay (10/7), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố 10 luật đã được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thông qua.

Vì sao quy định đại biểu Quốc hội chỉ duy nhất có một quốc tịch? - Ảnh 1.

Buổi họp báo công bố các Luật (ảnh D.T).

Các Luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (viết tắt PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có những điểm mới đáng chú ý: Về tiêu chuẩn của ĐBQH, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra tình trạng vi phạm trong quá trình bầu cử ĐBQH như nhiệm kỳ khóa XIV, Luật đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với ĐBQH. Theo đó ngoài những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Vì sao quy định đại biểu Quốc hội chỉ duy nhất có một quốc tịch? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn giới thiệu về Luật Thanh niên (ảnh PV).

Trong kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIV (năm 2016), có trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (doanh nhân, từng là ĐBQH khóa XII và XIII) trúng cử ĐBQH khóa XIV, nhưng do vi phạm có 2 quốc tịch nên Hội đồng bầu cử quốc gia không công nhận tư cách ĐBQH của bà Hường.

Một trong những điểm mới nữa là Luật đã đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đổi tên Ủy ban Về các vấn đề xã hội thành Ủy ban Xã hội, hai tên gọi mới trên bắt đầu thực hiện từ nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội.

Về cơ cấu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Luật sửa đổi đã đảm bảo tính ổn định, kế thừa quy định hiện hành, xác định rõ từng loại chức danh, gắn với tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ đãi ngộ của cụ thể, tạo bước đệm, chuẩn bị nhân sự kế cận để thu hút cán bộ về Quốc hội, cũng như có thêm thời gian để ĐBQH hoạt động chuyên trách được trau dồi, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm hoạt động, Luật sửa đổi bổ sung lần này vẫn tiếp tục giữ cơ cấu Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như Luật hiện hành nhưng mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban.

Theo đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm; Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm; Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách. 

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, một trong những điểm mới là bổ sung 4 loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn nhưng chưa được quy định trong Luật hiện hành, gồm: Gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng và sạt lở đất.

Luật sửa đổi cũng bổ sung 5 loại công trình là công trình kè, chống xâm nhập mặn, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét vào nhóm công trình phòng, chống thiên tai đã quy định tại Luật hiện hành…

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, điểm mới đáng chú ý là bổ sung quy định hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đảm bảo an toàn đối với các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt…

Liên quan đến Luật Thanh niên, tại buổi họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi đến Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật), về việc có nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao như một số ý kiến ĐBQH đã nêu?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Trong giai đoạn này Quốc hội thấy chưa phù hợp, nên đã quy định trong Luật Thanh niên là Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên, giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên. 

"Trong quá trình triển khai thực hiện các bộ, ngành, các địa phương cũng như các tổ chức liên quan đều có trách nhiệm phối hợp (sẽ có cơ chế phối hợp) làm sao đảm bảo thực hiện tốt quản lý nhà nước về thanh niên", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói và cho biết, không nghiên cứu để triển khai xây dựng Bộ Thanh niên và Thể thao như ý kiến một số ĐBQH đã đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem