Mới đây, Cổng thông tin Chính phủ đưa tin Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức.

Tối 7/10, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Taki về công tác chuẩn bị, triển khai cho chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Suga.

Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật dưới lăng kính kinh tế - Ảnh 2.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam cho chuyến công du đầu tiên ngay sau khi nhậm chức

Một số phương tiện truyền thông Nhật Bản cho hay tình hình dịch Covid-19 là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến lịch trình công du của Tân Thủ tướng. Trong khi đó, đại sứ Yamada Taki khẳng định việc Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam cho chuyến công du đầu tiên ngay sau khi nhậm chức phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Việt Nhật cũng như tham vọng tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia.

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973, tức đến nay vừa tròn 47 năm. Trong chặng đường gần nửa thập kỷ đó, cả hai quốc gia đã đạt được những tiến bộ hợp tác vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Từ khi nước ta bắt đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện năm 1986 đến nay, quan hệ Việt - Nhật càng có sự hội nhập sâu rộng và toàn diện.

Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật dưới lăng kính kinh tế - Ảnh 3.

Đối với Nhật Bản, Việt Nam có một vị trí quan trọng cả về vị trí địa lý lẫn ngoại giao. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhiều lần nhấn mạnh việc hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế là sứ mệnh quan trọng của Nhật Bản. Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ Nhật Bản đã vận dụng cách tiếp cận dựa trên 3 trụ cột kinh tế quan trọng: thương mại - đầu tư - ODA. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật dưới lăng kính kinh tế - Ảnh 4.

Năm 2009, Nhật Bản là nước đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với nước ta. Đến năm 2011, Nhật Bản tiếp tục là nước G7 đầu tiên công nhận thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam. Năm 2016, Nhật Bản lần nữa trở thành nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự diễn đàn G7 mở rộng.

Nhật Bản cũng phối hợp với Việt Nam thúc đẩy nhiều Hiệp định thương mại song phương nhằm tạo điều kiện và khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hợp tác phát triển. Đơn cử có thể nhắc đến Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) (tháng 10/2009)...

ODA Nhật Bản vào Việt Nam nở rộ

Kể từ khi mở lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992, Nhật Bản luôn là nhà viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam với số vốn cam kết tính đến nay lên tới hơn 30 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 tổng viện trợ mà các nhà tài trợ ODA dành cho nước ta.

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã phân bổ vốn ODA vào tất cả các lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam bao gồm cơ sở hạ tầng (giao thông, điện lực, cảng biển), y tế, giáo dục, nguồn nhân lực, môi trường…; qua đó tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Có thể kể đến một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam có sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản như cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường vành đai 3 Hà Nội, cải tạo cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Bắc Nam, nâng cấp quốc lộ 5…

Trên lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện hàng loạt dự án nhà máy thủy điện, nhiệt điện thông qua nguồn vốn ODA. Có thể kể tới nhà máy thủy điện Đa Nhim hoàn thành hồi năm 2018 với tổng vốn đầu tư lên tới 1.952 tỷ đồng, trong đó 85% đến từ vốn ODA của Nhật Bản.

Lĩnh vực y tế cũng ghi nhận nhiều dự án quan trọng được tài trợ bởi vốn ODA Nhật Bản bao gồm xây dựng và nâng cấp hàng loạt bệnh viện quan trọng như Bạch Mai và Chợ Rẫy.

Kim ngạch thương mại

Kể từ năm 1999 đến nay, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí dành cho nhau mức thuế suất tối huệ quốc nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương. Nhật Bản hiện là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc).

Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật dưới lăng kính kinh tế - Ảnh 6.

Tính riêng trong năm 2019, theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản chiếm tới 7,7% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới.

Cu thể, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 39,9 tỷ USD, tức tăng 5,5% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,4 tỷ USD còn nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 19,5 tỷ USD. Thặng dư thương mại Việt Nam so với Nhật Bản khoảng 722 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản gồm có hàng dệt may (với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (2,6 tỷ USD), hàng thủy sản (1,46 tỷ USD). Bên cạnh đó còn có máy móc thiết bị khác, các sản phẩm gỗ, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử, giày dép…

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Nhật Bản bao gồm máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm sắt thép các loại, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm vải, linh kiện phụ tùng ô tô…

Đầu tư trực tiếp

Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia dẫn đầu về số vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Năm 2018, Nhật Bản là 1 trong số các quốc gia rót vốn FDI vào Việt Nam với tổng số vốn 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% số vốn đầu tư từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật dưới lăng kính kinh tế - Ảnh 7.

Trong năm 2019, Nhật Bản tiếp tục lọt top 5 nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với số vốn đăng ký gần 8 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam tăng kỷ lục (630 dự án). 

Như vậy đến nay, Nhật Bản hiện có 4.190 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư FDI vào nước ta và là nhà đầu tư FDI vào Việt Nam lớn thứ hai thế giới. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường nước ta là công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng.

Một báo cáo được công bố bởi Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản JBIC hồi cuối năm 2019 chỉ ra rằng trong top 10 thị trường đầu tư hấp dẫn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất. Cũng theo báo cáo này, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong trung hạn và dài hạn.

Một số lĩnh vực khác

Lao động

Số liệu thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) chỉ ra rằng trong năm 2019, Việt Nam có khoảng 147.000 lao động xuất khẩu ra nước ngoài, tăng nhẹ so với năm 2018. Trong đó, Nhật Bản là thị trường thu hút lượng lao động Việt Nam lớn nhất với 80.002 lao động, phần lớn làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, thủy hải sản.

Như vậy, tính đến hết năm 2019, Nhật Bản hiện đang là nơi lưu trú của khoảng 200.000 thực tập sinh và 30.000 lao động kỹ thuật của Việt Nam. Thu nhập cao, ổn định và được đào tạo trình độ tay nghề cao là 3 yếu tố khiến Nhật Bản thu hút phần đông lao động Việt Nam, theo cục Quản lý lao động ngoài nước.

Du lịch

Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật dưới lăng kính kinh tế - Ảnh 8.

Biểu đồ du khách Nhật Bản đến Việt Nam giai đoạn 2015-2019

Nhật Bản hiện cũng là một trong những thị trường du lịch quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Năm 2019, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam đạt 952.000 lượt, tăng 15,2% so với năm 2018. Kim ngạch du lịch song phương Việt Nam - Nhật Bản cùng kỳ ước đạt 1,45 triệu lượt du khách.

Như vây, trong 5 năm gần nhất (2015-2019), lượng du khách Nhật Bản đến Việt Nam đã tăng 1,4 lần, từ 671.000 lượt khách lên tới 952.000 lượt khách. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam đã ghi nhận lượng du khách Nhật Bản tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 162.000 lượt. 

Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật dưới lăng kính kinh tế - Ảnh 9.

Tại thời điểm năm 1990, tức ngay sau khi Việt Nam thực hiện cải cách mở cửa để tái thiết đất nước, nước ta là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Sau 3 thập kỷ, giờ đây, Việt Nam đã gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình (năm 2009) với tỷ lệ tăng trưởng cao liên tục ổn định, trở thành điểm sáng đầy triển vọng với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và quốc tế nói chung.

Bên cạnh những yếu tố như ý chí quyết tâm của người dân và đường lối lãnh đạo từ chính phủ, không thể không thừa nhận một trong những động lực quan trọng hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ nguồn vốn đầu tư và viện trợ quốc tế. Sự hỗ trợ liên tục trong gần 3 thập kỷ qua của chính phủ Nhật Bản - một trong những đối tác hữu nghị và nhà tài trợ quan trọng của Việt Nam - chắc chắn đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế nước ta.

Chuyến công du tháng 10 của Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tới Việt Nam sắp tới mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực phục hồi hợp tác trên các lĩnh vực.

Nhìn lại quan hệ Việt - Nhật dưới lăng kính kinh tế - Ảnh 10.




Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem